Tạo sức bật cho chuyển đổi số gắn với đổi mới sáng tạo

Trong những năm qua, Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực trong tiến trình chuyển đổi số (CĐS) gắn với hoạt động đổi mới sáng tạo trên nhiều lĩnh vực về kinh tế - xã hội…

Các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt giao diện mới Báo Đồng Nai điện tử. Ảnh: Huy Anh

CĐS gắn với đổi mới sáng tạo tại Đồng Nai đang trên “đường băng cất cánh” để tạo tiền đề phát triển cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

* Xây dựng nền tảng, dữ liệu số

Hiện nay, tỉnh đã và đang chú trọng thực hiện phát triển cơ sở dữ liệu, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số thống nhất trên địa bàn; đồng thời, nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ của Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Bên cạnh đó, đến nay tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn thiện trung tâm tích hợp dữ liệu; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh (phần mềm một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công tỉnh) kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã để phục vụ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ thủ tục hành chính qua mạng. Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương liên quan cũng triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh việc số hóa, làm sạch, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành…

Theo Giám đốc Sở TT-TT Tạ Quang Trường, Sở TT-TT đã tham mưu cho UBND tỉnh về phương án, kế hoạch triển khai các dự án về CĐS, đầu tư hệ thống cơ sở dữ liệu một cách phù hợp, đồng bộ, thống nhất theo phương hướng, mô hình là “tỉnh triển khai, cấp huyện thụ hưởng và cấp xã tham gia”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH:

Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống dữ liệu đồng bộ, an toàn, bảo mật, đáp ứng yêu cầu vận hành của CĐS, các địa phương, sở, ngành liên quan trong tỉnh cần tăng cường nâng cao nhận thức về CĐS, tổ chức kịp thời, hiệu quả những hội thảo liên quan đến CĐS. Những vấn đề chưa rõ cần mời ngay các chuyên gia về giảng dạy, tư vấn sát sườn; triển khai các hoạt động học tập kinh nghiệm về CĐS một cách phù hợp. Qua đó, nâng cao hiệu quả của quá trình CĐS một cách xứng tầm với sự phát triển của tỉnh, cũng như phục vụ cho người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn…

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG:

Các địa phương, sở, ngành liên quan cần cải thiện, nâng cao những chỉ số thành phần về sở, ngành, địa phương liên quan, trong đó có chỉ số liên quan đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số một cách hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, không chạy đua theo thành tích, dàn trải mà chú trọng vào các giá trị phục vụ hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Cách thức triển khai mô hình sẽ có sự giao thoa giữa thể chế, nhân lực và hạ tầng số. Trong đó, về mặt thể chế, cơ quan chính quyền (Sở TT-TT chủ trì) sẽ định hướng, quản lý mô hình triển khai. Về mặt nhân lực, trong quá trình triển khai mô hình sẽ có sự giao thoa, kết hợp phù hợp giữa nguồn nhân lực của các cơ quan nhà nước và của các doanh nghiệp về CĐS, qua đó giải quyết bài toán về nguồn nhân lực. Về hạ tầng sẽ cần sự đồng hành, giúp sức từ các đơn vị, doanh nghiệp về viễn thông, hạ tầng số.

“Việc xây dựng hệ thống dữ liệu, hạ tầng số là vô cùng cấp bách. Khi hình thành được hạ tầng số thì mới phát triển, kết nối được các lớp dữ liệu, từ đó phát huy hiệu quả của các ứng dụng, nền tảng số về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; cũng như đáp ứng các vấn đề về an toàn, an ninh thông tin…” - ông Tạ Quang Trường nhấn mạnh.

* Chú trọng đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số

Hiện nay, bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng trở nên sâu rộng, công nghệ số, mạng xã hội phát triển ngày càng nhanh, thị hiếu tiêu dùng có nhiều thay đổi… Điều này đòi hỏi các địa phương, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc đổi mới sáng tạo trong thời đại số.

