Sức sống mới trên chiến trường xưa

Soi mình hiền hòa bên bờ Nam giới tuyến, Gio Linh là mảnh đất chưa đầy 500 km2 nhưng mỗi tấc đất, mỗi người dân đã phải oằn mình hứng chịu gần 10 tấn bom đạn của kẻ thù trong những năm tháng kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Gần 50 năm sau ngày quê hương giải phóng, bằng nội lực, ý chí và quyết tâm của đất và người Gio Linh, giờ đây những vùng đất từng là 'vành đai trắng' đã phủ lên màu xanh của những vườn cao su, nương tiêu, những ruộng đồng thẳng cánh cò bay đã hiện hữu, những khu công nghiệp đã hình thành… mang lại cho người dân Gio Linh cuộc sống ấm no.

 Những đồng ruộng thẳng cánh cò bay của vùng đất Trung Hải, Gio Linh nhìn từ cầu Hiền Lương - Ảnh: T.T

Những đồng ruộng thẳng cánh cò bay của vùng đất Trung Hải, Gio Linh nhìn từ cầu Hiền Lương - Ảnh: T.T

“Biến đồng hoang thành ruộng lúa, đồi đỏ thành nương tiêu...”

Hoang tàn, đổ nát, vành đai trắng… đó là những từ thường dùng để miêu tả khi Gio Linh bước ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc. Bức tranh Gio Linh sau ngày giải phóng đã được nhà thơ Tố Hữu khái quát trong bài thơ Nước non ngàn dặm: “Anh về Quảng Trị… Gio Linh/ Trèo lên Dốc Miếu, lặng nhìn Quán Ngang /Bời bời cỏ lút đồng hoang / Chim kêu cành cụt, chang chang nắng cồn /Tả tơi mấy ấp khu dồn /Mái tôn, rào kẽm, tháp đồn chơ vơ”…

Ngày 2/4/1972, quê hương Gio Linh sạch bóng quân thù. Sau bao nhiêu năm sơ tán bởi chiến tranh, người dân Gio Linh từ các trại tập trung, từ khắp nơi trở về với gia tài chỉ gói trọn trong một đôi triêng gióng. Trong lúc quân và dân huyện nhà đang sống những ngày sôi động, phấn chấn trong không khí chiến thắng, Huyện ủy Gio Linh đã nhanh chóng đưa ra chủ trương đẩy mạnh rà phá bom mìn, san lấp hố bom, hố pháo, khai hoang phục hóa đất đai và thành lập hợp tác xã, tập đoàn sản xuất…

Để chuẩn bị cho vụ đông xuân 1973 - 1974, UBND Cách mạng tỉnh Quảng Trị phát động chiến dịch khai hoang phục hóa ở cánh đồng bắc Dốc Miếu. Đích thân Chủ tịch UBND Cách mạng tỉnh Lê San trực tiếp chỉ đạo và cắt nhát cỏ đầu tiên mở màn cho chiến dịch vào ngày 2/9/1973. Ông Nguyễn Thanh Tâm, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh nay vẫn nhớ rất rõ sự kiện này. Lúc bấy giờ, ông Tâm là Phó Chủ tịch UBND xã Gio Lễ (nay là thị trấn Gio Linh, xã Gio Châu và một phần của xã Phong Bình), nhận nhiệm vụ chỉ huy 900 người dân trong xã tham gia chiến dịch. “Hưởng ứng chiến dịch khai hoang phục hóa cánh đồng bắc Dốc Miếu, mỗi xã cử vài trăm người tham gia, trong đó xã Gio Lễ huy động đông quân số nhất. Cứ hình dung như thế này, phía bắc Dốc Miếu sau chiến tranh là ngút ngàn cỏ dại, lau lách mọc lút đầu người. Không có phương tiện cơ giới, chúng tôi phải dùng liềm cắt cỏ, sau đó cuốc sạch rễ cây, khai hoang từng mét đất. Gian khổ, khó khăn không kể hết, hằng ngày thường xuyên có người bị dẫm phải thép gai hay mảnh bom sót lại, tay, chân tứa máu vì rễ cây. Để có chỗ ở tạm, chúng tôi phải cắt tranh làm lán trại, ròng rã lao động hơn hai tháng trời, lấy sức người để chinh phục thiên nhiên, kết quả là hàng chục héc ta cánh đồng bắc Dốc Miếu được khai hoang để phục vụ sản xuất”, ông Tâm nhớ lại.

