Suy nghĩ về cái chết để sống trọn vẹn đời mình

Khi những người theo chủ nghĩa khắc kỷ chiêm nghiệm về cái chết của họ, đấy không phải vì họ muốn chết mà bởi vì họ muốn sống trọn vẹn cuộc đời mình.

Sau khi nghe cái chết của những nhà khắc kỷ này, nhiều độc giả có thể kết luận rằng bất kỳ ai yêu cuộc sống và muốn được chết một cái chết tự nhiên thì nên tránh xa chủ nghĩa khắc kỷ ra.

Để đáp lại sự quan ngại này, hãy để tôi chỉ ra một vài điều, đầu tiên tỉ lệ những cái chết không tự nhiên trong giới khắc kỷ cao bất thường trong thời kỳ lịch sử đó hoàn toàn không rõ ràng.

Hơn nữa, trong nhiều trường hợp mà những người khắc kỷ chọn cách đẩy nhanh cái chết của họ, họ hoàn toàn có lý do để làm vậy. Cụ thể, Zeno và Cleanthes đã là những người có tuổi nhưng họ không phải chọn cách tự tử để tự giải thoát bản thân: Họ có thể đã mắc bệnh nan y và có thể đã dùng nhiều cách để cái chết nhanh đến với mình. (Đây là điều Marcus đã làm).

Mặc dù đúng là Cato đã tự sát trong thời kỳ đỉnh cao của mình, ông làm vậy không phải vì chán ghét cuộc sống mà bởi vì ông nhận ra việc mình còn sống sẽ có lợi về mặt chính trị cho Julius Caesar, kẻ độc tài mà ông đang muốn lật đổ.

Điều chúng ta không nhận ra khi tìm hiểu về cuộc đời của các nhà khắc kỷ chính là những cá nhân chọn cách tự sát bằng một quyết định đột ngột thay vì sự chán ghét cuộc sống, giống với cách mà người theo chủ nghĩa hư vô hay làm.

Hơn nữa, khi những người khắc kỷ suy nghiệm về cái chết của họ, đấy không phải vì họ muốn chết mà bởi vì họ muốn sống trọn vẹn cuộc đời mình.

Như ta đã thấy, khi một người nghĩ anh ta sẽ sống mãi mãi, y sẽ dễ dàng lãng phí thời gian của mình hơn một người thấu hiểu rằng thời gian của mình là có hạn, và một cách để đạt được sự hiểu biết này chính là suy nghiệm về cái chết của bản thân.

Tranh Cái chết của Socrates của họa sĩ Jacques-Louis David.

Tương tự như vậy, khi nhà khắc kỷ sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của mình, ấy chẳng phải vì họ muốn làm những việc nhằm biến nó thành ngày cuối cùng của mình; thay vì vậy, họ muốn sống đúng với giá trị của cả ngày đó - và trong niềm hy vọng với ngày kế tiếp cũng thế.

Và khi nhà khắc kỷ dạy ta không được sợ hãi trước cái chết, họ chỉ đang khuyên răn chúng ta làm thế nào để tránh những cảm xúc tiêu cực. Ai rồi cũng sẽ chết, tốt nhất là đừng để sự ra đi của chúng ta bị phá hoại bởi nỗi sợ.

Một điều quan trọng khác cần nhớ đó là những nhà khắc kỷ cho rằng việc tự sát chỉ có thể được chấp nhận trong một số trường hợp. Musonius nói với chúng ta rằng việc chọn cái chết là sai lầm khi cuộc sống của chúng ta “mang lại lợi ích cho nhiều người”. Nhiều nhà khắc kỷ có cống hiến rất to lớn cho cộng đồng nên ít khi nào họ bị rơi vào trường hợp được phép chọn cái chết.

Cùng với những câu này, chúng ta hãy xem xét lại lời nhận định của Musonius rằng những người già biết rằng cái chết đang cận kề thì nên chọn cách tự sát. Đây chính là trường hợp đúng với điều kiện nêu trên: Suy cho cùng thì ít khi nào người ta sẽ trao hạnh phúc của mình cho những người đang ốm yếu hoặc già cỗi. Hơn nữa, trong những trường hợp này, câu hỏi không phải là liệu những người này sắp phải quy tiên hay không; câu hỏi đó là liệu cái chết đó là một cái chết êm đẹp bởi chính tay anh ta hay một cái chết vô nghĩa và đau đớn bởi quá trình hoại diệt tự nhiên. T

Trước khi khuyên răn chúng ta sống một cuộc đời tốt đẹp, Musonius khuyên chúng ta chấm dứt cuộc sống tốt đẹp đó bằng một cái chết tốt đẹp ngay khi còn có thể.

Cho phép tôi đưa ra một lời nhận xét cuối cùng về quan điểm của những nhà khắc kỷ đối với cái chết. Chúng ta đã thấy những người khắc kỷ dũng mãnh đứng lên chống lại cường quyền và rồi phải gặp những rắc rối.

Tại sao họ lại phải đứng lên? Vì một điều đó là, những nhà khắc kỷ tin rằng họ phải có trách nhiệm với cộng đồng. Hơn nữa, bởi vì họ không ngán cái chết hay sự đày ải, viễn cảnh chịu sự trừng phạt vì hành động này - thứ khiến con người ta chùn bước - không thể ngăn trở họ.

Đối với con người thời hiện đại, hành động này thật khó hiểu. Họ cảm thấy thế bởi lẽ đối với họ, chẳng có gì đáng để đánh đổi mạng sống cả.

Trên thực tế, họ không dành năng lượng của mình để thực hiện nghĩa vụ đối với cộng đồng bất chấp hậu quả có thể xảy ra và cũng không đứng lên vì lương tâm để rồi chuốc lấy rắc rối, họ dùng năng lượng để làm tất cả những thứ đảm bảo cho sự hưởng thụ trần tục của họ được tiếp tục.

Tôi tin rằng các nhà khắc kỷ sẽ đáp lại lối suy nghĩ này bằng cách chất vấn liệu một cuộc sống mà không có điều gì đáng để ta xả thân thì có còn là một cuộc đời đáng sống hay không.

William B. Irvine / Thái Hà Books và NXB

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/suy-nghi-ve-cai-chet-de-song-tron-ven-doi-minh-post1175284.html