Sử dụng nước tiết kiệm, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu

Sử dụng nước là nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Thế nhưng, cứ vào mùa nắng nóng thì nhu cầu tất yếu ấy của người dân Phú Yên lại bị uy hiếp bởi tình trạng khô hạn diễn ra kéo dài. Vấn đề đặt ra là tại sao Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nhưng vẫn thiếu nước?

Có năm, thiếu nước đến nỗi tre là cây chịu được khô hạn cũng chết khô từng bụi; người dân chắt chiu từng giọt nước để vượt qua cơn khốn khó.

Theo Sở TN&MT, Phú Yên có lượng mưa trung bình hằng năm hơn 2.000mm. Trên địa bàn tỉnh có nhiều sông, nhánh sông với lưu lượng nước 429m3/giây. Tỉnh cũng có trữ lượng nước ngầm lớn, cho phép khai thác khoảng 936.000m3/ngày và nước mặt có thể bảo đảm nước bình quân cho một người dân khoảng 13.000m3/người/năm. Với mức nước bảo đảm nói trên thì Phú Yên thuộc loại cao so với trung bình của cả nước. Thế nhưng Phú Yên vẫn thiếu nước vào mùa khô!

Theo các chuyên gia, ngoài tác động của biến đổi khí hậu, mùa khô kéo dài, mùa mưa đến trễ, lượng mưa suy giảm, cộng với nhu cầu sử dụng nước trong quá trình phát triển KT-XH ngày càng cao, khiến Phú Yên không tránh khỏi tình trạng thiếu nước, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên cho thấy, mùa khô năm 2024, nhiệt độ trung bình của tỉnh có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 0,5-1,50C; lượng mưa các nơi trong tỉnh ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 15-25%; dòng chảy các sông, suối trên địa bàn tỉnh có xu thế giảm dần, có nguy cơ xảy ra hạn hán cục bộ, xâm nhập mặn.

Nhận thức rõ về giá trị của nguồn nước đối với cuộc sống của con người, là một trong những ưu tiên hàng đầu vì mục tiêu phát triển bền vững, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, cung cấp thông tin, kịp thời cảnh báo cho các địa phương, đơn vị liên quan để triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi, thủy điện triển khai các giải pháp bảo đảm nguồn nước, thực hiện công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai các giải pháp cấp nước sinh hoạt tới từng hộ, thôn, buôn, xã ở các vùng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt; tăng cường sử dụng trang thiết bị phục vụ cấp và trữ nước cho các hộ gia đình ở những khu vực bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích, trữ nước, đồng thời sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, chống thất thoát, lãng phí nước.

Ngày Nước thế giới (22/3) năm nay được LHQ phát động với chủ đề “Leveraging water for peace” - “Nước cho hòa bình”, tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới. Theo báo cáo của Ủy ban về Nước của LHQ (UN-Water), hiện có hơn 3 tỉ người trên toàn thế giới phụ thuộc vào nguồn nước xuyên biên giới. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và dân số toàn cầu tăng lên như hiện nay phải đoàn kết để bảo vệ và bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này; hướng mọi người tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước.

Còn Ngày Khí tượng thế giới (23/3) năm nay được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phát động với chủ đề “At the frontline of climate action” - “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”, có thể thấy những nỗ lực dự báo, cảnh báo sớm và chủ động hành động vì khí hậu là vấn đề toàn cầu nhằm tăng cường khả năng phục hồi và ứng phó rủi ro thiên tai, đẩy mạnh giảm phát thải khí nhà kính, góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Nước không phải là tài nguyên vô tận. Với những thách thức về biến đổi khí hậu cũng như nhu cầu sử dụng nước, quá trình phát triển KT-XH, tình trạng thiếu nước, khô hạn đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, đang đặt ra bài toán về quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước một cách hiệu quả. Việc bảo vệ, quản lý, khai thác nguồn nước không chỉ trách nhiệm của cơ quan chức năng, mà bản thân mỗi người dân, doanh nghiệp cũng cần chung tay bằng hành động cụ thể.

NGUYỄN QUANG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/314515/su-dung-nuoc-tiet-kiem-chu-dong-ung-pho-bien-doi-khi-hau.html