Sau bài báo 'Doanh nghiệp tố cáo cán bộ thi hành án': Một sự việc, 2 văn bản… 'đá nhau'!

Liên quan vụ tranh chấp này, Báo Công an TPHCM (nay là Chuyên đề CATP) đã có bài viết chỉ rõ dấu hiệu trái pháp luật của chấp hành viên (CHV) khiến thi hành án bị tắc, dẫn đến tố cáo của ông Trần Công Tuấn (ngụ TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Vụ việc được khơi thông sau khi có văn bản kết luận của TAND Cấp cao tại TPHCM. Lạ thay, chính cơ quan này đã ra Quyết định (QĐ) giám đốc thẩm, đảo ngược văn bản trước đó…

Từ "xét" thấy đúng pháp luật…

Hồ sơ thể hiện: Ngày 17/3/2017, ông Trần Công Tuấn ký hợp đồng chuyển nhượng (HĐCN) cho ông Nguyễn Văn Nhi (ngụ Q.Bình Thạnh, TPHCM) khu nhà xưởng và phần đất 3.888m2 thuộc thửa 368 tại P.Uyên Hưng, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với giá 12 tỷ đồng. Bên mua trả được 7,9 tỷ đồng thì thất tín, nên ông Tuấn khởi kiện buộc ông Nhi sang nhượng đất và nhà xưởng lại cho ông.

Ngày 13/9/2019, TAND TX.Tân Uyên ra QĐ số 22 "công nhận sự thỏa thuận" giữa các bên. Theo đó, tòa hủy HĐCN, ông Nhi trả lại ông Tuấn đất. Ông Tuấn phải trả 2,04 tỷ đồng cho ông Nhi và 8,951 tỷ đồng cho Agribank (do ông Nhi thế chấp thửa đất vay tiền ngày 29/3/2017).

Hoàn thành nghĩa vụ, ông Tuấn lập thủ tục cấp lại giấy chứng nhận (sổ đỏ) thửa đất thì bị Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TX.Bến Cát (tỉnh Bình Dương) ngăn chặn bằng QĐ số 74 ngày 13/8/2019 do CHV Thái Văn Cần ký. Lý do: Ông Nhi là bị đơn trong vụ kiện đã được TAND TX.Bến Cát "hòa giải thành" bằng QĐ số 39 ngày 05/8/2019. Theo đó, ông Nhi phải trả cho nguyên đơn Nguyễn Thị Luyến (ngụ tỉnh Bình Phước) 30 tỷ đồng, nên bà Luyến yêu cầu ngăn chặn thửa đất 368 cùng nhiều tài sản khác của ông Nhi. Sau đó, Chánh án TAND tỉnh Bình Dương và Chi cục THADS TX.Bến Cát kiến nghị giám đốc thẩm đối với QĐ số 22. Bà Luyến cũng đề nghị tương tự.

Sau khi xem xét, ngày 19/10/2021, TAND Cấp cao tại TPHCM ban hành văn bản số 1918/TB-TA nêu rõ: Ông Tuấn là chủ thửa đất 368, ký HĐCN cho ông Nhi. Ông Nhi thanh toán còn thiếu 4,1 tỷ đồng, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng nên ông Tuấn khởi kiện, được TAND TX.Tân Uyên thụ lý. Tại biên bản hòa giải thành ngày 05/9/2019, các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án. Thỏa thuận này là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, phù hợp với quy định tại Điều 423, 424 Bộ luật dân sự 2015, nên TAND TX.Tân Uyên ban hành QĐ số 22 là đúng pháp luật.

Thửa đất 368 và nhà xưởng do ông Tuấn quản lý, sử dụng

Ông Nhi và bà Luyến tranh chấp trong vụ án khác, được TAND TX.Bến Cát ra QĐ số 39. Theo đó, ông Nhi và Công ty TNHH MTV Lâm sản Lai Hưng có nghĩa vụ liên đới trả bà Luyến 30 tỷ đồng. Nghĩa vụ này xuất phát từ việc ông Nhi và Công ty Lai Hưng thỏa thuận chuyển hơn 1ha đất và nhà xưởng tại P.Thới Hòa, TX.Bến Cát bị vô hiệu. CHV Chi cục THADS TX.Bến Cát ra nhiều QĐ ngăn chặn các thửa đất của ông Nhi, trong đó có thửa 368.

TAND Cấp cao tại TPHCM nhận định: Tại thời điểm CHV Cần ký QĐ số 74, thửa đất 368 là tài sản đang có tranh chấp, ông Tuấn đã khởi kiện ngày 05/8/2019. Mặt khác, ông Nhi đã thế chấp thửa đất trên để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ cho Agribank. CHV chưa xác minh làm rõ điều kiện thi hành án là không đúng trình tự, thủ tục được quy định tại Điều 69 Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông Tuấn và Agribank.

Trên cơ sở QĐ số 22, có căn cứ xác định tài sản không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải THA là ông Nhi nên CHV ra QĐ chấm dứt việc ngăn chặn theo quy định tại khoản 4 Điều 69 Luật THADS.

TAND Cấp cao tại TPHCM kết luận: Với phân tích nêu trên, kiến nghị của Chánh án TAND tỉnh Bình Dương, Chi cục THADS TX.Bến Cát và đề nghị của bà Luyến là không phù hợp. Vì vậy, TAND Cấp cao tại TPHCM không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với QĐ số 22.

