Tâm thế chủ động triển khai đánh giá học sinh lớp 10 theo Chương trình mới

Năm học 2022 - 2023, các trường THPT lần đầu tiên triển khai đánh giá học sinh (HS) theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT. Ghi nhận từ giáo viên (GV), nhà trường cho thấy một tâm thế sẵn sàng do nghiên cứu chuẩn bị từ sớm, đặc biệt sau một năm thực hiện Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT với nhiều điểm tiệm cận với cách đánh giá mới.

Học sinh lớp 10 tại TPHCM tham gia đánh giá chất lượng đầu năm. Ảnh minh họa

Thuận lợi từ “bước đệm” đổi mới đánh giá học sinh

Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT là quy định về đánh giá dành riêng cho HS THCS, THPT học theo Chương trình GDPT 2018. Theo cô Trần Huỳnh Nhị, GV Trường THPT Hòa Ninh (huyện Long Hồ, Vĩnh Long), dù năm học 2022 - 2023 mới bắt đầu triển khai Thông tư này ở lớp 10, nhưng thầy cô sẽ không nhiều bỡ ngỡ, lúng túng. Lý do, việc triển khai Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT (sửa đổi, bổ sung Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại HS THCS và THPT) từ năm học 2020 - 2021, với những nội dung tiệm cận với Thông tư 22 đã giúp thầy cô làm quen dần với cách đánh giá mới.

“Thuận lợi khi triển khai Thông tư 22 là giảm bớt cột điểm kiểm tra. Cùng với đó, việc đánh giá HS toàn diện hơn, không chỉ qua bài kiểm tra trên giấy mà cả sản phẩm học tập, từ đó các em được thể hiện năng lực của mình. Tuy nhiên, khó khăn cũng sẽ có, đơn cử như thầy cô cần đầu tư nhiều hơn để hướng dẫn HS có được sản phẩm học tập chất lượng.

Riêng với Ngữ văn, mới đây Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá (KTĐG) môn Ngữ văn. Trong đó có yêu cầu “…tránh dùng lại văn bản đã học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực HS…”, “khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của HS”. Đây là yêu cầu mới với cả HS và GV, nên việc ra đề thế nào để đáp ứng được yêu cầu này, GV cần được hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn” - cô Trần Huỳnh Nhị chia sẻ.

Thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Sơn (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) cho biết: Để đánh giá HS chuẩn xác, đúng với yêu cầu của Thông tư 22 và động viên sự tiến bộ của HS, nhà trường đã tổ chức cho toàn thể cán bộ, GV học tập nội dung Thông tư và phổ biến các quy định về đánh giá xếp loại cho HS, phụ huynh HS lớp 10 năm học 2022 - 2023.

Có thể thấy, để HS đạt mức Tốt, Khá, Đạt và Chưa đạt, Thông tư đều có những tiêu chí rất rõ ràng. Nhìn chung, mức độ đánh giá của Thông tư cao hơn và toàn diện hơn, nhưng cũng tạo điều kiện cho HS khẳng định sở trường của mình.

Ví dụ, để đạt mức Tốt (tương đương với HS giỏi), yêu cầu tất cả môn học đánh giá bằng nhận xét ở mức Đạt các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp bằng điểm số có điểm trung bình môn học kỳ, điểm trung bình môn cả năm 6,5 điểm trở lên; trong đó có ít nhất 6 môn học có điểm trung bình môn học kỳ, điểm trung bình môn cả năm đạt từ 8,0 điểm trở lên. Tuy nhiên, trong Thông tư không quy định cụ thể môn nào đạt trung bình 8,0 điểm trở lên, tạo điều kiện cho HS phấn đấu theo sở trường và năng lực của mình.

Học sinh lớp 10 sẽ được đánh giá theo Thông tư 22. Ảnh minh họa

“Nhà trường đang nghiên cứu và học tập để thực hiện đánh giá theo Thông tư mới. Trong quá trình thực hiện chưa phát hiện các vấn đề phát sinh. Với việc đánh giá bằng nhận xét, năm học trước đã thực hiện với một số môn nên thầy cô được làm quen. Tuy nhiên, phải xác định năm tới, việc viết vào học bạ, hồ sơ HS, thầy cô sẽ vất vả hơn” - thầy Nguyễn Văn Hùng cho hay.

Bài học sau một năm triển khai ở lớp 6

“Nếu không nghiên cứu, hiểu đầy đủ và vận dụng Thông tư 22 một cách nghiêm túc từ sớm sẽ tạo tâm thế bị động, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục chung của nhà trường” - thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý nhận định.

Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp) sớm quán triệt đến đội ngũ GV về Thông tư 22; đặc biệt là những thầy cô được lựa chọn để dạy học lớp 10 năm học 2022 - 2023. Những điểm mới của Thông tư được nhà trường vận dụng để đội ngũ từng bước tiếp cận. Phụ huynh, HS nhà trường cũng sớm được truyền thông trước những thay đổi về KTĐG trong năm học mới nhằm tạo sự đồng thuận và ủng hộ khi thực hiện, tránh xáo trộn hoặc tâm lý lo lắng.

Tại Nghệ An, thông tin từ ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT, cuối tháng 4/2022, Sở GD&ĐT ban hành công văn hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10, trong đó có hướng dẫn triển khai KTĐG theo Thông tư 22. Qua Hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục THPT năm học 2022 - 2023 và các chuyên mục về chuyên môn, không thấy các trường THPT trên địa bàn có phản ánh về khó khăn khi thực hiện.

Sở GD&ĐT Nghệ An cũng có hướng dẫn về KTĐG thường xuyên, KTĐG định kỳ đối với các môn học, hoạt động giáo dục, bảo đảm theo Thông tư 22, vừa đáp ứng mục tiêu theo Chương trình GDPT 2018. Cụ thể, về chuyên môn, đa dạng hình thức, tăng số lần KTĐG thường xuyên; KTĐG định kỳ theo ma trận đề thi và bảng đặc tả câu hỏi để bảo đảm phát triển phẩm chất, năng lực và công bằng trong KTĐG.

Ngoài ra, khuyến khích KTĐG theo dự án học tập của HS. Việc truyền thông để HS, phụ huynh HS nắm được tinh thần của Thông tư 22, từ đó phấn đấu trong học tập, rèn luyện nhằm đạt được kết quả theo đúng năng lực theo cách thức đánh giá mới cũng được các nhà trường trên địa bàn lưu ý triển khai.

“Thông tư 22 đã có một năm triển khai với lớp 6. Thực tế cho thấy, cách đánh giá theo Thông tư này nhận được sự đồng thuận của GV, phụ huynh, HS; các mức độ đánh giá trong phạm vi phù hợp với năng học của người học. Từ kinh nghiệm đã triển khai ở lớp 6, các trường cần lưu ý truyền thông để HS, phụ huynh nắm được tinh thần của Thông tư 22, đặc biệt là yêu cầu đối với mức đánh giá loại Xuất sắc, tiêu chí sẽ rất cao. Về chuyên môn, cần đa dạng hình thức và tăng số lần KTĐG thường xuyên để ghi nhận sự tiến bộ của HS. Với KTĐG định kỳ, cần xây dựng ma trận đề thi và bảng đặc tả câu hỏi chuẩn, bảo đảm phát triển phẩm chất, năng lực và công bằng trong KTĐG” - ông Nguyễn Tiến Dũng lưu ý.

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tam-the-chu-dong-trien-khai-danh-gia-hoc-sinh-lop-10-theo-chuong-trinh-moi-post604465.html