Sớm ngăn chặn tình trạng phá rừng sau quy hoạch
ĐBP - 2 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ phá rừng liên quan đến điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng. Năm 2020, các vụ phá rừng có chiều hướng gia tăng và phức tạp hơn.
Lực lượng kiểm lâm Mường Nhé kiểm đếm diện tích rừng bị phá tại xã Mường Toong.
1 xã bị khởi tố 10 vụ phá rừng
6 tháng đầu năm 2020, tổng số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng số vụ phá rừng trái pháp luật phải khởi tố hình sự lại tăng đột biến với 18 vụ (tăng 260%). Trong đó, địa bàn “nóng” nhất vẫn là huyện Mường Nhé.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, huyện Mường Nhé đã phát hiện 46 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, tăng 13 vụ (tăng 39%) so với cùng kỳ năm 2019, gồm: 44 vụ phá rừng và 2 vụ vi phạm khác, tập trung ở các xã: Mường Toong, Huổi Lếch, Quảng Lâm, Nậm Vì, Pá Mỳ... Diện tích rừng thiệt hại do phá rừng là 15,5ha. Ðến nay, toàn huyện đã khởi tố hình sự 12 vụ và xử lý hành chính 34 vụ. Ðặc biệt, trên địa bàn xã Mường Toong xảy ra 33 vụ phá rừng trái pháp luật (chiếm 75% vụ phá rừng toàn huyện) với tổng diện tích 118.199m2 (rừng phòng hộ: 23.631m2; rừng sản xuất: 94.568m2); 10/12 vụ phá rừng đã bị khởi tố hình sự.
Tiểu khu 153, 153B khoảnh 8 thuộc sự quản lý của bản Nậm Pan 1 (xã Mường Toong) là nơi có những cây gỗ đường kính từ 15 - 30cm bị đốn hạ để lấy đất làm nương. Theo lời kể của Trưởng bản Nậm Pan 1 Lý A Sử, mấy ngày cuối tháng 2/2020, lợi dụng đêm tối, các đối tượng phá rừng đã dùng cưa máy đốn hạ trên 17.455m2 rừng. Sau khi phát hiện sự việc, tổ bảo vệ rừng của bản đã báo cáo UBND xã Mường Toong và kiểm lâm địa bàn.
Ông Lù Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Mường Toong cho biết: Ðể xảy ra nhiều vụ phá rừng trên địa bàn trong đó có 10 vụ phá rừng với diện tích lớn phải khởi tố hình sự là điều “rất đáng tiếc”. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng gia tăng các vụ phá rừng trên địa bàn xã, nhưng chủ yếu là do nhiều người dân không có việc làm ổn định. Thời điểm xảy ra các vụ phá rừng hầu hết người dân, thanh niên đều đang tạm nghỉ ở nhà để tránh dịch Covid-19, khi các hộ dân đi phát lại nương cũ đã bỏ hoang nhiều năm để canh tác nhưng không hề biết diện tích đó đã được đưa vào quy hoạch 3 loại rừng. Mặc dù UBND xã đã phối hợp với kiểm lâm địa bàn tăng cường tuyên truyền, ký cam kết bảo vệ rừng; tổ chức đến từng bản công bố quy hoạch trên bản đồ và công bố quy hoạch ngoài thực địa để người dân nắm được. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn cố tình vi phạm và chủ yếu thực hiện hành vi vào ban đêm nên xã rất khó ngăn chặn.
Nhiều diễn biến phức tạp
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng phá rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé, ông Nguyễn Mạnh Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Tình trạng phá rừng không chỉ tăng số vụ mà còn tăng cả diện tích. Nhiều vụ phá rừng có diễn biến phức tạp, người dân tụ tập phát nương tập thể, tập trung từ 30 - 40 người/vụ. Khi lực lượng chức năng tuyên truyền, yêu cầu không phát nương lấn vào rừng thì người dân chống đối, không chấp hành. Một số vụ sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, người dân viết thư đe dọa hoặc trực tiếp hành hung cán bộ kiểm lâm địa bàn, ảnh hưởng tâm lý công tác của cán bộ kiểm lâm. Ðiển hình như ngày 22/6/2020, Hạt Kiểm lâm huyện nhận được văn bản thông báo của 7 cá nhân là con của các ông Lý A Vế và Giàng A Nhù (2 đối tượng phá rừng bị khởi tố về tội hủy hoại rừng), tại bản Huổi Lắp, xã Quảng Lâm. Bản thông báo có nội dung yêu cầu Hạt Kiểm lâm thả người, nếu không thả người sẽ đe dọa tính mạng của 3 đồng chí: Bạc Cầm Trung và Tòng Tiến Thành (cán bộ kiểm lâm địa bàn Quảng Lâm) và Thào A Phú (Bí thư chi bộ bản Huổi Lắp). Hoặc như trường hợp tại xã Nậm Vì, ngày 7/7 khi đồng chí Sùng A Phổng, cán bộ kiểm lâm địa bàn đang làm việc tại trụ sở xã Nậm Vì thì có 4 đối tượng đến tìm gặp, trong đó có ông Sùng A Dế, bản Huổi Lúm (xã Nậm Vì) là bố đẻ của Sùng A Tủa (đối tượng bị truy tố vì tội hủy hoại rừng). Ông Dế yêu cầu anh Sùng A Phổng thả con trai ông. Sau đó, dù đã được kiểm lâm địa bàn và ông Lò Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Nậm Vì tuyên truyền, giải thích về hành vi vi phạm của Sùng A Tủa nhưng ông Sùng A Dế không nghe và có hành động hành hung anh Sùng A Phổng ngay tại phòng làm việc của Chủ tịch UBND xã Nậm Vì. Sau những sự việc đó, Hạt Kiểm lâm huyện đã phải rút 3 cán bộ kiểm lâm khỏi địa bàn 2 xã: Quảng Lâm và Nậm Vì.
