Sầu riêng, chôm chôm, vú sữa chết hàng loạt do nước xả thải nuôi lươn
Nhiều vườn cây ăn trái của người dân xã Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) thời gian gần đây liên tục héo khô, rụng lá rồi chết dần, gây thiệt hại kinh tế không nhỏ. Người dân cho rằng, nguyên nhân cây chết do nguồn nước tưới bị nhiễm mặn từ các hộ nuôi lươn trong vùng xả thải ra kênh, rạch.
Tới ngày hái quả cây bỗng chết đứng
Tình trạng héo lá, suy kiệt, chết dần xảy ra ở cây chôm chôm, sầu riêng, mai vàng, vú sữa… của các hộ dân ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Vườn chôm chôm 4.000m2 của bà Nguyễn Thị Sáu vài năm trước cho thu nhập khá, nhưng mùa này gia đình bà không thu hoạch được trái nào. “Cây trồng 3 - 5 năm mới đơm hoa, kết trái. Bao năm chăm sóc, tới kỳ thu lợi thì cây không ra trái được, cứ suy kiệt dần, tiền phân bón, tiền thuốc, công chăm sóc cũng bỏ”, bà Sáu xót xa.
Tương tự, kinh tế gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết phụ thuộc vào vườn cây ăn trái. Tuy nhiên, cây trong vườn chết bất thường, nay vợ chồng chị phải đi làm thuê, nợ ngân hàng 120 triệu đồng, nợ tiền mua phân bón hơn 20 triệu đồng.
Trước phản ánh của người dân, UBND huyện Long Hồ đã lập đoàn khảo sát 3 đợt trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua ở các hộ trồng chôm chôm, sầu riêng, mai vàng... Đoàn ghi nhận nhiều cây trồng của người dân bị cháy lá, rụng lá, chết cành.
Đáng chú ý, kết quả kiểm tra nước dân dùng tưới cây cho thấy, độ mặn đo được trong mương vườn từ 0,2‰ - 0,38‰.
Tổ công tác cũng kiểm tra 15 hộ nuôi lươn trong vùng sử dụng nước giếng khoan, kết quả mẫu nước thải có độ mặn vượt quy chuẩn cho phép. Từ đó, tổ công tác yêu cầu các hộ dân dừng khai thác, sử dụng nước ngầm để nuôi lươn. Có 11 hộ đã ngưng sử dụng, còn 4 hộ xin được tiếp tục dùng nước ngầm nuôi lươn đến hết vụ.
Từ kết quả kiểm tra, UBND huyện Long Hồ kết luận, nguyên nhân sầu riêng, chôm chôm, mai vàng bị rụng lá, chết khô có phần từ nước xả thải trực tiếp của hộ nuôi lươn ra sông, rạch gây nhiễm mặn vượt ngưỡng cho phép. Bên cạnh đó, tiết nắng nóng, hạn mặn kéo dài vừa qua cũng tác động lên cây trồng.
Được biết, từ năm 2018, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành quy định cấm khai thác nước ngầm tại một số khu vực, trong đó có địa bàn xã Bình Hòa Phước.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, trong các hộ khai thác nước ngầm nuôi lươn có ông C. đang làm phó chủ tịch UBND xã phụ trách lĩnh vực nông nghiệp.
“Nhìn cây chết mà rớt nước mắt, vay vốn ngân hàng mấy chục triệu, chăm sóc bao năm, bỗng chết dần, không thu hoạch được trái nào. Chúng tôi biết có quy định cấm nên không dám khoan giếng, tại sao ông C. khoan được?”, một người dân (xin giấu tên) nói.
Bà Phan Thị Mỹ Hạnh - Chủ tịch UBND huyện Long Hồ, cho biết, không ai cấp phép cho các hộ nuôi lươn khoan giếng. Sau khi người dân phản ánh, hộ ông C. đã đóng giếng khoan. Bà Hạnh cho rằng, sau khi đóng giếng khoan, chuyển sang dùng nước mặt, chính các hộ nuôi lươn cũng bị thiệt hại.
Về giải pháp thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Long Hồ cho biết, ngành chức năng sẽ hướng dẫn người dân nuôi lươn sử dụng nước mặt; xử lý các hộ không chấp hành quy định về việc đóng giếng khoan; quy hoạch lại theo khu vực nuôi lươn để xử lý nước thải tập trung. Bên cạnh đó, huyện sẽ thống kê lập dự án hỗ trợ giống để trồng thay thế số cây chết...
“Hiện, một số hộ vẫn sử dụng nước giếng khoan cho sinh hoạt, tưới tiêu, chăn nuôi… sẽ thực hiện ngay việc đóng giếng, sắp tới huyện sẽ có kiểm tra việc này. Bà con nuôi lươn cam kết sử dụng nước mặt, không sử dụng nước giếng khoan, đảm bảo nguồn nước thải được xử lý trước khi thải ra môi trường. Đối với nhà vườn thì bộ phận kỹ thuật hướng dẫn bà con xử lý, phục hồi vườn cây", bà Hạnh nói.
Thống kê của UBND huyện Long Hồ cho thấy, địa bàn xã Bình Hòa Phước có hơn 100 hộ trồng cây ăn trái bị ảnh hưởng bởi nước tưới nhiễm mặn. Trong đó, diện tích chôm chôm, sầu riêng, mai vàng chết hoàn toàn hơn 1,2ha; số còn lại chết một phần, như chết nhánh, ngọn, cháy lá...