Máu đã đổ trong chiến tranh, và khi hòa bình, mồ hôi và cả máu lại tiếp tục đổ xuống trên mảnh đất này trong công cuộc khai hoang phục hóa bởi bom đạn còn sót lại. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V, các phong trào thi đua lao động, sản xuất với khẩu hiệu “Biến đồng hoang thành ruộng lúa, đồi đỏ thành nương tiêu, biển khơi nhiều cá muối” được Nhân dân đồng lòng hưởng ứng tích cực. Để mở rộng diện tích cũng như tạo thuận lợi cho sản xuất, tháng 1/1976, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ra nghị quyết về kiến thiết đồng ruộng và quy tập mồ mả. Phong trào được phát động mạnh mẽ ở xã Trung Hải, xã được chọn làm điểm của huyện. Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Sỹ Thản đã bổ nhát cuốc đầu tiên mở màn chiến dịch.

Thật may mắn, khi về xã Trung Hải để tìm hiểu câu chuyện này, chúng tôi gặp được ông Trần Lương Giới, nay đã 87 tuổi, nguyên là Chủ nhiệm Hợp tác xã Trung Hải, là đơn vị chủ lực trong công cuộc khai hoang phục hóa, quy tập mồ mả để quy hoạch diện tích sản xuất lúa. “Cái khó nhất lúc bấy giờ là vận động Nhân dân chấp hành chủ trương của huyện về quy tập mồ mả, bởi động đến mồ mả là vấn đề tâm linh, không dễ một sớm một chiều mà người dân đồng tình. Ban ngày người dân bận lao động sản xuất, do đó chúng tôi phải tổ chức họp dân vào ban đêm. Hơn một tháng trời, ban vận động của xã tổ chức họp dân, họp các trưởng dòng họ để tuyên truyền, thuyết phục, vận động người dân đồng ý di dời phần mộ của người thân quy tập về nơi mới. Nhờ kiên trì làm tốt công tác dân vận, người dân đã nhất trí thực hiện di dời khoảng 1.000 ngôi mộ, quy tập về nghĩa địa chung rộng gần 2.000 ha. Hợp tác xã Trung Hải thành lập một tổ đi bốc mộ hỗ trợ cất bốc những ngôi mộ không tìm thấy chủ”, ông Giới kể lại.

Chỉ trong một tháng, trên địa bàn toàn huyện, mà điển hình là các xã Trung Hải, Trung Sơn, Gio Mỹ, Gio Hà (nay là các xã Gio Quang, Gio Mai) đã huy động hàng vạn ngày công san lấp hố bom, hố pháo, di dời, quy tập hàng ngàn ngôi mộ, cải tạo, kiến thiết, mở rộng hàng trăm héc ta đồng ruộng. Trong đó, Trung Hải là xã có cánh đồng lúa lớn nhất huyện. Trong năm 1977, toàn huyện đã khai hoang được 4.000 ha, trong đó có 300 ha ruộng để đưa vào sản xuất.

Cùng với đó, các công trình thủy lợi lớn, quan trọng như Hà Thượng, Kinh Môn, Trúc Kinh được đầu tư xây dựng đã giải quyết việc tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, là “đòn bẫy” để chuyển sản xuất lúa từ một vụ thành hai vụ/năm, tăng năng suất mỗi vụ. Đồng thời, các công trình thủy lợi còn có vai trò điều hòa khí hậu vùng đất gió Lào cát trắng vốn khắc nghiệt bao đời.

Vững bước trên hành trình phát triển

Có một đặc điểm khiến Gio Linh khác biệt hơn những địa phương khác, mảnh đất này, nếu như trong chiến tranh là nơi thí nghiệm mọi chiến lược chiến tranh và vũ khí giết người hiện đại của kẻ thù, thì sau hòa bình, Gio Linh cũng được chọn là nơi thí điểm trồng các loại cây chủ lực như cao su, dứa, hồ tiêu… để từ đây nhân rộng ra thành mô hình kinh tế. Sau ngày hòa bình, trong phần lớn đất đai được phục hóa, Gio Linh quy hoạch thành ba vùng kinh tế, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong đó, kinh tế vùng gò đồi - miền núi phát triển các loại cây công nghiệp như cao su, hồ tiêu…, các mô hình trang trại tổng hợp được đẩy mạnh, hình thành các khu sản xuất tập trung.

