Sự thất vọng của xe tăng Mỹ và phương Tây ở Cận Đông

Trái với những lời quảng cáo hoa mỹ về các dòng xe tăng chiến đấu có tính năng, hỏa lực hàng đầu thế giới, các dòng xe tăng M1A1 Abrams (Mỹ), Leopard-2A4 (Đức) trong biên chế các quốc gia Cận Đông đã không chứng minh được khả năng của mình và đang đứng trước nguy cơ bị thay thế.

Tại Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Yemen, thực thế chiến trường đã chứng minh xe tăng Abrams, Leopard-2 đã lạc hậu và dễ tổn thương trước các loại vũ khí chống tăng, đặc biệt là vũ khí chống tăng vác vai. Tư duy thiết kế, trang bị xe tăng phục vụ tác chiến tổng lực của Abrams, Leopard-2 đã lạc hậu với xu hướng chiến tranh đô thị, bất đối xứng hiện đại.

“Chảo lửa” Iraq

Mỹ tổng cộng đã cung cấp khoảng 140 xe tăng Abrams cho Quân đội Iraq. Trong cuộc chiến chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, xe tăng Abrams đã có đã thể hiện khả năng chiến đấu yếu kém, dễ tổn thương và phức tạp đối với các kíp lái Iraq.

Xe tăng Abrams trong biên chế Quân đội Iraq.

Dù được giới chuyên gia phương Tây xoa dịu rằng, khác với phương thức tác chiến của Quân đội Mỹ với sự ưu thế hoàn toàn trên không, trên bộ, lực lượng xe tăng Iraq phải “đơn độc” chiến đấu và dễ rơi vào các ổ phục kích của phiến quân, nhưng không thể che dấu được sự thực là xe tăng Mỹ không phù hợp với chiến tranh bất đối xứng, đặc biệt là khi phiến quân sở hữu trong tay các loại vũ khí chống tăng hiện đại và uy lực.

Hình ảnh xe tăng Abrams của Iraq trị giá hàng triệu USD bị vũ khí chống tăng bắn cháy thực sự trái ngược với những lời quảng cáo hoa mỹ nhà thầu quân sự Mỹ công bố về dòng xe tăng mạnh mẽ và uy lực.

Khi uy danh xe tăng Đức bị hạ bệ tại Thổ Nhĩ Kỳ

Tương tự như Abrams, uy danh của xe tăng Đức Leopard-2 có được phần lớn từ truyền thống chế tạo xe tăng của Đức, cũng như lời quảng bá của truyền thông, nhưng khi đụng chiến trận thì mọi sự mới được chứng minh là hoàn toàn trái ngược.

Xe tăng Leopard-2A4 của Thổ Nhĩ Kỳ bị hạ bởi vũ khí chống tăng vác vai.

Thực tế chiến trường tại Syria đã chứng minh xe tăng Leopard-2A4 rất dễ tổn thương trước các dòng vũ khí chống tăng vác vai, trong đó có tên lửa chống tăng (ATGM). Thậm chí, Leopard-2A4 còn bị hạ bởi những dòng vũ khí chống tăng cũ đã có tuổi đời hàng thập kỷ.

Trước những mà thể hiện thảm bại tại Syria, Tạp chí Đức Die Welt đã phải thừa nhận: Huyền thoại về xe tăng Đức đã bị hủy diệt”. Kèm theo đó, trong bài viết đã đăng những hình ảnh xe tăng Leopard-2A4 bị nổ khoang chứa đạn, tháp pháo bị thổi bay.

Nhận ra được yếu điểm của Leopard-2A4, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang phải tìm cách nâng cao khả năng sống sót của chúng thông qua gói nâng cấp từ Đức. Tuy nhiên, mọi chuyện không dễ dàng khi Berlin từ chối hỗ trợ Ankara.

Đánh giá về kết quả chiến đấu yếu kém của Leopard-2A4, chuyên gia quân sự Nga, Victor Murakhovsky nhận xét: “Leopard-2A4 chỉ có tính năng tương đương với dòng xe tăng của thập kỷ 1980”. Điều này giải thích tại sao chúng lại dễ dàng bị đánh bại bởi các loại vũ khí chống tăng hiện đại.

Đứng trước nguy cơ bị “thất sủng”

Cả Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ ngoài việc nâng cấp tăng khả năng sống sót của xe tăng Abrams và Leopard-2A4, cũng tính tới khả năng tìm kiếm dòng xe tăng thay thế.

Đối với Iraq, T-90 là sản phẩm được chọn. Iraq đã tiếp nhận 36 chiếc T-90SI đầu tiên, trong hợp đồng đặt mua 73 xe tăng loại này. Khả năng chiến đấu của xe tăng T-90 tại Syria đã thuyết phục giới chức quân sự quốc gia Cận Đông này. Dự kiến, Baghdad sẽ còn tiếp tục tăng số lượng T-90 đặt mua. Ngoài ra, Quân đội Iraq cũng tăng cường khôi phục các đơn vị xe tăng T-54/55 cũ đang được niêm cất và tìm kiếm phương án tăng cường thêm các dòng xe tăng giá rẻ, đã qua sử dụng T-72.

Những đơn vị T-90SI đầu tiên đã tới Iraq.

Với truyền thống sử dụng vũ khí Liên Xô và Nga nhiều thập kỷ qua, đây có thể coi là phương án hợp lý về công nghệ và tài chính.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài xe tăng Leopard-2, nước này khó có thể chọn ngay được dòng xe tăng thay thế vì là thành viên thuộc NATO. Tuy nhiên, Ankara sẽ đẩy mạnh việc đưa vào trang bị dòng xe tăng nội địa Altay phát triển trên cơ sở xe tăng K-2 Black Panther của Hàn Quốc. Trong tương lai gần, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến đặt mua tới 1.000 xe tăng Altay.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng có phương án thay thế của riêng mình bằng xe tăng nội địa Altay hiện đại hơn so với Leopard-2A4.

Dù phải mất vài năm nữa các đơn vị xe tăng Altay đầu tiên mới được bàn giao, nhưng rõ ràng Ankara đang đi đúng hướng trong việc giảm phụ thuộc vào xe tăng Leopard-2, cũng như tự chủ công nghệ và dây chuyền bảo trì, nâng cấp xe tăng có trong biên chế.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/su-that-vong-cua-xe-tang-my-va-phuong-tay-o-can-dong-533233