Saudi-UAE thất bại, không khuất phục được Qatar

Saudi Arabia và UAE đã phải gỡ bỏ trừng phạt Qatar sau 4 năm trừng phạt mà không thể ép buộc nước này phải khuất phục.

Vào ngày 04/01, Saudi Arabia đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa trên không, trên biển và đất liền trong 4 năm, mà nước này cùng với các đồng minh trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) là UAE, Kuwait, Ai Cập và Bahrain áp đặt lên Qatar vì tội danh “hỗ trợ khủng bố”.

Vào tháng 6 năm 2017, các quốc gia hàng đầu trong GCC đã cáo buộc Qatar “hỗ trợ khủng bố”, nhưng nguyên nhân thực chất là do nước này “quá thân thiết với Iran”. Họ đã cắt đứt quan hệ kinh tế và ngoại giao với Doha và áp đặt phong tỏa trên bộ, trên biển và trên không.

Doha không chịu khuất phục và đã bác bỏ tất cả các cáo buộc và từ chối tuân thủ một danh sách dài các yêu cầu do các nước phong tỏa đã công bố. Điều đó đã mở ra cục diện quan hệ giữa các bên bị “đóng băng” trong gần 4 năm “Chiến tranh lạnh” ở vùng Vịnh.

Saudi Arabia và UAE đã phải hủy bỏ lệnh trừng phạt Qatar

Theo giới bình luận của giới phân tích, việc Riyadh và Abu Dhabi gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Doha cho thấy, hiện nay, liên minh chống Qatar đang dần tan vỡ và đó là điều tất yếu không thể cưỡng lại. Các yếu tố chính góp phần vào kịch bản này là:

1. Một cuộc khủng hoảng sâu sắc mà Saudi Arabia phải đối mặt do sự can thiệp quân sự thất bại ở Yemen và sự phiêu lưu trong cuộc “chiến tranh dầu mỏ” của nước này;

2. Cạnh tranh quyền lực UAE-Saudi Arabia tăng lên một cấp độ mới do sức mạnh của chính quyền Riyadh đang suy giảm;

3. Sự gia tăng ảnh hưởng của Iran và sự phổ biến của nó trong cộng đồng dân cư Trung Đông, do sự liên kết công khai của các chế độ quân chủ vùng Vịnh với Israel đã khiến người dân đạo Hồi phẫn nộ;

4. Lập trường nhất quán của Qatar là lợi dụng lệnh phong tỏa để phát triển các liên minh thay thế và tăng cường quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và thậm chí cả Nga để kiềm chế áp lực mà nước này phải đối mặt, khiến nguy cơ Qatar vốn đang “loạng choạng” sẽ “đi chệch hẳn” đường lối của GCC và Mỹ.

Do đó, các chế độ quân chủ vùng Vịnh liên kết với Israel có thể sẽ cố gắng sử dụng việc dỡ bỏ phong tỏa để đưa Qatar trở lại với quỹ đạo của các nước vùng Vịnh thân phương Tây; thuyết phục Doha chính thức gia nhập liên minh thân Israel do Mỹ dẫn đầu. Ngoài ra, Saudi và UAE cũng muốn tìm kiếm lợi ích riêng từ việc lôi kéo Qatar vào vòng tay của mình để củng cố hoặc tạo dựng vị thế thống lĩnh thế giới Ả rập.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, ngay cả khi Doha buộc phải bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv dưới áp lực của Hoa Kỳ và GCC, với hy vọng khôi phục quan hệ kinh tế với các nước láng giềng, điều đó cũng không có nghĩa là Doha sẽ thay đổi chiến lược khu vực của mình.

Thực tế suốt những năm trước đã chứng minh rằng, quốc gia này luôn tuân theo định hướng về một phương pháp tiếp cận hữu ích trong thời kỳ khủng hoảng, đem lại lợi ích quốc gia cho mình, hơn là hy vọng trống rỗng về những lợi ích từ “tình yêu của Israel”.

Việc Doha thoát khỏi vòng các lệnh trừng phạt của Riyadh và Abu Dhabi cũng sẽ có lợi cho Tehran khi nước này có thêm một kênh lưu thông hàng hóa quan trọng, bởi thực chất Qatar không chỉ là đồng minh quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn là quốc gia quân chủ vùng Vịnh duy nhất có quan hệ mang tính xây dựng với Iran.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/saudi-uae-that-bai-khong-khuat-phuc-duoc-qatar-3425795/