Tài chính 24h: Thanh khoản dồi dào, vì sao lãi suất vẫn khó giảm?

Việc tổng phương tiện thanh toán M2 tăng nhanh hơn tín dụng đã giúp cho thanh khoản hệ thống ngân hàng ở trạng thái dồi dào trong phần lớn thời gian của hai quý vừa qua.

Ảnh minh họa.

Thanh khoản dồi dào, nhưng cửa giảm cho lãi suất đầu ra vẫn “hẹp”

Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ hiện nay vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô và quản trị các cú sốc, đặc biệt trong bối cảnh nhiều yếu tố bất định đang ngày một gia tăng trên thế giới (căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Mỹ - EU; FED đẩy nhanh tiến trình tăng lãi suất;ECB sẽ dừng chương trình QE vào quý IV/2018).

Ngoài ra, trước xu hướng tăng nhanh trở lại của lạm phát những tháng gần đây cũng như rủi ro tiếp tục tăng trong 2 quý cuối năm là khá lớn. Theo đó, nhiều khả năng chính sách tiền tệ sẽ được điều hành theo hướng thận trọng hơn.

Giới chuyên gia dự báo, tăng trưởng M2 có thể sẽ chậm lại trong khi tăng trưởng tín dụng có thể sẽ nhanh hơn trong 6 tháng tới nhưng về cơ bản, mức tăng trưởng của cả M2 và tín dụng cho cả năm 2018 sẽ thấp hơn 1-2% so với năm 2017. Theo đó, lãi suất VNĐ (huy động và cho vay) sẽ khó có điều kiện giảm, nhất là khi kiểm soát lạm phát, đảm bảo giá trị VND, ổn định tỷ giá vẫn đang là trọng tâm điều hành của Chính phủ trong giai đoạn hiện tại. (Xem thêm)

“Đối phó với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cần chính sách tỷ giá mềm dẻo”

Nêu quan điểm tại tọa đàm công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II/2018 diễn ra chiều 11/7, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc thời gian vừa qua yếu đi có 2 kịch bản.

Kịch bản thứ nhất do Trung Quốc cố tình hạ giá đồng Nhân dân tệ thì đồng tiền Trung Quốc yếu đi và phải mua vào USD ở thị trường Trung Quốc, dự trữ phải tăng nhưng bằng chứng dự trữ lại giảm.

Kịch bản thứ 2, nhà đầu tư ở Trung Quốc lo ngại sớm muộn đồng Nhân dân tệ mất giá, suy yếu trong tương lai nên rút vốn, năm ngoái con số này là 800 tỷ USD rút ra và đồng Nhân dân tệ suy yếu. “Từ nỗi lo sợ họ thực hiện rút vốn khỏi Trung Quốc và làm đồng Nhân dân tệ suy giảm thật, Trung Quốc không muốn nhà đầu tư hoảng loạn, họ phải đẩy USD ra ngoài và giảm dự trữ, dự trữ ngoại hối Trung Quốc giảm xuống mặc dù chưa nhiều”, ông Thành nói. (Xem thêm)

Giá liên tục giảm, người nhà Phó Chủ tịch LienVietPostBank “xả” hết cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt – LienVietPostBank (mã LPB) vừa có báo cáo về kết quả giao dịch cổ phiếu của người liên quan với ông Nguyễn Đức Cử - Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng.

Cụ thể, bà Đặng Thị Thái – em dâu ông Nguyễn Đức Cử đã thực hiện bán thành công toàn bộ 757.844 cổ phiếu, tương đương 0,1% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.

Giao dịch được thực hiện trong thời gian từ ngày 20/6 đến 4/7/2018. Sau khi hoàn tất giao dịch bà Thái không còn sở hữu bất kỳ cổ phiếu LPB nào. (Xem thêm)

Hết tháng 6, Ngân hàng Chính sách đạt tăng trưởng tín dụng 5,8%

Tại Hội nghị đánh giá thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 tổ chức mới đây, ông Bùi Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, đến ngày 30/6/2018, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của ngân hàng đạt 189.105 tỷ đồng, tăng 13.723 tỷ đồng (+7,8%) so với năm 2017.

