Số ca mắc tay chân miệng tăng cao

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, tuần qua, TP có thêm 161 trẻ mắc tay chân miệng.

Tại Hà Nội, lũy tích từ đầu năm đến nay có 2.780 trẻ mắc bệnh nay. Đặc biệt, từ đầu tháng 7 đến nay, số trẻ đến khám vì tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng nhanh liên tục, trong đó có nhiều trường hợp trong tình trạng nặng.

Bệnh tay chân miệng có dấu hiệu tăng cao.

TS. Đỗ Thiện Hải, Trưởng Khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện có 71 trẻ đang điều trị nội trú, phần lớn trong tình trạng nặng.

Hiện mỗi ngày đơn vị tiếp nhận 15- 20 trẻ nhập viện, trong đó có không ít trẻ không rõ dấu hiệu nên phụ huynh không hề biết. Đáng nói, có nhiều trẻ bị biến chứng viêm não, viêm màng não, thần kinh. Số ca bị biến chứng do tay chân miệng năm nay nhiều hơn so với các năm khác.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong 9 tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận 38.704 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 20.536 trường hợp nhập viện, không có tử vong.

So với cùng kỳ năm 2019, số mắc cả nước giảm 36,3%, số trường hợp nhập viện giảm 31,4%. Tuy nhiên một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa.

Số mắc chủ yếu ghi nhận ở khu vực miền Nam 21.054 trường hợp (chiếm 54,4%); miền Bắc 12.671 trường hợp (chiếm 32,7%); miền Trung 4.007 trường hợp (chiếm 10,4%) và Tây Nguyên 972 trường hợp (chiếm 2,5%).

Theo BS Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội nhi tổng hợp, Bệnh viện E, Hà Nội, bệnh tay chân miệng có thể lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc phải virus gây bệnh. Virus có thể phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường qua đường phân, các nốt phỏng nước hoặc dịch tiết từ đường hô hấp.

Khác với bệnh sởi, trẻ không thể tự tạo ra miễn dịch đối với tay chân miệng do cơ thể có thể mắc nhiều loại virus khác nhau qua mỗi năm. Hiện nay, tay chân miệng chưa có vắc xin và thuốc đặc trị. Tay chân miệng dễ lây lan với tốc độ rất nhanh. Đây có thể là vấn đề đáng lo ngại nếu mọi người chủ quan và không có góc nhìn toàn diện.

Theo bác sỹ Quý, tùy vào mức độ cũng như thể trạng của mỗi bé, bệnh có thể gây ra các biến chứng khác nhau. Điển hình như biến chứng về thần kinh, tổn thương ở thân não dẫn đến liệt, bại não,...

Bệnh sẽ có những di chứng về vấn đề hô hấp như khó thở, tổn thương trung tâm hô hấp, yếu cơ và liệt cơ. Với những biến chứng nặng hơn, bệnh nhân còn bị tổn thương đa cơ quan, trong đó có tổn thương và phù phổi dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong.

Về chăm sóc bệnh nhân tay chân miệng, bác sỹ Quý khuyến cáo, thông thường, các trường hợp đều biểu hiện ở mức độ 1 có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay khi có sốt hoặc phát ban để các bác sĩ đánh giá toàn diện và quyết định trẻ đang ở mức độ nào.

Chuyên gia này cũng khuyến cáo người dân cần rửa tay thường xuyên, bảo đảm vệ sinh cá nhân khi chăm sóc con nhỏ là điều rất quan trọng. Khi trẻ mắc bệnh, phải cách ly tối đa, không để trẻ tiếp xúc với các bạn khác. Để cung cấp đủ dinh dưỡng do bệnh lý gây loét miệng, cha mẹ cho con ăn loảng như cháo, sữa và tăng đề kháng bằng nước hoa quả, sữa chua.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/so-ca-mac-tay-chan-mieng-tang-cao-135016.html