Tân Thuận phát huy vai trò công tác hòa giải

Khi mà ở đô thị, những mâu thuẫn, xích mích giữa những người trong xóm, trong gia đình thường được giải quyết ở tòa án, thì ở Tân Thuận, một xã vùng sâu của huyện thuần nông Vĩnh Thuận (Kiên Giang), các tổ hòa giải đã được phát huy, giúp hàn gắn những rạn nứt trong tình làng nghĩa xóm, mối quan hệ gia đình.

Các thành viên tổ hòa giải ấp Kinh 2A, họp bàn trước khi tiến hành hòa giải.

Ở Tân Thuận, cuộc sống của người dân quanh năm trông vào mảnh ruộng, miếng vườn nên kinh tế eo hẹp. Thanh niên thường bỏ học sớm, trở thành lao động chính, rồi lấy vợ cưới chồng khi còn rất trẻ. Trong cuộc sống không tránh khỏi những va vấp, những mâu thuẫn, nhưng điều rất đáng mừng là người dân nơi đây rất cầu thị, tin tưởng những người đại diện do chính mình bầu ra cho nên khi xảy ra chuyện to, việc nhỏ đều giải quyết bắt đầu từ các tổ hòa giải.

Cuối năm 2016, tình cảm vợ chồng của anh Đoàn Văn Dương và chị Nguyễn Thị Tuyết ngụ tổ 6, ấp Kinh 2A, xã Tân Thuận tưởng chừng như không thể cứu vãn. Bởi chị Tuyết không thể chịu nổi tính vũ phu của người chồng cho nên đã làm đơn gửi về Ban lãnh đạo ấp xin ly hôn. Ban lãnh đạo ấp đã thụ lý đơn và phân công cán bộ tìm hướng giải quyết theo hướng giảng hòa. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng ấp, Tổ trưởng tổ hòa giải Kinh 2A kể: Khi đó, chúng tôi phân công Chi hội trưởng nông dân đến nhà gặp anh Dương nghe trình bày sự việc; phân công Chi hội trưởng phụ nữ tìm gặp chị Tuyết tìm hiểu tâm tư nguyện vọng. Riêng tôi, tìm đến các hộ lân cận với đôi vợ chồng Dương, Tuyết để nắm bắt sự việc từ những người hàng xóm. Sau khi đã nắm được nguyên nhân cốt lõi của vụ việc, chúng tôi đã mời cả hai vợ chồng đến ấp để hòa giải theo phương án đã lập sẵn là hàn gắn tình cảm vợ chồng. Đồng thời, phân tích khi vợ chồng ly hôn thì hai cháu nhỏ sẽ rất khổ. “Khi thấy hai vợ chồng nhận ra sự bất lợi sau ly hôn, chúng tôi đề nghị Dương viết cam kết hạn chế rượu chè, khi say không được sinh sự đánh đập vợ con. Còn chị Tuyết cũng phải hứa trong cư xử với chồng cũng phải chừng mực, đặc biệt không được chửi mắng chồng. Sau hơn một buổi hòa giải, phân tích thiệt hơn, cặn kẽ đôi đường, chị Tuyết đã xin rút đơn xin ly hôn và quay trở lại cuộc sống vợ chồng cùng Dương” - ông Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ cách làm.

Không chỉ hàn gắn những rạn nứt trong tình cảm vợ chồng, Tổ hòa giải ấp Kinh 2A còn hòa giải những vụ tranh chấp đất đai. Tháng 2-2017, hai anh em ông Hà Văn Hòa (ngụ tổ 4) và bà Hà Bích Thủy (tổ 3) mâu thuẫn do tranh chấp hơn 300 m2 đất tài sản của cha mẹ. Tiếp nhận đơn, Tổ hòa giải ấp Kinh 2A, phân công Chi hội trưởng nông dân và Chi hội trưởng phụ nữ đến nhà của hai đương sự và tìm gặp cha mẹ của ông Hòa và bà Thủy tìm hiểu nguồn cơn.

Sau khi nắm rõ, 300 m đất là của cha mẹ ông Hòa, bà Thủy, tổ hòa giải đã mời hai đương sự đến ấp tiến hành hòa giải. Chủ trì đã phân tích đây là tài sản của cha mẹ và chỉ cha mẹ mới có quyền quyết định. Đồng thời phân tích đánh vào tâm lý, anh em ruột rà máu mủ thưa kiện nhau sẽ làm cha mẹ buồn lòng, làng xóm chê cười, ảnh hưởng đến uy tín dòng họ. Chúng tôi quyết định cho ông Hòa, bà Thủy một tuần suy nghĩ. Đến hẹn, cả hai đồng ý rút đơn. Từ đó đến nay, anh em hòa thuận, vui vẻ”- bà Trương Thị Hồng Đào, Trưởng Ban công tác mặt trận ấp Kinh 2A chia sẻ.

Được biết, ấp Kinh 2A có 378 hộ, với 1.562 khẩu, sinh sống tại chín Tổ nhân dân tự quản. Những năm qua, tỷ lệ đơn thư gửi đến Ban lãnh đạo ấp ngày một giảm dần. Năm 2016, ấp tiếp nhận bảy đơn thư khiếu nại của nhân dân, Tổ hòa giải đã tiến hành hòa giải thành công năm vụ, chuyển về xã hai vụ. Năm 2017, ấp tiếp nhận bốn đơn, hòa giải thành công cả bốn. Từ đầu năm đến nay, ấp Kinh 2A chưa nhận đơn nào. Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Phạm Văn Cường Em cho biết: Không chỉ riêng ấp Kinh 2A mà tất cả các ấp trong xã Tân Thuận đều làm rất tốt công tác hòa giải. Chúng tôi xem công tác hòa giải ở cơ sở là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên củng cố nâng cao. Bởi làm tốt công tác này, cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở sẽ bám được dân, hiểu được tâm tư nguyện vọng của dân, dễ dàng trong tuyên truyền vận động thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật và các phong trào hành động cách mạng.

Công tác hòa giải ở cơ sở mạnh còn góp phần thắt chặt tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm, tạo được sự đoàn kết, sức mạnh trong dân; góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự và cũng là điều kiện, nội dung giúp Tân Thuận trở thành một trong hai xã nông thôn mới của huyện Vĩnh Thuận.

BÀI VÀ ẢNH: VIỆT TIẾN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/36167602-tan-thuan-phat-huy-vai-tro-cong-tac-hoa-giai.html