Trong đó, vốn điều lệ đạt 13.893 tỷ đồng, tăng 3.197 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 10.908 tỷ đồng, tăng 1.863 tỷ đồng; huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trên thị trường đạt 22.548 tỷ đồng, tăng 4.054 tỷ đồng.

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến nay đạt 181.768 tỷ đồng, tăng 9.978 tỷ đồng (+5,8%) so với cuối năm 2017, với hơn 6,7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 160.837 tỷ đồng, hoàn thành 67% kế hoạch cả năm. (Xem thêm)

Viện kiểm sát: “Không đủ căn cứ kết luận Phạm Công Danh có hành vi chiếm đoạt tài sản”

Tại quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, hội đồng xét xử sơ thẩm yêu cầu: trong quá trình xét xử, có ý kiến cho rằng hành vi của bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm có dấu hiệu của việc Chiếm đoạt tài sản của ngân hàng; quá trình thẩm vấn và tranh luận công khai tại phiên tòa, xác định dòng tiền với hành vi Cố ý làm trái vay được từ 3 ngân hàng sử dụng cho việc trả cho các khoản nợ vay trước đó đã đến hạn, tăng vốn điều lệ, trả lương nhân viên… cần điều tra làm rõ việc bị cáo Phạm Công Danh có thực hiện việc chiếm đoạt tài sản hay không, thời điểm chiếm đoạt và số tiền chiếm đoạt là bao nhiêu?

Về nội dung này, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có ý kiến như sau: những yêu cầu về việc điều tra làm rõ hành vi Chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Phạm Công Danh như nêu trên đã được VKSND Tối cao yêu cầu điều tra làm rõ trong suốt quá trình điều tra vụ án từ giai đoạn 1 đến nay. Nhưng tài liệu điều tra không đủ căn cứ kết luận bị cáo Phạm Công Danh có hành vi chiếm đoạt tài sản. (Xem thêm)

Ngân hàng lớn tận thu khách hàng bằng nhiều loại phí bất hợp lý

Mới đây, bốn ngân hàng lớn trên thị trường là Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV cùng thông báo tăng phí rút tiền ATM từ 1.100 đồng lên mức 1.650 đồng/giao dịch.

Đây không phải là lần đầu tiên các ngân hàng thông báo tăng phí. Trước đó, vào hồi tháng 5/2018 các ngân hàng cũng đã có thông báo tương tự. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thể thực hiện do Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo tạm dừng việc tăng phí ATM.

Thực tế, cùng với phí rút tiền nội mạng, thời gian qua, các ngân hàng cũng tăng nhiều loại phí dịch vụ khác như phí chuyển khoản liên ngân hàng, phí SMS Banking, Mobile Banking… (Xem thêm)

Hết thời tỷ giá “ngủ yên”

Trên thị trường chính thức, tỷ giá trung tâm USD/VND của NHNN tính đến ngày 7/7 tăng 213 đồng, tương đương 0,95% so với đầu năm nay. Mức tăng này cũng chỉ ở mức tương đối khi mà cùng kỳ năm 2017, tỷ giá đã tăng 1,3% so với đầu năm. Có thể thấy chính sách điều hành tỷ giá của NHNN tiếp tục duy trì khá ổn định và theo lộ trình đi lên dần mà không gây ra quá nhiều cú sốc.

Điều đáng nói là tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng và trên thị trường tự do - nơi thể hiện rõ nhất cung cầu ngoại tệ, đã tăng khá mạnh trong thời gian gần đây. Cụ thể, nếu như tỷ giá mua bán của Vietcombank thời điểm này cùng kỳ năm ngoái giảm 0,04% so với đầu năm, thì hiện nay có mức tăng 1,5%. Đặc biệt xu hướng tăng mạnh chỉ mới bắt đầu từ cuối tháng 5 đến nay. (Xem thêm)

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/tai-chinh-24h-thanh-khoan-doi-dao-vi-sao-lai-suat-van-kho-giam-3459211.html