… Đến "xử" thấy không hợp pháp (?)

Ngày 17/01/2022, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM ra QĐ kháng nghị đối với QĐ số 22. Ngày 07/10/2022, TAND Cấp cao tại TPHCM mở phiên giám đốc thẩm và ban hành QĐ giám đốc thẩm số 282/2022/DS-GĐT, tuyên hủy QĐ số 22 để xét xử lại sơ thẩm.

Theo HĐXX, ngày 05/8/2019, TAND TX.Bến Cát ban hành QĐ số 39. Chi cục THADS TX.Bến Cát có QĐ thi hành án ngày 09/8/2019; đến ngày 13/8/2019 thì ra QĐ số 74 ngăn chặn thửa đất 368. Các QĐ này được tống đạt hợp lệ cho ông Nhi. Ông Nhi biết rõ thửa đất 368 đã bị ngăn chặn nhưng cố tình che giấu và tiến hành thỏa thuận với ông Tuấn nên thỏa thuận này là không phù hợp. Ông Tuấn ký HĐCN thửa đất 368 cho ông Nhi với giá 27,5 tỷ đồng, không phải 12 tỷ. Phía ông Nhi đã nhận thửa đất.

Ông Tuấn trình bày: Ba vấn đề được HĐXX giám đốc thẩm làm căn cứ để hủy QĐ số 22, hoàn toàn mâu thuẫn với văn bản số 1918/TB-TA của TAND Cấp cao tại TPHCM đã ban hành vẫn còn nguyên giá trị pháp lý.

Thứ nhất, chính TAND Cấp cao tại TPHCM xác định ông Tuấn làm đơn khởi kiện tranh chấp thửa đất 368 ngày 02/8/2019, nộp ngày 05/8, TAND TX.Tân Uyên thụ lý ngày 20/8. Trước đó, ngày 29/3/2017, ông Nhi đã thế chấp thửa đất cho Agribank để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ. Từ đó, TAND Cấp cao khẳng định: "Tài sản không thuộc quyền sở hữu, sử dụng ông Nhi".

Thật oái ăm, TAND Cấp cao đã phân tích, chỉ rõ dấu hiệu trái pháp luật của QĐ số 74. Rồi cũng chính TAND Cấp cao sử dụng QĐ số 74 để làm căn cứ giám đốc thẩm. Trong khi đó, ngày 10/11/2021, CHV Cần đã ký QĐ số 06, chấm dứt ngăn chặn đối với thửa đất 368.

Thứ hai, về giá chuyển nhượng: thửa đất 368 có giá 12 tỷ đồng là phù hợp với giá thị trường tại thời điểm tháng 3/2017. Phía ông Nhi nâng giá cao hơn mục đích thế chấp vay vốn ngân hàng. Mặt khác, TAND Cấp cao đã phân tích, chỉ rõ, điểm mấu chốt không phải giá chuyển nhượng mà ông Nhi đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thanh toán.

Thứ ba, do ông Nhi chưa trả hết tiền chuyển nhượng nên ông Tuấn chưa giao đất. Thực tế ông Tuấn là người quản lý, sử dụng toàn bộ thửa đất 368 xuyên suốt từ trước đến nay. Chính quyền địa phương biết rõ, ông Nhi cũng thừa nhận điều này.

Văn bản 1918/TB-TA của TAND Cấp cao tại TPHCM

Ông Tuấn phản ứng: TAND Cấp cao tại TPHCM đã phân tích chỉ rõ bản chất của vụ tranh chấp, khẳng định thỏa thuận giữa ông với ông Nhi là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, phù hợp với Bộ luật dân sự nên QĐ số 22 đúng pháp luật. Rồi cũng chính TAND Cấp cao lại cho rằng thỏa thuận này "không phù hợp", từ đó hủy QĐ số 22. Thật khó tin, 2 văn bản do người "thừa ủy quyền" của Chánh án TAND Cấp cao tại TPHCM và người được Chánh án "ủy nhiệm" ký, nhưng lại "đá nhau"! Điều khó tin hơn, khi tòa sơ thẩm thụ lý lại, bà Luyến được đưa vào vụ án với tư cách "người liên quan" (?!).

Nguyên đơn bức xúc: "Để có số tiền 11 tỷ đồng trả cho ngân hàng và ông Nhi, tôi phải vay bên ngoài lãi cao. Sau khi sang tên sổ đỏ thửa đất 368, tôi sẽ mang đất thế chấp trả nợ, thế nhưng QĐ số 74 của CHV Cần đã đẩy tôi vào cảnh nợ nần chồng chất. Tôi rất mừng khi nhận được văn bản số 1918/TB-TA của TAND Cấp cao tại TPHCM và QĐ số 06 do CHV Cần ấn ký. Nhưng QĐ số 282/2022/DS-GĐT của TAND Cấp cao tại TPHCM với các tình tiết chưa đúng sự thật khách quan và mâu thuẫn, một lần nữa đẩy gia đình tôi vào cảnh khốn cùng...".

THÀNH LUÂN - VĂN CƯƠNG

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/mot-su-viec-2-van-ban-da-nhau_152362.html