Tăng cường phối hợp liên ngành đảm bảo các chế độ BHXH, BHYT cho người lao động

Chiều 25/10, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện quy chế phối hợp liên ngành và triển khai các giải pháp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp các chế độ BHXH, BHYT của người lao động trên địa bàn TP quý IV năm 2018.

Giảm gần 20% nợ BHXH

Báo cáo sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp Liên ngành do bà Đàm Thì Hòa, Phó Giám đốc BHXH TP trình bày tại Hội nghị cho biết: Thực hiện Quy chế phối hợp giữa Công an TP, Sở LĐTBXH, LĐLĐ TP, Cục thuế TP và BHXH TP về bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp các chế độ BHXH, BHYT, BHTN của người lao động trên địa bàn TP giai đoạn 2017-2020, Liên ngành đã phối hợp báo cáo, tham mưu Thành ủy, UBND TP kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo đảm bảo công tác tổ chức thực hiện các chế độ chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn TP thống nhất, hiệu quả; thường xuyên trao đổi thông tin, kế hoạch, đối tượng thanh tra kiểm tra để tránh trùng lắp, chồng chéo theo quy định tại Chỉ thị số 20 ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Hằng tháng, BHXH TP phân tích, phân loại nợ BHXH, BHYT, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong khu công nghiệp và chế xuất gửi UBND các quận, huyện, thị xã và các sở ban, ngành, các tổ chức cơ sở đảng; phối hợp đôn đốc thu nợ BHXH, BHYT,BHTN; chuyển hồ sơ đơn vị nở BHXH (lũy kế đến tháng 9/2018 là 573 doanh nghiệp, số tiền nợ BHXH là 471,5 tỷ đồng) đề nghị tổ chức công đoàn khởi kiện nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động. Công an TP đã cung cấp giữ liệu dân cư làm cơ sở quản lý đối tượng tham gia BHXH, BHYT; Cơ quan thuế phối hợp cung cấp mã số thuế của hơn 29 nghìn đơn vị mới thành lập, hơn 27 nghìn đơn vị dừng sản xuất kinh doanh và hơn 6 nghìn đơn vị có dấu hiệu vi phạm Luật BHCH, BHYT…

Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại Hội nghị

Việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHTN của các cơ quan cũng được đẩy mạnh. Theo thống kê của BHXH TP Hà Nội, tính đến hết tháng 9/2018, số tiền nợ BHXH phải tính lãi là 1.694 tỉ đồng, bằng 4,32% kế hoạch thu; giảm 423,2 tỉ đồng, tương đương 19,9% so cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, liên ngành và UBND các quận, huyện, thị xã đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đôn đốc thu nợ bảo hiểm xã hội tại 3.673 doanh nghiệp thu hồi số tiền nợ bảo hiểm xã hội là 315, tỷ đồng. Thanh tra Thành phố chủ trì thu hồi được 44,2 tỷ đồng; Thanh tra liên ngành (gồm Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động Thành phố, BHXH Thành phố) thu hồi được 60,2 tỷ đồng; CATP Hà Nội cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra tại 334 doanh nghiệp nợ BHXH thu hồi 108,2 tỷ đồng…

Liên ngành cũng đã tổ chức làm việc với 10 doanh nghiệp nợ BHXH bị xử phạt hành chính về hành vi chậm đóng, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nộp tiền nợ BHXH. Đến tháng 9/2018, 10 doanh nghiệp đã khắc phục nộp số tiền nợ BHXH là 10,746 tỷ đồng, đạt 50,5% trên tổng số nợ.

