Tăng cường hợp tác, giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến

Với đối tác học thuật duy nhất là Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia HCM, Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam (SEVN) cam kết sẽ tài trợ xây dựng phòng thí nghiệm (PTN) Hệ thống Năng lượng cũng như đồng hành cùng nhà trường trong việc đào tạo, hướng dẫn sinh viên khoa Điện - Điện tử.

Đó là khẳng định của ông Đồng Mai Lâm - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam tại buổi lễ ký kết thỏa thuận tài trợ dự án PTN Hệ thống Năng lượng giữa công ty và nhà trường ngày 18/2.

Đón tiếp đoàn đại biểu SEVN, về phía Trường Đại học Bách khoa có GS,TS. Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng, PGS,TS. Phạm Trần Vũ - Phó Hiệu trưởng, lãnh đạo khoa Điện - Điện tử và lãnh đạo các phòng.

Schneider Electric là tập đoàn đa quốc gia của Pháp tiên phong về ứng dụng công nghệ hiện đại trong điện hóa, tự động hóa và số hóa cho cơ sở hạ tầng, nhà máy thông minh,..., đồng thời cung cấp các giải pháp ứng dụng IoT, AI hướng đến nâng cao hiệu suất sử dụng các nguồn năng lượng và tài nguyên.

Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam đang đẩy mạnh số hóa các chương trình quản lý năng lượng và tự động hóa, song song đó chủ động hợp tác với cơ sở đào tạo kỹ thuật uy tín như Trường Đại học Bách khoa để ứng dụng công nghệ tiên tiến của công ty trong việc đào tạo sinh viên và nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ kỹ sư tiềm năng trong lĩnh vực này.

Ông Đồng Mai Lâm - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam

GS,TS. Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Nhà trường và ông Đồng Mai Lâm - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam đại diện đôi bên ký kết bản ghi nhớ hợp tác.

GS,TS. Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Nhà trường và ông Đồng Mai Lâm - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam đại diện đôi bên ký kết bản ghi nhớ hợp tác.

PTN Hệ thống Năng lượng ra đời nhằm thực hiện nhiệm vụ trên với mục tiêu đào tạo thực hành, nghiên cứu số hóa chuyên ngành điện và phát triển bền vững cho khoảng 1.000 sinh viên/năm trong vòng 05 năm tới. Phạm vi thực hành tại PTN trải rộng ở 04 mảng giải pháp chính:

(1) giải pháp tự động hóa công nghiệp,

(2) giải pháp số hóa và giám sát hạ thế (LV),

(3) giải pháp số hóa và điều khiển trung thế (MV),

(4) giải pháp số hóa và điều khiển lưới điện. Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam sẽ trang bị các bộ kit, cung cấp bản quyền phần mềm tiên tiến cùng các tài liệu và bài giảng nước ngoài.

Các môn học thực hành ở PTN dự kiến được tích hợp trong các học phần như Thiết bị điện trong phân phối điện, Hệ thống cung cấp điện, Tự động hóa công nghiệp, đồ án chuyên ngành,...

GS,TS. Mai Thanh Phong hoan nghênh mô hình hợp tác của nhà trường và công ty, nhìn nhận đây là một khởi đầu mới kể từ cột mốc hợp tác trước đó vào năm 1997 giữa hai bên, mở ra cơ hội và cũng đặt thêm trách nhiệm của mỗi bên trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội.

Những lĩnh vực mà Schneider Electric đề cập không chỉ là thế mạnh đào tạo của Trường Đại học Bách khoa mà còn thuộc danh mục các ngành công nghiệp chiến lược mà Việt Nam ưu tiên đầu tư theo như Nghị quyết 57-NQ/TW.

GS,TS. Mai Thanh Phong bày tỏ mong muốn hai bên sẽ đẩy nhanh tiến độ của dự án để sinh viên có cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến sớm nhất có thể. Tổ công tác dự án sẽ bắt tay triển khai những hạng mục công việc đầu tiên của giai đoạn 01 ngay sau khi buổi lễ kết thúc.

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tang-cuong-hop-tac-giup-sinh-vien-co-co-hoi-tiep-can-cong-nghe-tien-tien-38284.html