Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội

BHG - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh diễn ra 76 lễ hội. Trong đó, có 1 lễ hội cấp vùng, khu vực; 1 lễ hội cấp tỉnh; 14 lễ hội cấp huyện và 60 lễ hội cấp xã. Mỗi lễ hội đều có nét tiêu biểu riêng và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Để các lễ hội được tổ chức hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển KT – XH, công tác quản lý và tổ chức các lễ hội được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Cứ vào ngày 27.3 âm lịch hàng năm, tại xã Khâu Vai (Mèo Vạc) lại diễn ra Lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai. Lễ hội dựa trên phiên chợ có lịch sử hơn 100 năm gắn liền với câu chuyện cổ tích về chàng Ba, nàng Út. Theo nhận định của nhiều du khách, Lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai năm 2023 tiếp tục để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, từ công tác chuẩn bị đến tổ chức, nổi bật là chương trình nghệ thuật hoành tráng; các trò chơi, hoạt động dân gian được duy trì tổ chức; công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm thực hiện tốt.

Thi làm bánh Giầy tại Lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai (Mèo Vạc) năm 2023.

Thực hiện công tác quản lý nhà nước về lễ hội, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện quản lý và tổ chức lễ hội của từng ngành, địa phương theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo các hoạt động lễ hội được tổ chức thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có ý nghĩa giáo dục, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần lành mạnh của nhân dân.

Cùng đó, ngành VHTT&DL và chính quyền các địa phương thường xuyên quan tâm, chỉ đạo công tác giữ gìn, bảo vệ các công trình văn hóa, du lịch, các công trình phụ trợ; chống các hành vi tiêu cực xâm hại di tích; không để xảy ra các trường hợp mất đồ thờ tự, cổ vật, hòm công đức. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, Ban quản lý di tích thường xuyên thực hiện tuyên truyền tại các địa điểm tổ chức lễ hội nhằm nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung cho du khách và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

. Nghi thức cúng Bàn Vương, thôn Cao Bành, xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang).

Thêm nữa, công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu di tích và lễ hội được đảm bảo. Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ hàng hóa được bố trí hợp lý, xa khu vực di tích, danh lam thắng cảnh. Trước mùa lễ hội, các địa phương đều tổ chức quán triệt, yêu cầu các điểm kinh doanh ăn uống phải ký cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, không tăng giá, ép giá du khách; không để các hiện tượng mê tín dị đoan, xem bói, xóc thẻ, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch, “chặt chém” trông giữ xe diễn ra tại di tích và lễ hội. Các ban quản lý di tích một số nơi đầu tư lắp đặt camera theo dõi, giá cả hàng hóa dịch vụ được các cơ sở kinh doanh niêm yết, bán đúng giá theo quy định, tiêu biểu như: Đền Mẫu, chùa Quan Âm (thành phố Hà Giang); chùa Sùng Khánh, đền Cầu Má, chùa Bình Lâm (Vị Xuyên); đền Trần (Bắc Quang)…

Đối với công tác tổ chức lễ hội, hiện nay, các lễ hội trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Quyết định 1476 năm 2019 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án nâng cao chất lượng và phát triển các lễ hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2030. Bên cạnh việc tổ chức lễ hội theo Đề án này, một số huyện, thành phố có những đổi mới, sáng tạo và thử nghiệm tổ chức các lễ hội không có trong Đề án như: Lễ hội Ẩm thực dân tộc Dao thôn Cao Bành, xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang), Lễ hội Hoa Mộc Miên huyện Mèo Vạc... nhằm khai thác tối đa tài nguyên thiên nhiên sẵn có của địa phương để phát triển du lịch, góp phần tạo điều kiện phát triển KT – XH, cũng như nâng cao thu nhập, đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội, đảm bảo các lễ hội được diễn ra đúng chỉ đạo, định hướng, Sở VHTT&DL tiếp tục triển khai, thực hiện các văn bản chỉ đạo của T.Ư, tỉnh về công tác quản lý và tổ chức lễ hội gắn với xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh; tăng cường công tác tuyên truyền về di tích lịch sử, ý nghĩa lễ hội và phổ biến các quy định của pháp luật đến người dân; phục dựng các hoạt động văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian trong lễ hội; phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động lễ hội theo quy định của pháp luật...

Bài, ảnh: TRẦN KẾ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202310/tang-cuong-cong-tac-quan-ly-va-to-chuc-le-hoi-f62462a/