Theo bà Đàm Thị Hòa, mặc dù tỷ lệ nợ đóng BHXH trên địa bàn TP đã giảm mạnh nhưng vẫn cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước; tỷ lệ tham gia BHXH của các doanh nghiệp còn thấp,ý thức chấp hành pháp luật về BHXH của người sử dụng lao động và người lao động chưa cao, còn một bộ phận không nhỏ chủ động lạch luật, trốn đóng; tình hình vươt trần, vượt quỹ tiếp tục tăng… Để giảm tỷ lệ nợ BHXH trên địa bàn TP xuống dưới 3 %, tăng tỷ lệ tham gia BHYT, BHXH và kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT của người lao động, liên ngành sẽ tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Trong đó tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu nợ BHXH, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT; tăng cường việc quản lý, kiểm soát quỹ BHYT (trong đó Sở Y tế chủ trì thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT đối với các cơ sở khám chữa bệnh có số chi phí khám chữa bệnh BHYT vượt quỹ, vượt trần lớn, xử lý nghiêm trường hợp lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; BHXH thành phố tăng cường các cuộc kiểm tra liên ngành tại các cơ sở KCB…); BHXH TP chủ động phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp giải quyết kịp thời các chế độ BHXh, BHYT, BHTN của người lao động theo đúng quy định…

Tăng cường trao đổi thông tin giữa các đơn vị

Tại Hội nghị, các ý kiến tham luận đã chỉ ra những khó khăn trong quá trình thực tế triển khai và đề xuất những giải pháp trong thời gian tới. Theo Trung tá Nguyễn Tiến Thắng, Phó trưởng Công an quận Thanh Xuân, hiện tại, các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội có thể kiểm tra chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ, chỉ còn một vài lao động nên thường tìm mọi lý do dể trốn tránh, không hợp tác với liên ngành. Nhiều doanh nghiệp có địa chỉ đăng ký kinh doanh và nộp thuế tại quận này nhưng trụ sở giao dịch lại thuộc địa bàn quận khác gây khó khăn cho công tác thu hồi nợ.

Để nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện quy chế phối hợp liên ngành, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đề nghị, cần có sự trao đổi thông tin, thống nhất giữa các đơn vị để có thể xác định được những công ty, doanh nghiệp có khả năng chi trả để tiến hành thanh tra, kiểm tra; đồng thời tập trung vào các công ty, doanh nghiệp có số nợ lớn.

Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa phát biểu tiếp thu các ý kiến

Theo Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc CATP Hà Nội, để thực hiện có hiệu quả việc đôn đốc nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn, cần tuyên truyền pháp luật về bảo hiểm xã hội, BHYT, BHTN để cho người dân, người lao động nhận thức được quyền lợi, nghĩa vụ của mình. "Chỉ khi người lao động nhận thức được quyền lợi của mình thì mới có thể đòi hỏi người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của họ" - Đại tá Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh đồng thời khẳng định, CATP Hà Nội sẽ chủ động phối hợp và tiếp nhận tài liệu, hồ sơ do cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển đến đối với các doanh nghiệp, đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, BHYT, BHTN cho người lao động nhằm xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định.

Đánh giá năm 2018, công tác phối hợp liên ngành tiếp tục đạt hiệu quả rõ nét hơn, đặc biệt là sự phối hợp trong việc phòng ngừa xảy ra đình công; đôn đốc sau thanh tra; tham mưu cho các quận, huyện vào cuộc…Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, thời gian tới các đơn vị trong Liên ngành phải coi việc đôn đốc kiểm tra là nhiệm vụ của các ngành mình, đưa nội dung này vào các cuộc thanh tra liên ngành, tập trung vào các doanh nghiệp nợ số tiền lớn ảnh hưởng đến công nhân và người lao động.

Tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH TP cho biết thời gian tới sẽ đẩy mạnh vấn để đối thoại, công khai các đơn vị nợ BHXH, phối hợp ngành Y tế tuyên truyền về luật hình sự, luật khám chữa bệnh và BHYT cho cán bộ y tế… Bên cạnh đó, tập trung các giải pháp đôn đốc, thu nợ; tăng cường kiểm soát chi phí ; áp dụng hài hòa việc tuyên truyền với sử dụng biện pháp mạnh để tạo cho các doanh nghiệp nếp tự giác trong việc đóng BHXH, BHYT…

Hạnh Nguyên

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/tang-cuong-phoi-hop-lien-nganh-dam-bao-cac-che-do-bhxh-bhyt-cho-nguoi-lao-dong-d2057261.html