Tại sao Liên Xô không luyến tiếc, khi loại biên sớm tiêm kích MiG-23?

Vào cuối thập niên 60, MiG-23 được coi là câu trả lời của Liên Xô cho loại máy bay chiến đấu huyền thoại F-4 Phantom II. Tuy nhiên, sự xuất hiện của MiG-23 là quá muộn, khi bình minh của máy bay chiến đấu thế hệ mới đã xuất hiện.

Con đường phát triển và sản xuất hàng loạt một vũ khí phức tạp như máy bay chiến đấu phản lực, đó là một quá trình khó khăn và quanh co. Từ những khái niệm sai lầm, cho đến việc thực thi kém, thì khả năng thất bại luôn tiềm ẩn đằng sau mọi ngóc ngách.

Ngay cả đối với những dự án thành công, mọi thứ hiếm khi diễn ra chính xác như kế hoạch; nhà thiết kế phải đối mặt với một loạt các lựa chọn kỹ thuật khó khăn liên tục, thêm vào đó là các yếu tố quan liêu, chính trị và ngân sách.

Một máy bay chiến đấu được đánh giá là thành công, hoàn toàn không phải dễ dàng, nó phải đáp ứng đủ ba tiêu chí, thứ nhất phải được sản xuất hàng loạt, thứ hai phục vụ ít nhất một lực lượng không quân, trong thời gian không dưới 5 năm; và thứ ba là có đủ thành tích chiến đấu, để đánh giá về hiệu suất.

Vào cuối những năm 1960, tiêm kích MiG-23 được coi là câu trả lời của Liên Xô cho loại máy bay chiến đấu phản lực huyền thoại F-4 Phantom II, máy bay chiến đấu MiG-23 (NATO định danh là Flogger) dường như đã sẵn sàng cho sự thành công trên chiến trường.

MiG-23 được chế tạo dựa trên một triết lý thiết kế đơn giản nhưng hấp dẫn, đó là một máy bay chiến đấu "cánh cụp, cánh xòe", sử dụng một động cơ hạng nhẹ và vẫn giữ được sự nhanh nhẹn của người tiền nhiệm MiG-21.

Máy bay được trang bị hệ thống điện tử hàng không hiện đại, cụ thể là radar có sông suất lớn hơn, máy tính hỗ trợ khả năng xử lý, tầm bay lớn hơn, vũ khí mạnh hơn và khả năng bắt mục tiêu mạnh mẽ hơn.

Tất cả những công nghệ mới trang bị trên tiêm kích chiến đấu MiG-23, để biến nó thành một máy bay chiến đấu mạnh mẽ, linh hoạt; có khả năng thực hiện cả vai trò tấn công và đánh chặn. Tuy nhiên, kết quả lại trái với mong đợi.

Trái ngược với mục tiêu của Liên Xô, là chế tạo một máy bay chiến đấu có khả năng không chiến, các cuộc thử nghiệm sau đó đã phát hiện ra rằng, MiG-23 đã bị các đối thủ phương Tây như F-14 Tomcat hay F-15 Eagle vượt mặt.

MiG-23 cũng dễ gặp các vấn đề bất ổn ở góc tấn công cao; các phi công thử nghiệm phàn nàn về sự không ổn định của MiG-23 ở tốc độ cao và khó hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu. MiG-23 không chỉ là một bước lùi so với MiG-21 ở một số khía cạnh, mà chi phí sử dụng của nó còn cao hơn nhiều so với MiG-21.

Ngoài ra MiG-23 không chỉ nổi tiếng là khó hoạt động mà còn gặp rất nhiều lỗi kỹ thuật. Ví dụ, động cơ R-29 của nó có tuổi thọ ngắn và có xu hướng quá nóng, trong khi hệ thống thùng nhiên liệu bị lỗi thiết kế, và chỉ được khắc phục trên các mẫu MiG-23 sau này.

Lịch sử hoạt động của MiG-23 cũng tương đối dài trong không quân Liên Xô và một số quốc gia, tuy nhiên MiG-23 cũng không có thành tích gì nổi bật; đơn giản MiG-23 là chiến đấu cơ thế hệ 3, khi nó ra đời, thì bình minh của máy bay chiến đấu thế hệ 4 đã xuất hiện.

Mặc dù mục đích chế tạo MiG-23 của Liên Xô là đối thủ với F-4E, nhưng MiG-23 lại luôn bị bại trận trước các máy bay chiến đấu thế hệ 4. Hơn một chục chiếc MiG-23 của Syria đã bị các máy bay F-15 và F-16 của Israel bắn hạ trong Chiến tranh Ả Rập-Israel.

Máy bay chiến đấu phản lực MiG-23 của Iraq còn kém hơn nữa, trước Không quân Iran trong Chiến tranh Iran-Iraq; có thông tin cho rằng, có tới 50 chiếc MiG-23 của Iraq bị bắn hạ bởi các máy bay chiến đấu F-14, F-5 và F-4 của Iran.

Tệ hơn, máy bay chiến đấu MiG-23 của Libya thường xuyên bị bắn hạ bởi các máy bay phản lực MiG-21 của Ai Cập trong Chiến tranh Libya-Ai Cập, và hai chiếc MiG-23 đã bị bắn hạ bởi hai chiếc tiêm kích F-14 Tomcats của Hải quân Mỹ, trong cuộc giao tranh Tobruk năm 1989.

Do những bết bát về cả kết quả thực chiến lẫn những tiềm ẩn rủi ro trong khai thác, sử dụng; do vậy không có gì là bất ngờ, khi MiG-23 phải loại biên sớm hơn so với tiêm kích phản lực MiG-21 mà nó dự kiến sẽ thay thế. Không quân Liên Xô nhanh chóng chuyển sang loại MiG-29 thế hệ 4.

Syria và Triều Tiên là những quốc gia còn sử dụng nhiều nhất những chiếc MiG-23 còn lại trên thế giới. MiG-23 tồn tại trong lịch sử hàng không quân sự như một lời nhắc nhở nghiệt ngã rằng, ngay cả những khái niệm thiết kế tốt nhất, cũng bị thất bại, khi không theo kịp được xu hướng thời đại. Nguồn ảnh; Topwar.

Cận cảnh chiến đấu cơ MiG-23 hiện nay vẫn tiếp tục được Triều Tiên sử dụng trong biên chế lực lượng Không quân. Nguồn: KCNA.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/tai-sao-lien-xo-khong-luyen-tiec-khi-loai-bien-som-tiem-kich-mig-23-1544503.html