Soi phương tiện di chuyển đẳng cấp của thượng lưu Việt xưa

Trong suốt nhiều thập niên, xe kéo tay đã trở thành biểu tượng cho sự giàu có và uy quyền của giới thượng lưu Việt trong xã hội thuộc địa.

Có cấu tạo và cách hoạt động đơn giản (một người chạy và kéo theo một cái xe hai bánh trên đó chở một hoặc hai hành khách), xe kéo tay là phương tiện di chuyển phổ biến của tầng lớp thượng lưu Việt những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ảnh: Một chiếc xe kéo tay nguyên bản được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ở TP HCM.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, xe kéo tay xuất hiện lần đầu ở Nhật Bản vào khoảng năm 1868, vào đầu thời Cải cách Minh Trị. Chỉ khoảng hơn một thập niên sau đó, loại xe này nhanh chóng xuất hiện tại nhiều thành phố lớn ở Ấn Độ và Đông Nam Á.

Năm 1883, xe kéo tay xuất hiện lần đầu tại Hà Nội do Thống sứ Jean Thomas Raoul Bonnal cho nhập khẩu từ Nhật Bản. Gần 15 năm sau, loại xe này mới có mặt trên đường phố Sài Gòn.

Năm 1884, một nhà thầu Pháp cho sản xuất khoảng 50 chiếc xe kéo cung cấp cho cả miền Bắc. Từ đây, chiếc xe kéo dần dần trở nên quen thuộc tại Hà Nội. Sau đó, một hãng cho thuê xe kéo được thành lập.

Thời kì đầu, những chiếc xe kéo có bánh xe bằng sắt, chạy không êm. Sau chúng được thay bằng bánh lốp cao su.

Trong suốt nhiều thập niên, xe kéo tay đã trở thành biểu tượng cho sự giàu có và uy quyền của giới thượng lưu Việt. Chỉ người quyền thế hoặc có của mới ngồi xe kéo, trong khi dân thường di chuyển chủ yếu bằng cách đi bộ hoặc phương tiện công cộng.

Cùng với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, hình tượng chiếc xe kéo mang thêm một ý nghĩa mới: Biểu tượng của sự phân biệt giai cấp và bóc lột người lao động.

Điều này được phản ánh rất rõ trong trong truyện ngắn "Người ngựa - ngựa người" của nhà văn Nguyễn Công Hoan, hay một bức biếm họa của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo "Người cùng khổ" trong thời gian Người hoạt động tại Paris.

Từ đầu thập niên 1940, xe xích lô xuất hiện và trở nên thịnh hành tại Việt Nam. Vai trò của xe kéo tay dần dần trở nên mờ nhạt.

Sau khi Việt Nam giành được độc lập vào năm 1945, xe kéo tay đã bị chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cấm sử dụng. Loại xe này đã nhanh chóng biến mất khỏi đời sống, và ngày nay chỉ còn được biết đến qua các tư liệu lịch sử hay hiện vật trong bảo tàng.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/tan-muc-phuong-tien-di-chuyen-dang-cap-thuong-luu-viet-xua-774636.html