Khi về thăm Trung Hải, ấn tượng với chúng tôi là những cánh đồng liền vùng, liền thửa, nơi mà trong ký ức những bậc cao niên ở làng, xưa kia chi chít mồ mả. Bí thư Đảng ủy xã Trung Hải Lê Văn Sơn chia sẻ: “Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp toàn diện. Năm 2020, tổng diện tích gieo trồng hơn 1.543 ha, trong đó diện tích trồng lúa hơn 1.447 ha. Phương thức canh tác từng bước được đổi mới. Toàn xã có 8 máy gặt đập liên hoàn, 8 máy cày, hơn 200 máy làm đất các loại, tỉ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, thu hoạch đạt gần 100%. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được đầu tư, từng bước hoàn thiện. Giá trị ngành nông nghiệp chiếm khoảng 66,3% trong tổng giá trị sản xuất hằng năm”.

Cũng là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán canh tác theo hướng tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đưa cơ giới vào sản xuất, đến nay toàn xã Gio Quang có 220 máy cày các loại, 20 máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất. Xã đã thành lập được đội máy gặt đập liên hợp làm dịch vụ ở trong và ngoài tỉnh, thu nhập bình quân 400 - 450 triệu đồng/máy/năm. Chủ tịch UBND xã Gio Quang Lê Văn Thông cho biết: “Nhờ tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên sản lượng lúa tăng lên, năm 2020 đạt 5.046 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 1.500kg/năm. Xã cũng đã thực hiện sản xuất thí điểm 40 ha lúa hữu cơ và lúa đạt tiêu chuẩn nguyên liệu cung cấp cho Công ty Bia Hà Nội, hoàn thành việc đăng ký, xây dựng thương hiệu gạo HC95- Gio Quang được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp tăng bình quân hằng năm 8,62%”.

Sau thực hiện sáp nhập, xã Phong Bình (trước đây là hai xã Gio Phong và Gio Bình) khắc phục những khó khăn để tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đề án zebu hóa đàn bò, chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế điển hình tạo ra giá trị hàng hóa. Chăn nuôi phát triển mạnh theo hướng chăn nuôi trang trại và gia trại,công tác phòng, chống dịch bệnh được chú trọng nên đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt mang lại hiệu quả cao. Cây công nghiệp dài ngày như cao su, hồ tiêu là một trong những thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của xã Phong Bình. Diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn xã hiện có khoảng 98,5 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 74 ha, năng suất bình quân là 12 tạ/ ha; cây cao su 353 ha, năng suất bình quân là 14,5 tạ/ha. Trong định hướng phát triển kinh tế của xã Phong Bình thời gian tới, Bí thư Đảng ủy xã Trần Đình Đức cho biết: “Xã sẽ ưu tiên thu hút các nguồn lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theohướng liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại. Đầu tư xây dựng mô hình sản xuất các loại cây ăn quả, rau thực phẩm sạch như dưa hấu, ổi lê Đài Loan, cam Vinh theo quy trình VietGAP. Có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, phấn đấu đưa tỉ trọng thu nhập trong các trang trại, gia trại chiếm từ 40 - 45% giá trị sản xuất nông nghiệp”.

Với đặc thù là một huyện nông nghiệp có ba vùng kinh tế: Gò đồi - miền núi; đồng bằng; miền biển - vùng cát, sau gần 50 năm tái thiết, xây dựng quê hương, huyện Gio Linh đã thực hiện quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển cụ thể, sát đúng với từng vùng kinh tế. Đi qua những vùng đất hoang tàn, xác xơ của Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang … năm xưa, giờ đây đã là những miền xanh trù phú. Trên những hố pháo, hố bom ngày ấy, lúa đã nặng trĩu hạt, quả ngọt đã trĩu cành. Trên tuyến hàng rào điện tử và đồn bốt của địch giờ là bạt ngàn cao su, hồ tiêu tỏa bóng. Trên những trại tập trung năm xưa, những nhà máy, xí nghiệp đã mọc lên… Gio Linh, mảnh đất trung dũng, kiên cường đi đầu trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm ở phía Nam đôi bờ Hiền Lương năm xưa đang vững bước trên hành trình đi tới thịnh vượng, ấm no…

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=157217&title=suc-song-moi-tren-chien-truong-xua