Tăng tốc với EVFTA

Bộ Công thương mới có công văn yêu cầu các tham tán thương mại rà soát, tính toán, xây dựng kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo những nhóm ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế, đặc biệt là sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) và các thị trường mà nước ta đã có hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tăng tốc với EVFTA. Ảnh minh họa

Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, các đối tác nhập khẩu hoãn, hủy đơn hàng của nhiều ngành hàng chủ lực, như dệt may, da giày, thủy sản... Riêng xuất khẩu dệt may đã giảm hơn 19%. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm chỉ sụt giảm nhẹ 1,1% so với cùng kỳ, đạt mức 121,21 tỷ USD.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp (DN) đang xoay xở mở thêm thị trường mới để duy trì hoạt động, thì Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính là cơ hội lớn để phục hồi xuất khẩu.

Trước tình hình nhiều nước phong tỏa biên giới, thực hiện giãn cách xã hội và ngưng các chuyến bay thương mại, gây gián đoạn đơn hàng xuất khẩu, Bộ Công thương đang làm việc với Liên minh châu Âu để xúc tiến thành lập Sàn giao dịch Thương mại điện tử. Việc thiết lập Sàn giao dịch Thương mại điện tử sẽ giúp giao thương của các DN với đối tác nước ngoài dễ dàng và thông suốt hơn.

Đặc biệt, các bộ, ngành đã bắt tay đưa vào vận hành hệ thống chứng nhận xuất xứ nguồn gốc của hàng hóa (C/O) điện tử. Hệ thống này sẽ giúp DN giảm hàng ngàn ngày làm việc khi không phải gửi hồ sơ đến các tổ chức cấp C/O và chờ đợi để được gửi trả lại mẫu C/O đã cấp.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để hàng hóa Việt Nam tiến sâu vào thị trường EU, các cơ quan chức năng cần xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm hỗ trợ DN xuất khẩu cập nhật nhanh những thay đổi tiêu chuẩn kỹ thuật. Nhất là ban hành kịp thời những quy định, chính sách phù hợp với yêu cầu của EU, phản biện những quy định không hợp lý. Đồng thời, tạo các đầu cầu kết nối trong chuỗi cung ứng, từ nông dân đến nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và các đơn vị trung gian kỹ thuật.

Các chuyên gia khuyến cáo: EVFTA có cam kết về sở hữu trí tuệ (SHTT) rất cao và nhiều quy định khác biệt so với các FTA mà Việt Nam đã ký kết trước đây. Thách thức đối với DN Việt Nam là sản phẩm mang nhãn hiệu, sáng chế công nghiệp đến từ Việt Nam cần tiến hành đăng ký bảo hộ độc quyền tại EU với mức chi phí khá cao và thủ tục đăng ký phức tạp.

Các quy định “hà khắc” về chống xâm phạm quyền SHTT có thể khiến DN Việt Nam phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, đặc biệt là nguy cơ bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng, mất thị trường... khi để xảy ra các vụ tranh chấp về SHTT.

Hiện, EU mới cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam trong tổng số 41 chỉ dẫn địa lý chúng ta đề nghị. Sản phẩm được bảo hộ chủ yếu là hàng rau quả (chiếm 49%), sản phẩm cây công nghiệp - chế biến (chiếm 15%), thủy sản và chế biến từ thủy sản (chiếm 13%), sản phẩm khác (chiếm 13%). Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng cam kết bảo hộ tới 169 chỉ dẫn địa lý của EU.

Vì vậy, việc nhận thức và thực thi đầy đủ các cam kết về quyền SHTT có ý nghĩa quan trọng, giúp DN Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng vị thế thị trường và phát triển bền vững.

Ngày thực thi Hiệp định EVFTA (ngày 1-8) đang gần kề, các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu đã chuẩn bị sẵn sàng cho cơ hội lớn này bằng việc nhập khẩu máy móc thiết bị hiện đại, nguồn nguyên liệu đạt chuẩn... Nhưng thực tế, còn ít DN xúc tiến các giải pháp SHTT. Lơ là các quy định về SHTT, có thể khiến DN Việt Nam bị thua ngay chính trên sân nhà.

Thiết nghĩ, tận dụng tốt cơ hội này, chúng ta có thể gia tăng xuất khẩu, mở rộng thị trường, kéo sản xuất tăng trưởng trở lại sau dịch bệnh.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tang-toc-voi-evfta-post431169.html