Taylor Swift sắp giành lại bản thu âm gốc sau nhiều năm bị tước đoạt?
Liệu Taylor Swift có thể tái sở hữu các tác phẩm đã làm nên tên tuổi cô từ thuở đầu sự nghiệp?
Taylor Swift - nữ ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Mỹ có thể sắp sửa giành lại quyền sở hữu những bản thu âm gốc từng là tâm điểm tranh cãi suốt nhiều năm qua, theo thông tin độc quyền từ Page Six và DailyMail.
Hiện tại, các bản thu âm gốc của 6 album đầu tay của Taylor Swift, bao gồm: Taylor Swift, Fearless, Speak Now, Red, 1989 và Reputation đang thuộc quyền sở hữu của công ty đầu tư tư nhân Shamrock Capital. Nguồn tin tiết lộ rằng Shamrock đang tìm cách bán lại các bản thu âm này, mở ra cơ hội hiếm hoi để nữ ca sĩ có thể tái sở hữu các tác phẩm đã làm nên tên tuổi cô từ thuở đầu sự nghiệp.

Điều đáng chú ý là ông trùm âm nhạc Scooter Braun - người từng là tâm điểm chỉ trích gay gắt từ Taylor Swift được cho là đang "giật dây" hậu trường trong thương vụ chuyển nhượng lần này. Trước đó, chính Scooter Braun là người đã mua lại hãng đĩa Big Machine Records - nơi lưu giữ bản thu âm gốc của Taylor Swift với giá khoảng 300 triệu USD vào năm 2019. Sau đó không lâu, ông bán lại các bản thu âm cho Shamrock Capital để kiếm lời.
Năm 2019, Taylor Swift tuyên bố cô bị từ chối quyền mua lại bản thu âm trừ khi chấp nhận ký một thỏa thuận bảo mật (NDA) nghiêm ngặt, buộc nữ ca sĩ không được nói tiêu cực về Scooter Braun. Cô cũng khẳng định chưa bao giờ được đưa ra mức giá cụ thể để mua lại bản thu âm, và vẫn bị ràng buộc bởi NDA ngay cả khi không có thỏa thuận nào được ký kết.
"Braun chỉ đề nghị bán lại nếu tôi im lặng về những hành động của ông ấy, điều đó là không thể chấp nhận được", Taylor Swift viết trong một bài đăng thời điểm đó.

Trước khi thương vụ với Scooter Braun xảy ra, Taylor Swift từng tiếp cận ông Scott Borchetta - người sáng lập Big Machine để đàm phán trong việc mua lại bản thu âm. Tuy nhiên, nữ ca sĩ cho biết Scott Borchetta chỉ đồng ý bán từng bản thu âm một, bắt đầu từ những album có lợi nhuận thấp nhất, và kèm theo điều kiện cô phải phát hành album mới cho hãng để "chuộc lại" từng phần - một cam kết kéo dài nhiều năm mà Taylor Swift không chấp nhận.
Sau khi các bản thu âm gốc rơi vào tay Shamrock Capital, Taylor Swift đã khởi động chiến dịch thu âm lại 6 album đầu tay với nhãn "Taylor’s Version", trong đó bao gồm cả các bản mở rộng và ca khúc chưa từng phát hành. Dự án không chỉ giúp cô giành lại tiếng nói nghệ sĩ mà còn tạo nên hiện tượng toàn cầu về mặt thương mại lẫn văn hóa.

Theo chuyên gia tư vấn âm nhạc Clayton Durant (CAD Management), chi phí để Taylor Swift mua lại toàn bộ bản thu âm gốc có thể dao động từ 600 triệu đến 1 tỷ USD. Tuy nhiên, Clayton Durant cho rằng khoản đầu tư khổng lồ này hoàn toàn hợp lý, xét đến việc Taylor Swift hiện có giá trị tài sản ròng khoảng 1,6 tỷ USD (Forbes, 2024).
"Nếu Swift nắm toàn quyền kiểm soát các bản thu âm, cô sẽ nhận được phần lớn doanh thu từ tiền bản quyền và có quyền cấp phép sử dụng chúng trong phim ảnh, quảng cáo, chương trình truyền hình - những lĩnh vực mà hiện tại Shamrock đang hưởng lợi", Durant nói.
Thực tế cho thấy mỗi lần Taylor Swift phát hành một album "Taylor’s Version", lượt phát trực tuyến của phiên bản gốc cũng tăng vọt - một nghịch lý khiến doanh thu từ các bản thu cũ vẫn đổ vào túi Shamrock, dù cô không còn quyền kiểm soát chúng.

Hiện cả phía Taylor Swift, Scooter Braun lẫn Shamrock Capital vẫn chưa lên tiếng chính thức về thương vụ mới. Tuy nhiên, nếu mọi thứ diễn ra đúng như đồn đoán, lần đầu tiên sau nhiều năm, Taylor Swift có thể sắp giành lại trọn vẹn di sản âm nhạc từng bị lấy khỏi tay cô - không phải bằng nước mắt, mà bằng quyền lực và bản lĩnh của một trong những nghệ sĩ độc lập thành công nhất thời đại.