Sau bức màn nhung

'Nghề hát bội chỉ trông vào mấy lễ Kỳ yên ở các đình, miếu mới có sô diễn. Trên sân khấu, chúng tôi là những ông hoàng, bà chúa xiêm áo lộng lẫy, uy nghi ngút ngàn. Nhưng khi bức màn nhung khép lại, quay về cuộc sống thực tại với gánh nặng 'cơm, áo, gạo, tiền', ai cũng đau đáu nỗi lo về ngày mai!' - chị Trần Thị Kim Danh (44 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) trải lòng.

Nghề hát bội nhiều nỗi truân chuyên

Nỗi niềm… hát bội

Trong không gian nhỏ chừng vài mét vuông ở đình thần Vĩnh Phú (huyện Thoại Sơn), là nơi đoàn hát bội được bố trí làm nơi hậu kỳ. Tuy chật chội, bức bối nhưng tiếng cười phía sau cánh gà thỉnh thoảng lại vang lên. Hôm ấy, tôi được gặp Đoàn tuồng cổ Sao Vàng Đồng Tháp. Đó là buổi diễn giúp (diễn tặng cho đình) của đoàn. Mọi người ai cũng mong chờ, háo hức xen kẽ chút bùi ngùi, vì chỉ sau vở diễn giúp này phải quang gánh đi đình khác.

“3 ngày gắn bó với lễ hội Kỳ yên, vừa quen mặt một số bà con nơi đây thì cũng đến lúc rời đi. Nghề hát bội là vậy, rày đây mai đó, lắm nỗi vất vả!” - anh Thái Văn Hiệp (sinh năm 1973, ngụ huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) bộc bạch.

Sau cánh gà, những vị tướng uy phong, những cô đào kiêu sa, xinh đẹp đang chỉnh lại xiêm y, chuẩn bị bước lên sân khấu. Hóa trang mặt trong hát bội là một nghệ thuật thể hiện tính cách nhân vật của vở diễn. Vì vậy, chỉ cần nhìn diễn viên với bộ mặt hóa trang, trang phục thì khán giả có thể biết tính cách của nhân vật. Chờ đến lượt xuất hiện trên sân khấu, chị Kim Danh chốc chốc đưa tay chỉnh lại xiêm áo. Theo chị Danh, tính cả áo và mão mỗi lần đi hát phải đến vài ký. Có những vật dụng đội đầu như mão vua, hay tướng quân, độ nặng lên đến 1kg là chuyện bình thường.

Là thế hệ thứ 3 trong gia đình theo nghề hát bội, anh Thái Văn Hiệp đang là Phó Trưởng đoàn tuồng cổ Sao Vàng Đồng Tháp. Hiện nay, đoàn hát đang tích cực chuẩn bị để phục vụ lễ hội từ tháng 2 - 7 (âm lịch), nhưng cao điểm nhất là từ tháng 2 - 4 âm lịch”.

Anh Hiệp trải lòng, người nghệ sĩ hát bội đi diễn vì niềm đam mê. Bởi, ngoài những giờ phút say sưa dưới ánh đèn sân khấu, hầu hết ai cũng bươn chải với công việc mưu sinh khác nhau. Người thì buôn bán, người lại vất vả làm phụ hồ, hoặc “ai kêu gì làm nấy” để kiếm sống.

“Có khi đám cúng đình người ta mời đoàn bữa cơm, không thì ăn tạm dĩa cơm bụi, ổ bánh mì cũng xong. Có chỗ thì mắc võng ngả lưng, không thì cứ chiếu manh trải ra rồi ngủ tạm sân đình, sân miễu… Chật vật, vất vả là thế, nhưng không ai nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Tới cuối đời, tôi cũng chỉ mong được hát thôi” - anh Hiệp chia sẻ.

Giữ trọn “lửa” đam mê

“Xưa, hát bội thường được các gánh hát, ghe hát hay các đoàn hát tập hợp các nghệ sĩ nay đây mai đó biểu diễn trong các khu dân cư, làng xóm. Có một thời, những đoàn hát từng là niềm ao ước, mong mỏi của người dân. Nay, trong suy nghĩ của nhiều người, hát bội chỉ dành cho những… người già, người của thời xưa cũ, mà không hiểu bản chất nghệ thuật này vẫn đi liền, song song với trào lưu nghệ thuật của đất nước” - anh Hiệp bộc bạch.

Vất vả trăm bề, nhưng “máu nghề” dường như đã ăn sâu vào tim mỗi người. Không đi hát ít hôm là ai cũng bồn chồn, lòng không yên. Với những người hát bội, khi đã “ăn cơm tổ nghiệp” thì những ngày ở nhà không vui bằng sự vất vả ngược xuôi trong những đêm hát bội. Những lần đứng trên sân khấu, người hát bội thể hiện được cái uy, cái tầm của vua, chúa, hay hoàng hậu. Nhưng trút bỏ xiêm y, về với đời thường, người buôn gánh bán bưng, người lại vất vả trăm bề.

“Qua mùa lễ Kỳ yên, tôi về nhà với nghề bán kẹo kéo. Thu nhập không nhiều nhưng đủ trang trải cuộc sống. Mà nghề hát bội, thu nhập chẳng cao hơn. Vậy mà, ngưng đi hát ít hôm, tôi thấy buồn” - chị Kim Danh tâm sự. Còn anh Phan Văn Dũng (sinh năm 1960, quê ở An Giang) bộc bạch, theo nghề từ khi 20 tuổi, vui nhiều nhưng nỗi buồn cũng không ít. Mỗi sô hát, được bầu trả từ 1 - 1,5 triệu đồng. Có chút chạnh lòng, nhưng anh Dũng vẫn kiên quyết theo nghề đến khi không còn sức khỏe cống hiến.

Bôn ba từ đình này đến đình khác vào mùa lễ hội Kỳ yên nên cuộc sống mọi người cũng không ổn định. Mỗi lần đi hát, mọi người lại gói gém hành trang cả tháng trời, mấy đứa nhỏ phải nghỉ học đi theo ông bà, cha mẹ, vì ở nhà không ai trông.

Dù mới 11 tuổi nhưng bé Trần Đại Nghĩa (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) rất mê hát bội. Được theo ba mẹ từ lúc 3 - 4 tuổi, Nghĩa được hun đúc tình yêu với nghệ thuật hát bội từ khá sớm. Song, em chỉ học hết lớp 5 và quyết định nghỉ học. Hôm gặp Nghĩa ở Lễ hội kỳ yên đình thần Vĩnh Phú, em làm tôi bất ngờ trong bộ đồ tướng, với khuôn mặt được hóa trang cẩn thận.

Đứng trước bức màn nhung, dưới ánh đèn rực sáng lung linh, tiếng trống chầu giục liên hồi, người hát tuồng tạm gác lại những nỗi niềm riêng, tập trung cho vai diễn. Chốc chốc lại nghe: “Quân sĩ, quân sĩ đâu…” mà tôi không khỏi chạnh lòng. Với họ, động lực để bám trụ với nghề là tiếng vỗ tay, sự chào đón nồng nhiệt của khán giả dưới những mái đình làng hàng trăm năm tuổi.

SONG MINH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/sau-buc-man-nhung-a365904.html