Tài xế công nghệ: Bất an trên mỗi nẻo đường

Tài xế xe ôm, taxi là những người phải thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, thời tiết thất thường. Với đặc thù nghề nghiệp phải ngồi nhiều, ít vận động, dẫn đến dễ mắc phải các bệnh lý phổ biến.

Một lúc mắc nhiều bệnh

Mới đây, một nam sinh viên tên V. (21 tuổi, hiện vừa học đại học vừa chạy xe ôm) đã đến BV Quận Thủ Đức, TP.HCM khám vì có những bất thường về sức khỏe. Cụ thể, V. đã đến khám tại Khoa Hô hấp và Khoa Tiêu hóa nhiều lần do căn bệnh viêm dạ dày và viêm họng, viêm mũi dị ứng tái phát thường xuyên. V. cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên phải vừa đi học vừa đi làm thêm để kiếm tiền trang trải sinh hoạt. Công việc của V. giờ giấc không ổn định, phải thường đi đón khách đêm, giao hàng cả lúc thời tiết xấu như giữa trưa, hay mưa lớn. Tại BV Quận Thủ Đức, các BS đã chỉ định bệnh nhân phải được điều trị bằng thuốc, đồng thời khuyên bệnh nhân cần phải cân đối giữa việc học và làm thêm, để không để ảnh hưởng đến học tập, sức khỏe và tương lai sau này.

Không chỉ người hành nghề xe ôm, tài xế taxi cũng là đối tượng phải đối diện với nhiều nguy cơ về sức khỏe. Anh H. (nam 38 tuổi, tài xế taxi) đến khám định kỳ vì mắc nhiều căn bệnh cùng lúc. Cụ thể, bệnh nhân đã phải đến nhiều chuyên khoa của BV Quận Thủ Đức như: Khoa Cơ xương khớp, Nội tiết, Nội tim mạch. BS Phạm Đỗ Thanh Tuấn, Khoa Nội Tổng hợp, BV Quận Thủ Đức cho biết, với thể trạng thừa cân, thường xuyên ăn thức ăn nhanh, bỏ bữa, sử dụng thuốc lá, rượu bia, công việc nhiều áp lực, giờ giấc thay đổi liên tục, khiến tình trạng bệnh của bệnh nhân trở nên khó kiểm soát. Bệnh nhân bị các bệnh chính như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, xơ vữa mạch máu, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Với sự điều trị kịp thời của các BS, đến nay tình trạng bệnh của bệnh nhân đã có thuyên giảm, nhưng vẫn cần rất nhiều cố gắng thay đổi lối sống và tuân thủ điều trị nếu bệnh nhân muốn tiếp tục công việc của mình.

Người hành nghề xe ôm có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý do tiếp xúc nhiều với nắng, mưa, khói bụi

Thay đổi lối sống giúp hạn chế mắc bệnh

Theo BS Phạm Đỗ Thanh Tuấn, những người hành nghề xe ôm có đặc thù nghề nghiệp phải ngồi nhiều, hàng ngày phải tiếp xúc với nắng, mưa, khói bụi, ô nhiễm không khí và tiếng ồn; phải đối mặt với nguy cơ mắc nhiều bệnh lý như: bệnh ngoài da, bệnh hô hấp, cơ xương khớp, tiêu hóa…

Cụ thể, với bệnh ngoài da, do tiếp xúc với ánh nắng thường xuyên nên những người hành nghề xe ôm dễ mắc các bệnh ngoài da như bỏng da, viêm da, dị ứng ánh nắng, hoặc tiềm ẩn nguy cơ ung thư da. Với các biểu hiện đỏ da, phồng rộp, hoặc sẩn ngứa với trường hợp dị ứng, tăng sắc tố da. Để hạn chế ảnh hưởng đến da, các tài xế nên hạn chế di chuyển vào các thời điểm nắng gắt như từ 12h00 đến 16h00. Để phòng tránh bệnh ngoài da hiệu quả, người hành nghề xe ôm nên sử dụng các phương tiện che nắng: áo gió, gang tay, tất, kính râm, kem chống nắng.

