Tàu ngầm Soryu không thể lặn sau cú va chạm

Theo Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF), sau khi xảy ra va chạm với tàu dân sự, tàu ngầm Soryu vẫn di chuyển binh thường nhưng không thể lặn.

Thông tin được JMSDF đưa ra khi nói về mức độ thiệt hại của con tàu sau khi xảy ra tai nạn. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết: "Tàu ngầm đang huấn luyện theo kế hoạch và phát hiện tàu dân sự qua kính tiềm vọng khi đang nổi lên, nhưng không kịp né tránh.

Tình trạng của tàu ngầm Soryu sau va chạm.

Cú va chạm khiến một cánh lái bên phải phần thượng tầng bị gãy gập, thiết bị thông tin liên lạc trên tàu ngầm bị hư hỏng, khiến thủy thủ đoàn mất hơn 3 tiếng di chuyển đến nơi có sóng điện thoại để báo cáo. Con tàu không thể lặn vì có thể bị nước tràn vào".

Nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn hiện đang được cơ quan chức năng điều tra nhưng theo Giáo sư Ito Toshiyuki, cựu phó đô đốc Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản, tàu ngầm dễ gặp sự cố nhất khi nâng kính tiềm vọng khỏi mặt nước, do rất khó xác định tình hình xung quanh.

"Kíp điều khiển tàu ngầm phải hiểu rõ điều này và tuân thủ quy trình nổi lên một cách cẩn thận, bao gồm xác nhận an toàn bằng hệ thống định vị thủy âm (sonar)", vị này nói.

Vị giáo sư cho biết thêm, tàu ngầm lớp Soyru được trang bị hàng loạt cảm biến, trong đó chủ lực là tổ hợp sonar Hughes/Oki ZQQ-7, với một sonar ở mũi, 4 cụm sonar sườn và một sonar kéo sau đuôi để tăng khả năng theo dõi.

Bên cạnh đó là kính tiềm vọng quang điện tử và radar nhìn vòng cảnh giới đường không ZPS-6F cho mục tiêu mặt nước và máy bay. Thủy thủ đoàn có thể sử dụng sonar chủ động để phát hiện chướng ngại vật và cảnh báo nguy cơ va chạm.

Nhưng chúng thường hiếm khi được kích hoạt trong các kịch bản chiến đấu, do sonar chủ động phát ra tín hiệu âm thanh có thể đánh động tàu ngầm, tàu mặt nước và máy bay săn ngầm đối phương.

"Có một số điều kiện cho phép vận hành sonar chủ động trong thời gian ngắn để nhận diện môi trường xung quanh, nhưng điều kiện tác chiến thường không ủng hộ hành động này. Nếu bạn tự phát ra tín hiệu, chắc chắn sẽ có người phát hiện ra bạn", giáo sư Toshiyuki nói.

Ở một số tình huống, tàu ngầm cũng có thể sử dụng sonar thụ động, vốn không phát ra tín hiệu mà chỉ thu thập sóng âm từ môi trường. Nó cung cấp ít thông tin và có độ chính xác thấp hơn sonar chủ động, nhưng hoàn toàn đủ khả năng phát hiện một tàu dân sự như chiếc tàu vừa xảy ra va chạm.

Khi làm nhiệm vụ trong trạng thái lặn, tàu ngầm thường dựa vào hệ thống định vị quán tính để cung cấp dữ liệu vị trí chính xác, nhưng nó chỉ hỗ trợ vượt qua các chướng ngại vật cố định. Hệ thống này cũng cần được cân chỉnh liên tục để bảo đảm chính xác, cũng như phụ thuộc rất nhiều vào bản đồ đáy biển.

Nhô lên mặt biển được cho là một trong những thao tác nguy hiểm nhất một tàu ngầm phải trải qua. Trước khi thực hiện thao tác này, thủy thủ đoàn phải vạch lộ trình của mọi vật thể đã được phát hiện trước đó, gồm tàu hàng dân sự, chiến hạm...

Hiện không rõ thủy thủ đoàn của tàu ngầm Soryu không thực hiện đúng quy trình hay những hệ thống cảm biến của tàu làm việc kém hiệu quả. Câu trả lời cuối cùng có thể chỉ các nhà điều tra và Hải quân Nhật mới rõ.

Ngọc Hòa

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/tau-ngam-soryu-khong-the-lan-sau-cu-va-cham-3427362/