Tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, người trí thức tài năng tiêu biểu của dân tộc

NGUYỄN XUÂN THẮNGBí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư,Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí MinhThưa các đồng chí!Cụ Nguyễn Văn Tố, hiệu là Ứng Hòe, sinh ngày 5-6-1889 tại làng Ðông Thành, tổng Tiền Túc, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Cụ Nguyễn Văn Tố - Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của Việt Nam (Ảnh tư liệu)

Cụ nguyên là Trưởng Ban Thường trực QH đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nguyên Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, một chí sĩ yêu nước nhiệt thành, nhà văn hóa xuất sắc, người cộng sự gần gũi, thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.

Cuộc đời của cụ Nguyễn Văn Tố là tấm gương cao đẹp của một nhà trí thức với lòng yêu nước nồng nàn đã đến với cách mạng, trọn đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và phát triển đất nước.

Từ nhỏ, cụ Nguyễn Văn Tố đã nổi tiếng thông minh, học giỏi. Năm 16 tuổi, cụ đỗ đầu kỳ thi ngạch Phán sự - Thông ngôn do Tòa Thống sứ Bắc Kỳ tổ chức. Năm 17 tuổi, cụ được chính thức nhận vào làm việc tại Viện Viễn đông Bác cổ - cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu của chính quyền Pháp ở Ðông Dương khi đó. Với sự thông minh, tinh thần ham học hỏi, mẫn cán và phương pháp làm việc khoa học, nghiêm túc, từ một nhân viên tập sự, cụ Nguyễn Văn Tố đã trở thành một viên chức cao cấp, được đánh giá rất cao của Viện Viễn đông Bác cổ.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Nguyễn Văn Tố tham gia Chính phủ cách mạng lâm thời, đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội. Ngày 6-1-1946, trong cuộc Tổng tuyển cử bầu QH đầu tiên của đất nước, cụ được bầu là đại biểu QH. Tại Kỳ họp thứ nhất QH khóa I (ngày 2-3-1946), cụ Nguyễn Văn Tố được bầu là Trưởng Ban Thường trực QH đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 11-1946, cụ được bầu là Bộ trưởng không bộ.

Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, cụ Nguyễn Văn Tố cùng Chính phủ lên Việt Bắc chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong cuộc tiến công của quân Pháp lên Việt Bắc (Thu Ðông năm 1947), cụ Nguyễn Văn Tố bị địch bắt ở Bắc Cạn. Mặc dù kẻ địch dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, tra tấn dã man, cụ Nguyễn Văn Tố đã thể hiện khí phách hiên ngang của một trí thức yêu nước, bất khuất trước kẻ thù. Ngày 25-10-1947, cụ đã anh dũng hy sinh trước mũi súng quân thù.

Tưởng nhớ cụ Nguyễn Văn Tố, chúng ta tự hào về một trí thức yêu nước, một nhà lãnh đạo tài năng, một tấm gương đạo đức sáng ngời, người đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Thứ nhất, cụ Nguyễn Văn Tố là nhà văn hóa lớn của dân tộc, người có công lao to lớn đối với sự nghiệp truyền bá quốc ngữ ở Việt Nam.

Cụ Nguyễn Văn Tố là một học giả nổi tiếng về văn hóa Việt Nam, uyên thâm cả văn hóa phương Ðông lẫn văn hóa phương Tây, có thể sử dụng thành thạo đồng thời Quốc ngữ, Hán Nôm và Pháp ngữ. Tài năng xuất sắc của cụ Nguyễn Văn Tố được giới học thuật thời đó xếp là một trong tứ kiệt của đất Hà Thành cùng với Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Duy Tốn.