Về bệnh lý hô hấp, do tiếp xúc với bụi, khói, đặc biệt ở các thành phố lớn có mức độ ô nhiễm không khí, tiếng ồn nặng thì khả năng mắc các bệnh đường hô hấp rất lớn. Đặc biệt, tỷ lệ hút thuốc lá ở nhóm người chạy xe ôm khá cao, do đó tình trạng bệnh lý viêm họng xảy ra thường xuyên, viêm mũi dị ứng sẽ nặng lên, hoặc tình trạng viêm xoang mạn tính rất dễ tái phát, đối với những người làm việc quá sức nguy cơ viêm phổi cao hơn khi thay đổi thời tiết nắng mưa đột ngột. Bệnh lý viêm tai giữa, viêm ống tai ngoài hay giảm thính lực cũng là nhóm bệnh thường gặp. “Giải pháp cho tình trạng này là luôn sử dụng khẩu trang, nón bảo hiểm có kính chắn gió, rửa tay thường xuyên, cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lí, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bỏ thuốc lá, khám và chữa bệnh kịp thời các triệu chứng sốt, ho, đau ngực, khó thở, đau tai, chảy mủ tai, giảm thính lực”, BS Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo BS Tuấn, bệnh lý đường tiêu hóa như: viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa, táo bón, trĩ… cũng là các nhóm bệnh thường gặp do ăn uống không đầy đủ, không bảo đảm giờ giấc ăn uống, hoặc ăn vội vàng, tạm bợ, phải nhịn tiểu, nhịn đi đại tiện lâu. Người bệnh có các biểu hiện như đau thượng vị, ợ hơi, ợ nóng, chán ăn, khó đi cầu, phân cứng, trĩ lồi, đau rát hậu môn. Các bệnh lý tiêu hóa ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và khả năng làm việc lâu dài của các tài xế. Cho nên, tài xế xe ôm cần ăn uống đúng giờ, có thời gian nghỉ ngơi sau khi ăn, đi tiểu tiện đúng lúc, uống đủ nước.

Đối với bệnh lý cơ xương khớp, nguyên nhân do người hành nghề xe ôm thường ngồi lâu, điều khiển xe kéo dài nên thường xuyên xảy ra các vấn đề đau cơ, xương khớp như: đau lưng, cổ, vai, cổ tay (hội chứng ống cổ tay), đau mỏi chân. Để khắc phục các tình trạng này cần cân đối thời gian lái xe và nghỉ ngơi, hạn chế ngửa cổ tay khi cầm lái, giữ thẳng lưng, vai, (có thể sử dụng đai lưng, vai phù hợp theo ý kiến của BS); tập thể dục thể thao thường xuyên; khám và điều trị kịp thời khi có các triệu chứng bệnh.

Tài xế taxi dễ gặp các vấn đề sức khỏe nếu không có biện pháp cải thiện lối sống thích hợp

Ngoài ra, người hành nghề xe ôm cũng có nguy cơ bị hành hung, lây nhiễm bệnh. BS Tuấn chia sẻ: “Xe ôm công nghệ là nghề mới được phát triển mạnh mẽ gần đây, có nhiều nguy cơ, rủi ro do đối mặt với việc bị hành hung, cướp tài sản, tranh chấp. Nguy cơ tiếp xúc với bệnh dịch lây qua đường hô hấp do tiếp xúc nhiều người, phải có biện pháp phòng tránh thích hợp để tránh lây nhiễm”.

Người hành nghề taxi, dù không tiếp xúc nhiều với khói bụi, nắng, nắng, mưa như người lái xe ôm, tuy nhiên cũng có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý: Bệnh cột sống, xương khớp (biểu hiện là người bệnh đau cột sống thường ở phần cổ hoặc thắt lưng do tư thế ngồi lâu, vai, đau cổ tay, cánh tay, hông, gối). Lời khuyên là nên chỉnh ghế ngồi phù hợp, hơi ngả ra sau khoảng 20-30 độ, giữ tay cầm lái vị trí 3-9h, nghỉ ngơi, vận động thư giãn phù hợp giữa các ca làm việc.

Ngoài các bệnh nói trên còn kèm theo các bệnh về đường tiêu hóa (viêm loét dạ dày, táo bón, trĩ); các bệnh về đường hô hấp (viêm mũi xoang, viêm phổi); bệnh lý tim mạch, nội tiết (xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ nhồi máu cơ tim, hoặc đột quỵ nếu không khám và điều trị kịp thời); bệnh lý tâm thần kinh (căng thẳng, stress, trầm cảm, mất ngủ) do giờ giấc làm việc không cố định, thường sử dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá. “Người bệnh cần cân đối thời gian làm việc, bảo đảm giấc ngủ, hạn chế các chất kích thích. Do đặc thù công việc ngồi lâu, nên tài xế taxi thuộc nhóm ít vận động, chế độ ăn thường không khoa học, ăn nhiều thức ăn nhanh, ít vận động. Khắc phục bằng cách thường xuyên vân động thể dục thể thao, ăn uống hợp lý, khám chữa bệnh kịp thời để tránh các biến chứng nặng nề”- BS Tuấn đưa ra lời khuyên.

NGUYÊN NAM

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tai-xe-cong-nghe-bat-an-tren-moi-neo-duong-n178313.html