Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh

Tại kỳ họp thứ 12 HĐND thành phố Hồ Chí Minh khóa 9 vừa diễn ra, các đại biểu đã thống nhất thông qua tờ trình của UBND thành phố về điều chỉnh mức thu học phí cho học sinh bậc trung học cơ sở (THCS) và trẻ mầm non tại các trường công lập trên địa bàn. Theo đó, học sinh bậc THCS, trẻ mầm non sẽ được giảm học phí từ ngày 1-1-2019.

Cụ thể, mức học phí đối với học sinh bậc THCS, bổ túc THCS tại 19 quận sẽ giảm từ 100 nghìn đồng/tháng/học sinh xuống còn 60 nghìn đồng/tháng/học sinh. Riêng năm huyện ngoại thành: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, học phí sẽ giảm từ 85 nghìn đồng xuống còn 30 nghìn đồng/tháng/học sinh. Đối với trẻ mầm non thuộc 19 quận vẫn giữ nguyên mức hiện nay là 200 nghìn đồng/tháng/trẻ; trẻ mầm non thuộc năm huyện ngoại thành, mỗi trẻ được giảm từ 140 nghìn đồng xuống 120 nghìn đồng/tháng. Đây là mức giảm nhiều nhất mà HĐND thành phố Hồ Chí Minh có thẩm quyền giảm theo khung của Chính phủ.

Ngoài ra, HĐND cũng thông qua tờ trình của UBND thành phố về hỗ trợ cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ độc lập tư thục ở các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn. Đối với 99 nhóm trẻ hỗ trợ cần nâng chất lượng, mức hỗ trợ bình quân là 34,7 triệu đồng/nhóm. Đối với sáu nhóm trẻ hỗ trợ kiện toàn, mức hỗ trợ bình quân là 78,6 triệu đồng/nhóm. Bên cạnh đó, ngân sách thành phố cũng hỗ trợ lắp đặt ca-mê-ra cho tất cả 105 nhóm trẻ (mỗi nhóm trẻ ba ca-mê-ra). Dự kiến, tổng kinh phí hỗ trợ hơn bảy tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, được bảo đảm bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của Sở Giáo dục và Đào tạo. Việc hỗ trợ này góp phần giúp người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất yên tâm hơn trong lao động, sản xuất.

Chủ trương giảm học phí cho học sinh bậc THCS ở 24 quận, huyện và trẻ mầm non ở năm huyện ngoại thành được sự đồng tình rất cao của người dân. Tuy mức học phí được giảm không nhiều so với thu nhập bình quân của người dân thành phố, nhưng chính sách này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của TP Hồ Chí Minh đến việc học sinh cần được hưởng những chủ trương, những phúc lợi tốt của giáo dục. Học sinh cần được hưởng chính sách, phúc lợi xã hội tốt hơn từ sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Song song đó, là nhằm chăm lo, bảo đảm mọi đối tượng trong độ tuổi đều được tiếp cận giáo dục, giảm bớt khó khăn cho gia đình và xã hội, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời, hạn chế tình trạng bỏ học và tăng tỷ lệ trẻ em đến trường, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo đa chiều và mục tiêu phổ cập giáo dục của thành phố.

Theo thống kê, chỉ tính riêng việc giảm học phí cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 ở các trường THCS công lập, ngân sách TP Hồ Chí Minh sẽ bù hơn 150 tỷ đồng mỗi năm học. Đây không phải là gánh nặng quá lớn so với nguồn thu ngân sách mỗi năm của thành phố. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đang phải đối mặt với việc thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao và có nguy cơ nhiều công nhân sẽ bị thay thế ngay tại “sân nhà”.

Nếu không đầu tư cho giáo dục bằng những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện hơn nữa cho học sinh được học, tiếp cận với nền giáo dục hiện đại thì tương lai sẽ có nhiều người không có việc làm. Việc này sẽ gây hậu quả nhiều hơn khi phải bỏ chi phí rất lớn lo cho người thất nghiệp so với việc đầu tư cho nền giáo dục hiện thời.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/38532702-tao-dieu-kien-thuan-loi-hon-cho-hoc-sinh.html