Tập trung đầu tư phát triển cây cà phê theo hướng bền vững

Diễn ra sôi động, ấn tượng đặc sắc để lại nhiều dư âm tốt đẹp trong lòng du khách trong và ngoài nước, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 đã dần khép lại vào cuối tuần này. Lễ hội đã thật sự mang lại luồng gió mới, lấy cây cà phê làm tâm điểm, tập trung cho việc đầu tư phát triển cây cà phê đặc sản theo hướng bền vững.

Hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam mang ý nghĩa chiến lược. Ảnh: Bá Thăng

Hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam mang ý nghĩa chiến lược. Ảnh: Bá Thăng

Đó là lời nhận xét, đánh giá của giới “nhà nghề” về cà phê, bởi tại Lễ hội lần này, Ban Tổ chức đã xác định mục tiêu chính là hướng tới người nông dân, người sản xuất, kinh doanh cũng như chế biến cà phê. Các nội dung, chương trình của Lễ hội đều tập trung vào thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam; tôn vinh người trồng cà phê, chế biến và kinh doanh cà phê; động viên cộng đồng cùng chung tay vun đắp cho sự phát triển của văn hóa cà phê; hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực chế biến cà phê …

Là người đã từng 7 lần tham dự Lễ hội cà phê, ông Đậu Chí Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát chia sẻ với chúng tôi: So với các Lễ hội lần trước, Lễ hội cà phê lần này ngoài các hoạt động văn hóa phụ trợ khác, Ban Tổ chức đã lựa chọn được những nội dung, chương trình thiết thực, hữu ích đối với người sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm của cà phê như chúng tôi như: Hội chợ - triển lãm chuyên ngành cà phê; Hội nghị xúc tiến đầu tư; Hội thi nhà nông đua tài…

Đầu tiên phải kể đến Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê. Theo đánh giá sơ bộ của Ban Tổ chức, sau 6 ngày diễn ra, Hội chợ đã thu hút hàng ngàn lượt khách/ngày đến tham quan, giao thương, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư. Qua đó, đã có nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết góp phần để xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm Cà phê Buôn Ma Thuột. Hội chợ - Triển lãm thật sự là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học, người nông dân cùng gặp gỡ, trao đổi, xúc tiến thương mại và đầu tư; chuyển giao khoa học kỹ thuật; thực sự là dịp để các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường, giới thiệu sản phẩm và là dịp để du khách đến thưởng thức cà phê, tham quan tìm hiểu về văn hóa Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Đêm khai mạc Lễ hội cà phê. Ảnh: Bá Thăng

Tiếp đến phải kể đến Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk năm 2019. Kết thúc Hội nghị, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký kết biên bản hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương về phát triển nông nghiệp, xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, xúc tiến đầu tư.

Ngoài ra, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký cho các nhà đầu tư, với tổng nguồn vốn hơn 71.000 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, y tế… Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, Hội nghị thật sự là diễn đàn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng và các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh khu vực Tây Nguyên gặp gỡ, trao đổi, thảo luận về chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư, cũng như những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk.

Ngoài ra, cũng tại Lễ hội, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam. Hội thảo đã thu hút trên 400 đại biểu là nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, các chuyên gia tư vấn tham gia và đã bàn sâu việc nghiên cứu giải pháp, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất và chế biến cà phê theo hướng cà phê đặc sản.

Đánh giá về Hội thảo, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Đắk Lắk cho biết: Tham gia Hội thảo các đại biểu đã thống nhất về mặt vĩ mô cần có quan điểm, chính sách phù hợp để khuyến khích người sản xuất, nhà chế biến, rang xay, phân phối thích nghi, hưởng ứng phát triển cà phê đặc sản; đồng thời đưa ra bộ tiêu chí, tiêu chuẩn chuẩn trong đánh giá chất lượng, xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản. Phát triển cà phê đặc sản là hướng đi mới và đúng cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Việc đầu tư phát triển cà phê đặc sản không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người sản xuất, chế biến, tiêu thụ mà còn là đòi hỏi chính đáng mà thị trường tiêu thụ, người tiêu dùng trong nước và thế giới đang đặt ra.