Không chỉ phức tạp trong quá trình xử lý các vụ phá rừng, các đối tượng phá rừng hiện nay đã thay đổi hình thức vi phạm tinh vi, xảo quyệt hơn rất nhiều. Ðó là hình thức cho mượn nương để phá rừng. Ðơn cử như vụ phá rừng tại bản Ngã Ba, xã Mường Toong, ông Giàng Phù Lèng (bản Ngã Ba) cho Sùng A Tủa (bản Huổi Lúm, xã Nậm Vì) mượn 2 mảnh nương có diện tích 16.626m2 và 10.545m2; Giông Tông Liều (bản Ngã Ba) cho Giàng A Vảng (bản Huổi Cắn, xã Mường Toong) mượn mảnh nương có diện tích 14.300m2. Ðây là 3 mảnh nương đã được điều chỉnh đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ. Sau khi Sùng A Tủa và Giàng A Vảng bị khởi tố về tội hủy hoại rừng đã khai ra việc mượn nương. Nhận thấy vụ án có tình tiết phức tạp, Công an huyện Mường Nhé đã triệu tập 2 đối tượng: Giàng Phù Lèng và Giông Tông Liều để làm rõ, sau đó xác định dấu hiệu phạm tội và khởi tố thêm 2 đối tượng này.
Ông Nguyễn Mạnh Toàn cho biết: Mượn nương để phá rừng là hình thức rất mới, nếu quá trình điều tra không phát hiện chi tiết Giàng Phù Lèng và Giông Tông Liều cho mượn nương mà chỉ có 2 đối tượng Sùng A Tủa và Giàng A Vảng bị xử lý thì sang năm sau 2 đối tượng Giàng Phù Lèng và Giông Tông Liều sẽ hưởng lợi là được làm nương trên các diện tích rừng bị phá năm nay.
Tăng cường biện pháp quản lý
Hầu hết các vụ phá rừng, các đối tượng thường vin vào việc không nắm bắt, không biết việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh, là nương cũ luân canh nên phát rừng làm nương. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, việc công bố quy hoạch 3 loại rừng được lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ và cụ thể đến từng xã, thôn, bản; công bố trên cả bản đồ và thực địa. Vấn đề ở đây là, dù đã được thông báo về thời gian, địa điểm công bố song tỷ lệ người dân tham gia các buổi công bố quy hoạch rất ít. Ðịa phương nào nhiều nhất chỉ đạt 50% số hộ tham gia.
Ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Sau khi các vụ phá rừng bị xử lý, các hạt và chi cục cũng đã nhận được nhiều đơn thư phản ánh về vấn đề trên. Thời gian tới, lực lượng kiểm lâm tiếp tục triển khai công tác công bố quy hoạch 3 loại rừng sau điều chỉnh, nhất là công bố quy hoạch ngoài thực địa. Ðể thực hiện tốt công tác này, lực lượng kiểm lâm mong muốn sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền các các cấp từ huyện đến xã, thôn bản trong công tác huy động người dân tham gia, để nhiều người dân biết sự thay đổi quy hoạch sau khi điều chỉnh.
Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường Nhé chia sẻ thêm: Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, Hạt sẽ tham mưu thành lập các tổ liên ngành (kiểm lâm, công an, cán bộ xã...) để ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ðối với các vụ phá rừng có dấu hiệu phạm tội (vượt mức tối đa xử phạt vi phạm hành chính), Hạt Kiểm lâm sẽ phối hợp với Công an, Viện Kiểm sát nhân dân và các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ đối tượng vi phạm, củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án hình sự, xử lý nghiêm minh.