Tăng thuế có làm gia tăng buôn lậu thuốc lá?

Bộ Tài Chính đã đề xuất việc sửa đổi luật thuế TTĐB, trong đó có tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá. Dự thảo tăng thuế này đã nhận được hầu hết các ý kiến ủng hộ của các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, vẫn có những quan ngại rằng tăng thuế có thể làm gia tăng buôn lậu thuốc lá. Vậy sự lo ngại này có đủ căn cứ?.

Tăng thuế có làm gia tăng buôn lậu thuốc lá?

Bài 1: Thuốc lá lậu vì sao khó truy quét?

Mặc dù các cơ quan hữu quan ráo riết xử lý nhằm chặn hoạt động buôn bán thuốc lá lậu nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. Nguyên nhân là do “gu” hút thuốc của người tiêu dùng với đặc tính của sản phẩm thuốc lá mỗi loại có những hương vị riêng và chúng có tính gây nghiện.

Cần thiết phải tăng thuế thuốc lá

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới. Tại Điều 6 của FCTC về các biện pháp về giá và thuế để giảm cầu thuốc lá, quy định “Các biện pháp về giá và thuế là những biện pháp quan trọng và hữu hiệu để giảm tiêu thụ thuốc lá trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là thanh thiếu niên”.

Ngoài ra, trong Khoản 2, Điều 4 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá của Việt Nam cũng quy định: “Áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá”. Kinh nghiệm tại các quốc gia có chính sách kiểm soát thuốc lá cao cũng cho thấy tăng thuế sẽ làm gia tăng giá bán lẻ thuốc lá và góp phần quan trọng vào việc giảm tiêu dùng thuốc lá.

Theo ông Đào Thế Sơn, giảng viên trường ĐH Thương Mại Hà Nội ở nước ta, mức thuế hiện hành đối với thuốc lá là 65% và đã được duy trì cố định trong suốt 6 năm kể từ năm 2008. Mức thuế này khá thấp so với nhiều nước trong khối ASEAN và tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ mới đạt 45% cũng thấp hơn nhiều so với khuyến nghị của WHO . Việc giữ cố định tỷ lệ thuế trong thời gian dài làm cho giá thực của thuốc lá không tăng, trong khi đó thu nhập bình quân đầu người tăng đã khiến cho thuốc lá trở nên dễ tiếp cận hơn đối với người tiêu dùng.

Ngày 25/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 229/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020, trong đó xác định mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá trongthanh thiếu niên (từ 15 - 24 tuổi) giảm từ 26% năm 2011 xuống 18% năm 2020; tỷ lệ hút thuốc của nam giới giảm từ 47,4% năm 2011 xuống 39% năm 2020 và của nữ giới giảm xuống dưới 1,4% năm 2020.

Như vậy, đối với nước ta hiện nay cần phải tiếp tục thực hiện tăng thuế thuốc lá nhằm: Góp phần đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt nam; Thực thi các cam kết mà Việt Nam đã cam kết khi tham gia Công ước Khung của Tổ chức Y tế thế giới, thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; và ngăn ngừa thanh thiếu niên hút thuốc - góp phần bảo vệ các thế hệ tương lai của đất nước khỏi sự tàn phá của các căn bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra.

Theo ước tính của Bộ Y tế, thuế TTĐB cần phải tăng lên mức 105% vào năm 2015 và tiếp tục tăng lên 145% vào năm 2018, sau đó tiếp tục xem xét tăng thuế vào năm 2020 sẽ có thể đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc vào năm 2020. Đồng thời, với mức tăng thuế này, thu ngân sách tăng khoảng 5.500 tỷ năm 2015, 16.000 tỷ năm 2018.

Vì sao tồn tại thuốc lá lậu?

Ông Sơn cho biết thêm, pháp luật của Việt Nam và các nước trên thế giới, buôn lậu là một hoạt động phi pháp và có thể bị truy tố hình sự. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn đang diễn ra và ngày càng tinh vi hơn vì những khoản lợi nhuận lớn mà nó mang lại. Có nhiều ý kiến cho rằng, buôn lậu xảy ra là do chênh lệch giá cả hàng hóa giữa các nước, đặc biệt là khi giá hàng hóa trong nước tăng cao hơn giá sản phẩm cùng loại ở nước ngoài sẽ làm gia tăng buôn lậu. Tuy nhiên, đây không phải là lý do duy nhất. Trong thực tế, buôn lậu còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác.

Trong đó phải kể đến các yếu tố là: hiệu quả hoạt động kiểm soát buôn lậu của Nhà nước (các chính sách phòng chống buôn lậu, khả năng kiểm soát tại biên giới, năng lực hoạt động của các cơ quan quản lý thị trường tại các địa bàn; của các lực lượng chức năng khác…); mức độ minh bạch hay mức độ tham nhũng trong công tác chống buôn lậu; hiệu quả phối hợp giữa các nước trong công tác phòng chống buôn lậu…Khi những yếu tố này được thực hiện và kiểm soát tốt sẽ hạn chế buôn lậu, ngược lại, nếu chúng không được kiểm soát tốt thì buôn lậu sẽ gia tăng.

Đối với sản phẩm thuốc lá, ngoài những lý do nêu trên, hoạt động buôn lậu còn xảy ra do “gu” hút thuốc của người tiêu dùng. Đặc tính của sản phẩm thuốc lá là mỗi loại sẽ có những hương vị riêng và chúng có tính gây nghiện. Vì thế, khi người tiêu dùng đã quen với một loại sản phẩm thuốc lá nào thì họ có xu hướng thích dùng loại đó và không thay đổi loại thuốc lá hút cho dù giá của chúng có thể cao hơn so với các nhãn hiệu khác. Trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng có sở thích hút loại thuốc mà trong nước không sản xuất họ sẽ tìm đến các sản phẩm thuốc lá nhập lậu để thỏa mãn “gu” tiêu dùng của mình. Điều này là động lực làm gia tăng buôn lậu thuốc lá.Sự khác biệt về gu hút là một trong những nguyên nhân làm cho hoạt động buôn lậu vẫn xảy ra ngay cả khi giá thuốc lá trong nước thấp hơn so với giá của nước ngoài.

"Tuy nhiên, ngay cả khi có nhu cầu tiêu dùng các loại thuốc lá lậu do sở thích tiêu dùng (gu hút) thì nếu Nhà nước có các biện pháp kiểm soát tốt vẫn có thể hạn chế tình trạng buôn lậu thuốc lá", ông Sơn cảnh báo.

Huyền Anh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tang-thue-co-lam-gia-tang-buon-lau-thuoc-la-post270093.info