Sức mạnh từ sự đồng lòng, thông suốt - Bài 1: Thống nhất nhận thức, kiên trì hành động

LTS: Kết quả bước đầu sau hơn 2 tháng tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII 'Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả' đã khẳng định: chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy đã và đang tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, trong cả hệ thống chính trị, nhận được sự ủng hộ, đồng thuận rất cao của nhân dân cả nước.

Báo SGGP khởi đăng loạt bài “Sức mạnh từ sự đồng lòng, thông suốt”, với những góc nhìn đa chiều, góp thêm giải pháp để “cuộc cách mạng” đạt mục tiêu bộ máy ít người nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt chất lượng, là tiền đề đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh và thịnh vượng.

Cuối tháng 12-2024, Bộ Chính trị, Ban Bí thư công bố Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương.

Thời điểm đó, việc 13 cơ quan này hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy được đảng viên, nhân dân đánh giá rất cao bởi không chỉ thể hiện tinh thần khẩn trương, nghiêm túc mà còn thể hiện sự gương mẫu, quyết liệt để các bộ, ngành, địa phương học tập, làm theo.

Khó mấy cũng phải làm

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là cơ quan đi đầu tổ chức Hội nghị công bố các quyết định về công tác tổ chức bộ máy, cán bộ. Theo quyết định của Bộ Chính trị, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam giảm 8 đầu mối cấp vụ (từ 16 đầu mối xuống còn 8 đầu mối).

 Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, sáng 19-11-2024. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, sáng 19-11-2024. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ khi triển khai nhiệm vụ quan trọng này: Lúc đầu cũng còn một số băn khoăn, thế nhưng sau khi được phân tích, động viên, giải thích thì đến thời điểm này, mọi người đều rất ủng hộ và thấy rằng, sự sắp xếp là vô cùng cần thiết cho sự phát triển chung của đất nước, cho chính tổ chức của mình.

Cùng chung nhận thức “sự sắp xếp tổ chức bộ máy là vô cùng cần thiết, khó mấy cũng phải làm”, các cơ quan trung ương đã khẩn trương, quyết liệt vào cuộc tinh gọn bộ máy. Kết quả, bước đầu ở Trung ương đã giảm hàng trăm đầu mối cấp vụ của cơ quan ban Đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng, cơ quan Trung ương MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội…

Theo dõi sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Nghị quyết số 18), đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, cho rằng, trong một cuộc cải cách lớn như việc tinh gọn bộ máy, sự lãnh đạo gương mẫu từ cấp cao sẽ tạo ra sức mạnh lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ trong Đảng mà còn trong toàn bộ hệ thống chính trị - xã hội. Ý chí đã thống nhất, cán bộ đã đồng thuận, giờ cần một quyết tâm đi đến cùng vấn đề vừa khó khăn, vừa nhạy cảm này để “cuộc cách mạng” cải cách bộ máy, tinh giản biên chế đạt được thành công như mong muốn là tinh, gọn, mạnh - hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ, Thượng tá Nguyễn Quỳnh Anh (Trường Đại học An ninh nhân dân) nêu ý kiến, để “cuộc cách mạng” này đạt được như kỳ vọng thì yêu cầu đầu tiên và trước hết là phải tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động từ trong Đảng và hệ thống chính trị các cấp cũng như sự đồng thuận, ủng hộ từ nhân dân. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đã được triển khai thực hiện từ lâu, trọng tâm là giai đoạn 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, kết quả đạt được theo yêu cầu đề ra vẫn còn khiêm tốn, thực tế còn tồn tại nhiều điểm nghẽn, bất cập cần khẩn trương tháo gỡ.

Đảng ta đã chỉ rõ, cho đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ… Việc triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy được làm trước hết từ Trung ương đã thể hiện rõ tính nêu gương, tiền phong gương mẫu từ trên xuống. Sự thống nhất nhận thức và hành động, trước hết, trên hết từ trong Đảng là nhân tố nòng cốt, trung tâm để tạo sự thống nhất trong cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Điểm tựa vững chắc

Trong vài tháng nay, ở rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, hội nghị khắp cả nước cũng như ý kiến gửi đến Báo SGGP của cán bộ, đảng viên, người dân đều cho thấy sự đồng tình, ủng hộ cao với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị. Theo nhiều đảng viên, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi bức thiết của tình hình thực tiễn.

Những thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về tinh gọn bộ máy truyền niềm tin và cảm hứng mới cho toàn Đảng, cả hệ thống chính trị; nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao từ các tầng lớp nhân dân, với kỳ vọng khi hoàn thành, “cuộc cách mạng” này sẽ xây dựng bộ máy hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

 Các đại biểu dự hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, sáng 1-12-2024. Ảnh: QUANG PHÚC

Các đại biểu dự hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, sáng 1-12-2024. Ảnh: QUANG PHÚC

Nhiều người dân gửi gắm tình cảm, bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước trong thời gian gần đây, đặc biệt là việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy được Tổng Bí thư Tô Lâm gọi là “cuộc cách mạng”. Bà Nguyễn Thị Nga (cử tri huyện Hóc Môn, TPHCM) bày tỏ đồng tình với Tổng Bí thư Tô Lâm khi phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18: Muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải “uống thuốc đắng”, phải chịu đau để “phẫu thuật khối u”, “không để cơ quan nhà nước là vùng trú ẩn an toàn cho cán bộ yếu kém”… Bà Nga kỳ vọng “cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy sẽ được thực hiện hiệu quả, giải quyết được tình trạng chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan để tránh lãng phí.

Còn theo cử tri Nguyễn Viết Chức (quận Ba Đình, TP Hà Nội), điều cử tri và nhân dân vui mừng nhất là sau những thông điệp rất hợp lòng dân của Tổng Bí thư, cả hệ thống chính trị đều chuyển động, bắt tay vào triển khai thực hiện với tinh thần “nói là làm”, không phải nói xong để đấy.

Nhiều người dân khác cũng bày tỏ mong muốn việc tinh gọn bộ máy chính trị phải bắt đầu từ những việc rất cụ thể, rất chi tiết và rất thực tế. Đã gọi là “cuộc cách mạng” thì công việc ấy phải được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, đến từng chi bộ, đảng viên thực hiện.

GS-TS PHÙNG HỮU PHÚ, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương:

Quyết liệt nhưng vững chắc

Việc tinh gọn bộ máy phải làm quyết liệt nhưng vững chắc, đi vào từng vấn đề thiết thực, cụ thể để có được một hệ thống tổ chức bộ máy của Đảng, của hệ thống chính trị tinh gọn, thống nhất, hợp lý, đồng bộ, thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc kết nối - tương tác - chia sẻ, có khả năng thích ứng cao với thời cuộc luôn thay đổi.

Tinh gọn bộ máy để có được một đội ngũ cán bộ, đảng viên liêm khiết, mẫu mực, tiêu biểu hết lòng vì Đảng, vì dân. Do đó, đây thực sự là một “cuộc cách mạng” về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/suc-manh-tu-su-dong-long-thong-suot-bai-1-thong-nhat-nhan-thuc-kien-tri-hanh-dong-post781188.html