Cụ đã để lại nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu và liên ngành, bao quát nhiều lĩnh vực khoa học, như: lịch sử, văn học, văn bản học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, dân tộc học, tôn giáo, văn hóa dân gian,... Những bài viết của cụ Nguyễn Văn Tố trên Nam Phong Tạp chí, Ðông Thanh Tạp chí, Báo Thanh Nghị, đặc biệt là những bài về văn hóa Việt Nam đăng trên Tạp chí Tri Tân do cụ tham gia sáng lập có đóng góp quan trọng đối với việc nghiên cứu và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Cụ Nguyễn Văn Tố có công lao to lớn trong công cuộc tuyên truyền, cổ động và tổ chức học chữ Quốc ngữ. Nhận thức sâu sắc về ảnh hưởng của nạn mù chữ đối sự phát triển của dân tộc, cụ Nguyễn Văn Tố đã tích cực ủng hộ chủ trương của Ðảng Cộng sản Ðông Dương, phát động phong trào học chữ Quốc ngữ, xóa nạn mù chữ trong nhân dân. Cụ là một trong những người hăng hái đứng ra vận động thành lập Hội Truyền bá học chữ Quốc ngữ (Hội Truyền bá Quốc ngữ). Dưới sự chỉ đạo của Ðảng và với uy tín cao của cụ Nguyễn Văn Tố, chủ trương lập Hội Truyền bá Quốc ngữ được giới trí thức hoan nghênh nhiệt liệt. Nhiều nhà trí thức có tên tuổi, như: Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn,... đã nhận lời và nhiệt tình tham gia hoạt động của Hội. Trước phong trào quần chúng nhân dân lên cao, không tìm được cớ gì ngăn cản việc thành lập Hội, Thống sứ Bắc Kỳ lúc đó là Saten buộc phải ký giấy chính thức công nhận sự hoạt động hợp pháp của Hội từ ngày 29-7-1938.

Trên cương vị người sáng lập và Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ, cụ Nguyễn Văn Tố đã tổ chức tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia học tập dưới sự ủng hộ, giúp đỡ của các nhân sĩ, trí thức. Các thành viên trong Hội đã tích cực xây dựng các cơ sở của Hội ở khắp các địa phương. Dù bị chính quyền thực dân tìm cách ngăn trở, hoạt động và ảnh hưởng của Hội Truyền bá Quốc ngữ vẫn lan rộng từ Bắc Kỳ ra cả nước. Ngày 5-1-1939, Hội Truyền bá Quốc ngữ ở Trung Kỳ được thành lập. Ngày 18-8-1944, Hội Truyền bá Quốc ngữ ở Nam Kỳ cũng chính thức ra đời. Sự phát triển sôi nổi của phong trào truyền bá, học chữ Quốc ngữ đã góp phần quan trọng chống lại chính sách "ngu dân" phản động của chính quyền thực dân, qua đó nâng cao tri thức và ý thức dân tộc cũng như trình độ giác ngộ cách mạng của các tầng lớp nhân dân.

Thứ hai, cụ Nguyễn Văn Tố là nhà lãnh đạo tài năng của QH và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, một trong những yêu cầu cấp bách đặt ra cho chính quyền cách mạng non trẻ là nhanh chóng khắc phục tàn dư của chế độ thực dân nửa phong kiến, đặc biệt là giải quyết hậu quả của nạn đói trong nửa đầu năm 1945 đã cướp đi sinh mạng của hơn hai triệu đồng bào ta ở Bắc Bộ và đang có nguy cơ bùng phát trở lại.

Trong bối cảnh đó, cụ Nguyễn Văn Tố đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, nhằm cứu trợ nhân dân trong hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những người đang bị nạn đói đe dọa. Cụ Nguyễn Văn Tố đã tổ chức tuyên truyền, vận động các giới đồng bào trong cả nước hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần yêu nước, tương thân, tương ái, quyên góp tiền, vàng, lương thực, thực phẩm, "sẻ cơm nhường áo", cứu giúp những gia đình nghèo đói. Cụ tích cực tuyên truyền chỉ đạo các ngành, các giới, các đoàn thể nhân dân hưởng ứng phong trào "Hũ gạo cứu đói" và thành lập các "Hội cứu đói", đồng thời đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Cùng với biện pháp căn bản, lâu dài là tăng gia sản xuất, việc cứu trợ kịp thời các hộ gia đình đang bị đói đã góp phần đẩy lùi nạn đói, góp phần bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ vượt qua tình thế "ngàn cân treo sợi tóc".

Ðược bầu là Trưởng Ban Thường trực QH đầu tiên của đất nước, cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng các thành viên Ban Thường trực QH nhanh chóng tham gia vào công cuộc xây dựng, củng cố bộ máy nhà nước, xây dựng nền dân chủ mới. Ðặc biệt, cụ đã tổ chức, điều hành QH góp ý và thông qua bản Hiến pháp năm 1946, khẳng định bản chất dân chủ nhân dân của Nhà nước mới ở Việt Nam đến nay vẫn mang ý nghĩa sâu sắc.

