'Tận tâm chữa bệnh, tận lực cứu người'

Đó chính là những câu nhận xét của nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi nói về các 'chiến sĩ áo trắng' ở Khoa Nội, Tim, Thận, Khớp (KNTTK), Bệnh viện Quân y (BVQY) 7 (Quân khu 3). Ngôn từ được thốt lên từ tận đáy lòng bởi những người từng đi giữa ranh giới mỏng manh của sự sống và cái chết cho chúng tôi hình dung thật rõ cái tâm, cái tầm người thầy thuốc nơi đây.

Như trường hợp của bệnh nhân Đỗ Kim Kha, 65 tuổi, ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) là một ví dụ. Bà Kha nhập viện cấp cứu vào BVQY 7 và được chẩn đoán tâm phế mạn, tiểu đường tuýp 2, tăng huyết áp độ 3, suy thận giai đoạn 3. Bệnh của bà đã kéo dài nhiều năm và gia đình từng đưa đến nhiều cơ sở y tế điều trị nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Lần này, nhận thấy nguy cơ “lành ít, dữ nhiều”, gia đình đã làm đơn xin cho bà được xuất viện để sớm về quê lo hậu sự.

Song với quyết tâm cứu người tới cùng của các thầy thuốc, kíp trực KNTTK đã thuyết phục gia đình cho bà Kha ở lại để các bác sĩ cứu chữa. Cuộc chiến đấu với “tử thần” của các "chiến sĩ áo trắng" giành được thắng lợi và bà Kha đã phục hồi sau một thời gian điều trị. Ngày xuất viện về quê, nắm chặt tay các thầy thuốc chiến sĩ, bà Kha nghẹn lời, mãi mới thốt lên: "Các đồng chí đã sinh ra tôi lần thứ hai!".

Khác với bà Kha, ông Nguyễn Văn Trịnh, 90 tuổi, ở Tiên Lữ (Hưng Yên) khi cấp cứu vào một cơ sở y tế của tỉnh và được chẩn đoán suy tim độ 4 do tăng huyết áp. Nhận thấy khả năng cứu chữa không thành, cơ sở y tế đã trả bệnh nhân về cho gia đình. Thế nhưng con cháu đã đưa ông Trịnh vào KNTTK để điều trị. Dưới bàn tay tài hoa của các thầy thuốc, với tấm lòng nhân hậu của Bộ đội Cụ Hồ, họ đã kéo ông Trịnh thoát khỏi "lưỡi hái tử thần" để trở về với cuộc sống...

Để viết nên những câu chuyện cảm động ấy, theo Thượng tá Hà Văn Hùng, Chủ nhiệm KNTTK, về y thuật, các thầy thuốc luôn tích lũy, trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật những tiến bộ khoa học, ứng dụng vào chẩn đoán, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Những năm qua, KNTTK đã chủ động phối hợp với các bệnh viện, cơ sở y tế hàng đầu của quân đội và đất nước tổ chức thành công nhiều hội thảo khoa học chuyên ngành. Cùng với đó, khoa đã tham mưu với trên cử cán bộ, nhân viên đi học tập, nghiên cứu, tiếp thu chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên. Các ca bệnh khó, bệnh lý phức tạp, trí tuệ tập thể của các thầy thuốc đều được phát huy qua mỗi lần hội chẩn. Nhờ đó, quá trình điều trị tuyệt đối không để xảy ra tai biến, tai nạn trong điều trị.

Song, ngoài việc chữa bệnh cứu người, anh Hùng và các thầy thuốc nơi đây đều cho rằng, bên cạnh y thuật không thể thiếu y đức. Chính vì thế, ở BVQY 7 nói chung, ở KNTTK nói riêng, việc thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là như người mẹ hiền” đã trở thành công việc thường xuyên, tự giác hằng ngày. Mỗi quan điểm, lời nói, hành động, việc làm của người thầy thuốc đều vì người bệnh, hướng tới người bệnh và phục vụ người bệnh. Có lẽ cũng vì thế mà những câu chuyện của bà Kha, ông Trịnh cứ tiếp tục nối dài, câu chuyện về những "chiến sĩ áo trắng" KNTTK dường như chưa bao giờ có hồi kết...

NGUYỄN TIẾN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tan-tam-chua-benh-tan-luc-cuu-nguoi-567413