Đồng chí Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh (giữa) cùng các đại biểu tham quan triển lãm giới thiệu các mô hình chuyển đổi số tại tuần lễ Chuyển đổi số Đồng Nai lần I-2023. Ảnh: Hải Quân

Tại Đồng Nai, trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều chương trình phát triển cộng đồng khởi nghiệp. UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn đến năm 2025. Theo đó, CĐS được ưu tiên phát triển để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đặc biệt, trong năm 2023, các hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai (Techfest DongNai 2023) đã được phát động với chủ đề Đường băng sáng tạo - nai vàng cất cánh.

Chủ tịch Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp quốc gia phía Nam Huỳnh Thanh Vạn chia sẻ, trong thời gian qua, các địa phương trong khu vực Đông Nam bộ như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp nói chung và hệ sinh thái về đổi mới sáng tạo nói riêng. Trong đó, có nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối thanh niên, sinh viên khởi nghiệp.

TS Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam (VIDE) thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam nhận định, Đồng Nai có nhiều lợi thế về vị trí chiến lược, năng lực phát triển công nghiệp để thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số, từ đó phát triển đa dạng các hoạt động kinh tế số. Vấn đề địa phương cần quan tâm là tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường pháp lý, kết nối hạ tầng số, thu hút nguồn nhân lực về công nghệ số. Qua đó, từng bước phát triển phù hợp, hiệu quả các nền tảng (platform) về CĐS, đổi mới sáng tạo…

* Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số

Đồng Nai là một trong những địa phương phát triển kinh tế năng động của cả nước với nhiều doanh nghiệp đã và đang tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu, phát triển thương mại, dịch vụ… Điều này thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ số, đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin của khu vực. Trong đó, tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (ICT), triển khai các nền tảng số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông cho biết, việc ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) phân tích dữ liệu trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực hành chính công, dịch vụ công trực tuyến giúp giảm nhân lực, thời gian xử lý công việc và giảm chi phí, sự chờ đợi của người dân. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý hành chính nhà nước trong phân phối, sử dụng nguồn lực xã hội, quản lý xã hội và quản lý đô thị, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững…

Nhiều chuyên gia cho rằng, Đồng Nai có nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư, thúc đẩy công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành, phát triển Digital Hub (trung tâm kết nối và trao đổi thông tin, dữ liệu cùng các dịch vụ số)…

Theo báo cáo về Chỉ số Sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam năm 2022 (Viet Nam ICT Index 2022) do Bộ TT-TT công bố, Đồng Nai xếp hạng 8 cả nước và dẫn đầu khu vực Đông Nam bộ về chỉ số này.

Các đoàn viên, thanh niên ra quân tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt tại TP.Long Khánh trong năm 2023

Giám đốc Phát triển kinh doanh của Hãng công nghệ MediaTek tại Việt Nam Trần Ngọc Hùng nhận định, Đồng Nai có tiềm năng vô cùng hứa hẹn cho sự phát triển hạ tầng số và công nghiệp công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong tương lai, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ góp phần đưa tỉnh trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa và hành khách trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, giúp Đồng Nai có sự cạnh tranh cao trong việc xây dựng hạ tầng số.

Phó cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ TT-TT) Nguyễn Thiện Nghĩa chia sẻ, khu vực Đông Nam bộ nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin. Trong đó, việc thúc đẩy liên kết vùng, phát triển CĐS hạ tầng các khu công nghiệp sẽ góp phần khuyến khích các doanh nghiệp CĐS, gia tăng tỷ lệ về tự động hóa, phát triển hoạt động công nghiệp phụ trợ liên quan đến công nghệ số… Từ đó, phát huy những lợi thế, cơ hội để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin của địa phương, khu vực.

Hoàng Hải

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/bao-xuan-2023/202402/tao-suc-bat-cho-chuyen-doi-so-gan-voi-doi-moi-sang-tao-d7623cc/