Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học

Triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM sau năm 2020, Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu tăng cường đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Ngày 12/10/2019, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2010 - 2020. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có 150 đại biểu là đại diện văn phòng điều phối nông thôn mới trung ương, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT trong cả nước.

Duy trì tiêu chí số 14 ở hầu hết các địa phương

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQGXDNTM) giai đoạn 2010 - 2020, ngành GD&ĐT được phân công thực hiện 2 tiêu chí đối với cấp xã là tiêu chí số 5 - tỷ lệ trường học các cấp (mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở) có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia và tiêu chí số 14 bao gồm: Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, trung cấp); một tiêu chí cấp huyện là tiêu chí số 5 (chỉ tiêu 5.3) - tỷ lệ trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

Đồng chí Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Anh Tuấn)Thứ trưởng Lê Hải An trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các tập thể xuất sắc thực hiện Chương trình MTQGXDNTM lĩnh vực GD&ĐTgiai đoạn 2010 - 2020 (Ảnh: Thiện Toản)

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An đề nghị các Sở GD&ĐT căn cứ tình hình thực tiễn xây dựng kế hoạch chi tiết, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm ưu tiên, chú trọng các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Theo đó, triển khai hiệu quả Chương trình MTQGXDNTM sau năm 2020 cũng là chuẩn bị tốt các điều kiện cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI và Kết luận 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư.

Đồng chí Thứ trưởng lưu ý, các địa phương cần tăng cường trao đổi học hỏi để những kinh nghiệm tốt trong quá trình triển khai chương trình từ địa phương này sẽ được vận dụng có hiệu quả tại địa phương khác. Trong quá trình thực hiện cần chú ý công tác thanh kiểm tra, đánh giá sao cho sát với thực tiễn.

“Trong quá trình thẩm định công nhận xã, huyện đạt chuẩn NTM đối với các tiêu chí về giáo dục và đào tạo phải tránh hình thức, tránh thành tích. Các Sở GD&ĐT cần chú trọng chế độ báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương, với Bộ để những vướng mắc trong quá trình thực hiện được xử lý kịp thời”, Thứ trưởng chỉ đạo.

Bên cạnh đó, rà soát xây dựng, quy hoạch, sắp xếp đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo chất lượng với tinh thần trách nhiệm cao trước sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục tiểu học nói riêng.

Thứ trưởng giao nhiệm vụ cho thường trực Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG của Bộ GD&ĐT nghiên cứu, chủ động đề xuất, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo theo hướng tăng cường định lượng cho giai đoạn sau 2020, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong công tác chỉ đạo và thực hiện.

Đồng thời, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan tiếp tục quan tâm, bổ sung ngân sách cho lĩnh vực GD&ĐT, đảm bảo ưu tiên phân bổ đủ 20% tổng chi ngân sách cho ngành; chỉ đạo không cắt giảm biên chế 10% giáo viên cấp học mầm non.

Dịp này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen cho 41 tập thể và 80 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình MTQGXDNTM lĩnh vực GD&ĐT giai đoạn 2010 - 2020./.

Anh Tuấn

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/khoa-giao/tang-cuong-dau-tu-co-so-vat-chat-va-thiet-bi-day-hoc-539083.html