Không chỉ vậy, tại Lễ hội, tỉnh Đắk Lắk cũng đã tổ chức Hội thi Nhà nông đua tài 2019. Ngoài nông dân của địa phương của 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng) tham gia, Hội thi còn thu hút nông dân của 3 tỉnh khác như Bình Phước, Quảng Trị, Sơn La. Đánh giá về Hội thi, lãnh đạo Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết: Đây thật sự là một sân chơi hấp dẫn, sôi động và bổ ích đối với những người nông dân tranh tài và mỗi đội. Qua đó giúp người nông dân trồng cà phê chú trọng đến vấn đề canh tác và sử dụng các kỹ thuật canh tác thông minh nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập và hiệu quả kinh tế.

Đánh giá tổng thể về Lễ hội, đến từ tỉnh Bình Thuận, du khách Lê Văn Nam cho biết: “Đây là lần thứ hai tôi có dịp đến Buôn Ma Thuột vào mùa Lễ hội… Theo cảm nhận của tôi thì Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần này tỉnh Đắk Lắk tổ chức bài bản hơn, các nội dung hoạt động trong lễ hội phong phú và ấn tượng hơn các lần trước. Đặc biệt hơn các nội dung của Lễ hội đã tập trung vào những nội dung chính liên quan đến người nông dân nhất là người trồng cà phê”.

Riêng đối với người trồng cà phê ở Đắk Lắk, mặc dù rất hồ hởi, phấn khích khi tỉnh nhà tổ chức Lễ hội nhằm tôn vinh chính họ, kêu gọi xúc tiến đầu tư lĩnh vực họ đang quan tâm hàng ngày. Tuy nhiên, sự phấn khởi ấy đâu đó vẫn còn hiện lên sự suy tư bởi niềm vui chưa chọn vẹn bởi hơn bao giờ hết hiện nay người trồng cà phê ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đang đứng trước những khó khăn trong sản xuất bởi tình trạng mất giá, việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm, thị trường, phát triển bền vững.

Là người trồng cà phê ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, tham gia Lễ hội Cà phê năm nay, ông Bùi Văn Tiến chia sẻ: Mỗi khi tỉnh tổ chức Lễ hội Cà phê, những người nông dân chúng tôi luôn phấn khởi vì được hòa mình vào không khí lễ hội, được thưởng thức những ly cà phê thơm ngát, sánh đậm cho chính mình làm ra, được các chuyên gia giới thiệu các mô hình sản xuất cà phê giỏi, phổ biến kỹ thuật chăm sóc cây cà phê theo hướng thông minh.

Tuy nhiên, khi nhắc đến giá cà phê hiện nay, ông Tiến băn khoăn, nói: Nghĩ đến cây cà phê hiện nay chúng tôi cũng thấy buồn, bởi giá cả xuống thấp, giá xăng dầu tăng, chăm bón khó khăn, nhất là hiện nay người trồng cà phê đang phải đối diện với việc thiếu nước tưới cho cây cà phê...

Đến đây, chúng tôi nhớ lại lời phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Lễ khai mạc trong việc định hướng cho cây cà phê phát triển cụ thể như: Đề nghị tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh trồng cà phê cần rà soát tổng thể việc phát triển ngành cà phê cho phù hợp với xu thế thị trường thế giới và đảm bảo các điều kiện sản xuất bền vững. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành cà phê theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn bảo quản, chế biến với tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích và thu hút đầu tư tư nhân vào tái canh cà phê; tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích phát triển cà phê đặc sản Việt Nam...

Người nông dân mong muốn khôi phục lại vị thế của cây cà phê. Ảnh: Bá Thăng

Với người Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, cà phê là linh hồn của đất, là nguồn sinh kế, gắn bó mật thiết của hàng triệu người nông dân. Trải qua quá trình hơn 100 năm phát triển, cà phê nơi đây đã có những bước tiến vượt bậc và góp phần chính yếu cho ngành cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay cây cà phê ở Tây Nguyên đang đứng trước nhiều thử thách lớn, có dấu hiệu làm mất vai trò là cây chủ lực bởi sức ép về chất lượng, về thị trường giá cả, nhất là sự phát triển thiếu bền vững…

Mong rằng, sau Lễ hội lần này tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có nhiều giải pháp hơn nữa cho cây cà phê, đặc biệt, những chính sách, những đổi mới mang lại hiệu quả sát thực nhất nhằm phát triển cây cà phê theo hướng bền vững.

Bá Thăng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tap-trung-dau-tu-phat-trien-cay-ca-phe-theo-huong-ben-vung/