'Sức mạnh mềm' mang lại sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp

Nhiều quốc gia đã tạo dựng thành công văn hóa kinh doanh trở thành 'sức mạnh mềm', giúp doanh nghiệp của các quốc gia này chiếm được lợi thế trên thị trường kinh doanh quốc tế.

Toàn cảnh sự kiện. Ảnh do VCCI cung cấp

Toàn cảnh sự kiện. Ảnh do VCCI cung cấp

Ngày 25/7 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức diễn đàn "Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc". Diễn đàn có chủ đề "Xây dựng văn hóa báo chí, truyền thông và văn hóa kinh doanh vì Việt Nam văn minh, thịnh vượng".

Diễn đàn thảo luận về tăng cường hợp tác báo chí và doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền của báo chí về kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân, đảm bảo tính chuyên nghiệp, khách quan, trung thực, công bằng, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội; hạn chế các hiện tượng tiêu cực và thông tin sai lệch ảnh hưởng đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh.

PGS.TS Đỗ Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam nhận định, thực tế chứng minh, nhiều quốc gia trên thế giới trong quá trình phát triển đã tạo dựng thành công văn hóa kinh doanh trở thành “sức mạnh mềm”, mang lại sự phát triển bền vững, góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp của các quốc gia này chiếm được lợi thế trên thị trường kinh doanh quốc tế.

Văn hóa kinh doanh đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xây dựng lòng tin với đối tác và khách hàng, nhờ đó giảm chi phí kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản trị và tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.

Văn hóa kinh doanh không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn giúp các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc điều chỉnh các hành vi của các chủ thể tham gia kinh doanh tại những chỗ còn khoảng trống về pháp luật.

Văn hóa kinh doanh cũng giúp người dân hình thành nên văn hóa tiêu dùng lành mạnh và tham gia có trách nhiệm vào các quan hệ kinh tế với doanh nghiệp và nhà nước.

TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, đại đa số doanh nhân, doanh nghiệp nước ta làm ăn chân chính, bản lĩnh, sáng tạo đang nỗ lực vươn mình vượt qua khó khăn, thách thức để đổi mới, phát triển, nâng tầm góp phần hiện thực hóa khát vọng vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những yếu kém, hạn chế trong đội ngũ doanh nhân, với những vụ việc vi phạm đạo đức, văn hóa truyền thống và cả quy định pháp luật.

Thực tế trên đặt ra vấn đề cần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam có đạo đức kinh doanh, văn minh kinh doanh và văn hóa doanh nhân, như vậy mới góp phần đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao, như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra, ông Huân nhấn mạnh

Trong khuôn khổ diễn đàn diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa bốn cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và VCCI.

Cũng tại diễn đàn, Chương trình bình chọn tác phẩm báo chí viết về doanh nhân, doanh nghiệp và môi trường kinh doanh 2023 đã được chính thức phát động. Chương trình nhằm khích lệ , động viên những người làm báo đồng hành, chia sẻ trong xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp và kinh tế đất nước./.

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/suc-manh-mem-mang-lai-su-phat-trien-ben-vung-cho-doanh-nghiep/300639.html