Sẽ ban hành hệ thống các ngành kinh tế xanh
Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết đã trình Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ xây dựng hệ thống ngành kinh tế xanh, tiêu chí phân loại xanh cũng như các cơ chế ưu đãi, thí điểm cho các dự án xanh.
Đặt mục tiêu kép trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Việt Nam xác định chuyển đổi sang kinh tế xanh là giải pháp tất yếu.
Theo ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học giáo dục tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và đầu tư, hiện nay, cơ chế chính sách hướng đến kinh tế xanh, tăng trưởng xanh đã tương đối hoàn thiện, với hệ thống chiến lược quốc gia, kế hoạch hành động quốc gia cũng như kế hoạch hành động của các bộ, ngành và địa phương.
Trên cơ sở đó, khuôn khổ pháp lý cho tăng trưởng xanh sẽ tiếp tục được kiện toàn, với một trong những trọng tâm, theo ông Việt Anh, là kiến nghị ban hành tiêu chí phân loại xanh và hệ thống các ngành kinh tế xanh.
Đây là những nền tảng quan trọng để xác định ngành nào, doanh nghiệp nào, dự án nào thực sự là “xanh”, thực sự tạo ra tác động tích cực tới môi trường, xã hội.
Chính vì vậy, Vụ trưởng Vụ Khoa học giáo dục tài nguyên và môi trường kỳ vọng, hệ thống các ngành kinh tế xanh và phân loại xanh sẽ được ban hành dưới dạng quy phạm pháp luật để đảm bảo sự tuân thủ của cộng đồng doanh nghiệp, thay vì những hướng dẫn không mang tính ràng buộc.
Trên cơ sở phân loại xanh và hệ thống ngành kinh tế xanh, Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu để ban hành cơ chế ưu đãi và thí điểm cho các dự án xanh. Đây là cách tiếp cận phù hợp với một quốc gia đang phát triển nhằm tìm kiếm giải pháp hiệu quả để áp dụng rộng rãi.
Bên cạnh đó, theo ông Việt Anh, một trong những nhiệm vụ quan trọng khi hoàn thiện khuôn khổ chính sách tăng trưởng xanh là tăng cường nhận thức cho toàn thể cộng đồng. Bởi lẽ, hành vi của người dân, người tiêu dùng tác động rất lớn đến sự thành bại của các giải pháp hướng tới phát triển bền vững.
Song song với thay đổi nhận thức, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng kiến nghị sẽ có cơ chế trợ cấp cho các sản phẩm, dịch vụ xanh để thiết lập thói quen, văn hóa tiêu dùng bền vững.
Nhiệm vụ cuối cùng nhưng không kém phần cấp thiết của xây dựng khuôn phổ chính sách tăng trưởng xanh trong thời gian tới là Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để triển khai hành động chuyển đổi xanh một cách nhịp nhàng và phù hợp với mục tiêu chung.
Ông Việt Anh lý giải, giữa các ngành kinh tế luôn tồn tại xung đột lợi ích nên các giải pháp có thể đi ngược chiều nhau nếu không có sự điều phối. Do đó, cần thiết phải có một đơn vị đứng ra dung hòa các giải pháp sao cho tất cả nguồn lực đều hướng đến mục đích chung là phát triển bền vững cho toàn quốc gia.
Trao đổi với báo chí, ông Việt Anh thông tin thêm, Bộ Kế hoạch và đầu tư được giao chủ trì nhóm thể chế chính sách và đầu tư hỗ trợ triển khai tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Công thương và các bên liên quan để triển khai JETP một cách phù hợp với điều kiện của nền kinh tế.