Trong hoàn cảnh đất nước ở tình thế hiểm nghèo, nhiệm vụ đối phó với ngoại xâm và nội phản được đặt lên hàng đầu, Trưởng Ban Thường trực QH Nguyễn Văn Tố đã cùng các thành viên trong Ban Thường trực thay mặt QH, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, xem xét, góp ý các Sắc lệnh về các lĩnh vực pháp chính, kinh tế, tài chính, xã hội của Chính phủ trước khi được ký ban hành. Cụ luôn quan tâm tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, ủng hộ chủ trương, chính sách của Chính phủ, đồng thời nắm bắt tâm tư, phản ánh đến Chính phủ những nguyện vọng chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân.

Là người cộng sự gần gũi, tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng Quốc hội ủng hộ chủ trương "hòa để tiến" của Trung ương Ðảng; ủng hộ việc ký Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946 giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại diện Chính phủ Pháp, cử phái đoàn QH Việt Nam sang thăm QH Pháp. Ðó là những việc làm thể hiện rõ thiện chí và khát vọng hòa bình của Chính phủ, QH và nhân dân Việt Nam, đồng thời để cách mạng Việt Nam có thêm thời gian hết sức quý báu, tranh thủ củng cố chính quyền, chuẩn bị lực lượng.

Tháng 11-1946, cụ Nguyễn Văn Tố được cử làm Bộ trưởng không bộ (Quốc vụ khanh). Trên cương vị mới, cụ vừa tham gia góp ý, xây dựng đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại của Chính phủ, vừa góp phần động viên các tầng lớp nhân dân tích cực xây dựng đời sống mới. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trên cương vị là Phó Chủ tịch Ủy ban tản cư và di cư, cụ Nguyễn Văn Tố đã động viên các tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần yêu nước, thực hiện triệt để chủ trương tản cư của Chính phủ; tổ chức đón nhận, giúp đỡ đồng bào tản cư, thực hiện "vườn không nhà trống", "tiêu thổ kháng chiến" và chỉ đạo di chuyển nhiều trang thiết bị, máy móc lên chiến khu Việt Bắc an toàn, góp phần làm phá sản âm mưu "đánh nhanh, thắng nhanh" của địch.

Thứ ba, cụ Nguyễn Văn Tố là tấm gương mẫu mực về tinh thần yêu nước nhiệt thành, cống hiến, hy sinh trọn đời vì đất nước.

Cụ Nguyễn Văn Tố là người có tài năng xuất chúng, được chính quyền thực dân phong kiến nể trọng. Cụ là một trong số ít người được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh; được chính quyền phong kiến sắc phong là Trung nghĩa đại phu Quang lộc tự khanh (tương ứng hàm Tam phẩm). Tuy nhiên, trăn trở với nỗi đau mất nước, cụ Nguyễn Văn Tố đã lựa chọn con đường đấu tranh cho độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc của nhân dân.

Khi chính quyền cách mạng ra đời, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị những bậc hiền tài ra giúp dân, giúp nước, cụ Nguyễn Văn Tố đã gác lại sự nghiệp học thuật đang rất thành công để tham gia chính quyền cách mạng. Trên cương vị một nhà lãnh đạo của QH và Chính phủ, cụ luôn nêu cao tinh thần: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, đem hết tâm sức, trí tuệ để phục vụ quốc dân, đồng bào, góp phần xây dựng nền dân chủ mới, xã hội mới. Tận tụy với công việc, tận tâm với nhân dân, lấy lợi ích tối cao của dân tộc làm lẽ sống, cụ đã cùng QH và Chính phủ đoàn kết toàn dân, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua tình thế hiểm nghèo, chuẩn bị lực lượng cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc.

Với những cống hiến to lớn và nỗ lực không ngừng nghỉ cho đến lúc anh dũng hy sinh, cụ Nguyễn Văn Tố thật sự là tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, người trí thức tài năng tiêu biểu của dân tộc với lòng yêu nước nhiệt thành, "không hám hư danh, không màng danh lợi".

Thưa các đồng chí!

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của cụ Nguyễn Văn Tố là hoạt động thiết thực và có ý nghĩa, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực, sáng ngời của thế hệ cha anh cho các thế hệ hôm nay và mai sau, để chúng ta tiếp tục vững bước, kiên định đi theo con đường mà Ðảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối yêu nước tiêu biểu đã lựa chọn, dựng xây cơ đồ dân tộc vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Xin trân trọng cảm ơn!

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40399402-tam-guong-dao-duc-trong-sang-mau-muc-nguoi-tri-thuc-tai-nang-tieu-bieu-cua-dan-toc.html