Tầm gửi vào ông 'bầu'
Nhà vô địch V-League 2017-câu lạc bộ (CLB) Quảng Nam đang chạy đua với thời gian để mời gọi các nhà tài trợ nhằm tránh viễn cảnh giải thể. Trước đó, đội bóng xứ Quảng để ngỏ khả năng không dự V-League 2025-2026, xóa tên gọi và chuyển giao cầu thủ về SHB Đà Nẵng.
Tạm biệt cựu vô địch?
“Nhiều cầu thủ Quảng Nam nhấp nhổm với số phận của bản thân sau từng mùa giải, chứ chẳng riêng gì năm nay”, một cầu thủ từng chơi cho đội bóng đất Quảng thổ lộ. Trước khi thông tin đội bóng không tham dự V-League 2025-2026 xuất hiện trên hầu hết các mặt báo uy tín, số phận của CLB Quảng Nam đã như ngọn nến trước gió trong vài tháng trở lại đây.
Chẳng phải ngẫu nhiên huấn luyện viên (HLV) Văn Sỹ Sơn xin từ chức. Cũng chẳng phải tự nhiên Quảng Nam ăn mừng như thể vô địch, ở thời điểm giành vé trụ hạng thành công. Đội bóng này thật sự muốn tự cứu lấy số phận của bản thân nhưng thực tế diễn ra không như mong đợi.
Ngay sau khi mùa giải chuyên nghiệp 2024-2025 hạ màn, những thông tin về việc Quảng Nam sẽ được chuyển giao hoặc sáp nhập cho một CLB khác xuất hiện trên mạng xã hội với tần suất ngày một dày hơn. Lúc thì Quảng Nam chịu tin đồn sẽ ra Bắc để trở thành một CLB với tên gọi mới. Khi thì đó là câu chuyện họ sẽ Nam tiến với công thức tương tự. Và rồi các cầu thủ truyền tai nhau một tin “sét đánh”: CLB Quảng Nam sẽ giải tán, sáp nhập quân số với đội SHB Đà Nẵng hiện tại.

Câu lạc bộ Quảng Nam. Ảnh: VPF
Ngay sau đó, Hoàng Thế Tài lập tức xin về đầu quân cho Hải Phòng FC; Phan Thanh Hậu chuyển đến Becamex TP Hồ Chí Minh để tìm kiếm cơ hội chơi chuyên nghiệp. Những cầu thủ khác cũng vội vàng “gõ cửa” một số CLB, nhà môi giới để tìm chiếc phao cứu sinh cho bản thân. Lần lượt Nguyễn Văn Công, Nguyễn Văn Đạt, Trần Hoàng Hưng tìm "bến đỗ" mới. Tuy nhiên, không phải cầu thủ nào cũng có cơ hội như vậy. Bởi thế, Võ Văn Toàn, Nguyễn Công Thành, Nguyễn Văn Trạng, Đặng Văn Lắm... vội vàng tìm CLB khác, song không phải đội bóng nào cũng dang tay trợ giúp lúc ngặt nghèo.
Trong bối cảnh V-League chỉ còn 3 tuần nữa sẽ khởi tranh, quá trình chuẩn bị lực lượng của nhiều đội gần như hoàn thành, việc bổ sung nhân sự ở thời điểm này không còn nằm trong ưu tiên của các huấn luyện viên trưởng. Các cầu thủ Quảng Nam cũng hiểu rõ thế khó của bản thân. Họ chấp nhận hưởng chế độ thấp hơn, cơ hội đá chính ít hơn hay thậm chí xuống giải hạng nhất, miễn sao có thể tìm được "bến đỗ" mới.
Bài học muôn năm cũ
Cho đến hiện tại, CLB Quảng Nam chưa đưa ra thông báo chính thức về việc giải tán. Trong công văn mới nhất gửi Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), đại diện đội bóng đất Quảng cho biết, được sự quan tâm của các cấp liên quan, CLB Quảng Nam đang tích cực đàm phán với một số nhà đầu tư để xác định nguồn lực tiếp tục vận hành cho các hoạt động trong thời gian tới.
CLB Quảng Nam đang chạy đua với thời gian để có thể ở lại V-League. Trong khi đó, để bảo đảm tương lai, một vài cầu thủ chưa tìm được đội bóng mới chấp nhận trở thành người của SHB Đà Nẵng. Bản thân Quảng Nam cũng khó có hy vọng chờ đợi “nguồn sữa mới” ở thời điểm hiện tại. Thêm vào đó, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, VPF cũng không thể bị động trước tình hình hiện nay. Vào tuần tới, một cuộc bỏ phiếu về hai khả năng xoay quanh chuyện V-League chia tay đội bóng này sẽ được thực hiện. Một, giải đấu chấp nhận thi đấu với chỉ 13 CLB còn lại. Hai, giải sẽ chọn ra một đội bóng thế vai Quảng Nam.
Câu chuyện của Quảng Nam ở V-League cũng từng bước đến hồi kết. Từ một nhà vô địch năm 2017, đội bóng này cũng đã trải qua những biến động xuyên suốt 8 năm qua, trước khi từng bước lui vào dĩ vãng. Câu chuyện của Quảng Nam về bản chất không khác là bao so với những gì mà Than Quảng Ninh, Sài Gòn, The Vissai Ninh Bình... từng nếm trải. Đó là khi không còn nhận được sự hậu thuẫn từ các ông bầu, những đội bóng này lập tức bị “rút ống thở” rồi biến mất khỏi giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia.
Nhưng câu chuyện thiếu căn cơ, tự chủ tài chính không chỉ diễn ra với những CLB trung bình ở Việt Nam. Ngay cả những đội bóng mạnh nhất và được đầu tư nhiều nhất ở V-League hiện tại cũng đang sống bằng nguồn tiền hàng triệu đô của các doanh nhân, tỷ phú. Sẽ thế nào nếu Thép Xanh Nam Định không được tài trợ cả trăm tỷ đồng như mùa giải vừa qua? Sẽ ra sao nếu CLB Hà Nội không còn được hậu thuẫn bởi bầu Hiển? Câu chuyện tương tự là Ninh Bình, Hoàng Anh Gia Lai?
Bài học muôn năm cũ về sự tồn vong của một CLB V-League hóa ra vẫn còn nguyên tính thời sự. Bởi với các CLB ở Việt Nam, bài toán căn cơ, phát triển lâu dài bền vững chưa tìm ra được lời giải thấu đáo.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/tam-gui-vao-ong-bau-838652