Sáng kiến hữu ích từ thực tế

Binh chủng Hóa học vừa tổ chức Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị hậu cần năm 2018. Qua tuyển chọn từ các đơn vị cơ sở, 50 sản phẩm dự thi đã khẳng định tinh thần nỗ lực lao động sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo đảm hậu cần, chăm sóc sức khỏe bộ đội của các đơn vị.

Theo Đại tá Lê Văn Hộ, Chủ nhiệm Hậu cần Binh chủng Hóa học: Đây là lần đầu tiên binh chủng tổ chức thi các sản phẩm khoa học, công nghệ, sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị hậu cần. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị rất quan tâm và hưởng ứng tích cực, chuẩn bị chu đáo, tổ chức hội thi từ cấp cơ sở để lựa chọn những sản phẩm tốt nhất, tiêu biểu tham gia dự thi. 50 sản phẩm tham gia hội thi cấp binh chủng đều có chất lượng cao, hội tụ trí tuệ của cán bộ, nhân viên ngành hậu cần và có giá trị thực tiễn, ứng dụng cao.

Nổi bật tại hội thi là các sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), giúp việc quản lý, huấn luyện ngành hậu cần hiệu quả. Tiêu biểu như các sáng kiến: ''Ứng dụng CNTT vào hệ thống sổ sách quản lý bếp ăn''; ''Bài giảng kỹ thuật đào, sử dụng bếp Hoàng Cầm cấp 1 bằng công nghệ ba chiều (3D) và kiểm tra trắc nghiệm bằng ứng dụng PowerPoint'', ''Bài giảng kỹ thuật mắc tăng võng bằng công nghệ 3D và kiểm tra trắc nghiệm bằng ứng dụng PowerPoint'' của Trường Sĩ quan Phòng hóa; ''Mô hình bếp Hoàng Cầm cấp 1'' của Lữ đoàn 86… Nhờ mô phỏng nên trong huấn luyện chuyên ngành hậu cần, bộ đội dễ hình dung, nắm bắt kiến thức và vận dụng, thực hành thuần thục trong diễn tập, cơ động dã ngoại. Hai sáng kiến ''Ứng dụng CNTT vào hệ thống sổ sách quản lý bếp ăn'' và ''Mô hình bếp Hoàng Cầm cấp 1'' đã được trao giải A hội thi.

Gian trưng bày các sáng kiến, mô hình, trang thiết bị hậu cần của Trường Sĩ quan Phòng hóa.

Hầu hết các đơn vị đều có sáng kiến, trang thiết bị ngành quân nhu tham gia hội thi. Các sản phẩm rất đa dạng, như việc cải tiến nồi nấu thành nồi hầm (hay nồi áp suất) của Trường Sĩ quan Phòng hóa; xô chậu cơ động, giá để dụng cụ nhà bếp, máy xay-khuấy thức ăn chăn nuôi lợn của Lữ đoàn 86. Tiểu đoàn 905 có sáng kiến thùng chứa nước dã ngoại, bình nước thao trường, tủ sấy quần áo. Tiểu đoàn 906 dự thi sáng kiến giá hấp thực phẩm trong nồi hơi cơ khí, bếp đun củi TĐ6. Viện Hóa học mang đến sản phẩm củi sử dụng cho bếp ăn dã ngoại trong mọi điều kiện thời tiết. Nhà máy X61 có giá chia thức ăn dã ngoại. Kho K61 có giá để ba lô, giày dép, đồ dùng. Nhiều nhất là các sáng kiến về máy thái rau, củ, quả dùng tay hay dùng điện… Các sản phẩm đều có giá trị sử dụng cao, dễ thao tác, giúp cán bộ, nhân viên quân nhu làm việc nhẹ nhàng, năng suất cao, bảo đảm an toàn.

Các mô hình, sáng kiến, trang thiết bị quân y phục vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bộ đội cũng chiếm số lượng lớn tại hội thi. Đáng chú ý là sáng kiến trang bị túi quân y cá nhân dùng trong dã ngoại, chiến đấu để tự cứu và cứu lẫn nhau của Lữ đoàn 86. Ở lĩnh vực này còn có sáng kiến hòm thuốc phòng, chống bão lụt và bộ dây đai cố định tạm thời gãy xương của Trường Sĩ quan Phòng hóa. Các giải pháp hữu ích như tủ thuốc quân y dã ngoại, giá tắm cho thương binh, thiết bị bắt côn trùng, thùng bẫy ruồi… tuy đơn giản song rất tiện lợi, dễ làm.

Mảng đề tài sáng kiến sở trường của bộ đội hóa học là nghiên cứu thiết kế, chế tạo các trang thiết bị lọc nước và xử lý môi trường. Nếu như Viện Hóa học sáng chế thiết bị xử lý nước phục vụ bếp ăn dã ngoại là sự sáng tạo, thì ở cấp tiểu đoàn, Trung úy Võ Quang Mãn, cán bộ Tiểu đoàn 906 nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy lọc nước chạy bằng ắc quy và pin năng lượng mặt trời; hay Tiểu đoàn 905 có sáng kiến chế tạo thiết bị lọc nước dã ngoại. Những sản phẩm trên không chỉ khẳng định sự nỗ lực, tâm huyết sáng tạo, mà còn có giá trị ứng dụng cao, đáp ứng yêu cầu, điều kiện tác chiến của bộ đội.

Nhiều sản phẩm thuộc ngành doanh trại, xăng dầu, vận tải tham gia hội thi đã tạo nên sự đa dạng, phong phú và toàn diện. Tiêu biểu như sáng kiến chế tạo dụng cụ lấy mẫu xăng dầu trong bể chứa của Lữ đoàn 86; thiết bị đo mức nhiên liệu trên xe ô tô của Lữ đoàn 87. Các sáng kiến: Móc mắc tăng võng, hầm bán âm, bể nước dã chiến, bộ lều hầm ngủ, bộ khung, bạt hầm ngủ dã chiến kiểu chữ A, phản nằm dã ngoại… của Tiểu đoàn 906, các Kho K61, K62, K63, K64, Nhà máy X61, Viện Hóa học là những sản phẩm có giá trị ứng dụng cao.

Theo Đại tá Lê Văn Hộ, qua chấm thi nghiêm túc, khách quan, Ban tổ chức đã trao 2 giải A, 3 giải B và 9 giải khuyến khích cho các sản phẩm tiêu biểu. Thành công của hội thi tạo động lực mới cho phong trào nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến trang thiết bị, mô hình huấn luyện hậu cần; góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo đảm hậu cần cho SSCĐ, huấn luyện, diễn tập và thực hiện các nhiệm vụ của binh chủng.

Bài và ảnh: HƯƠNG HỒNG THU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/sang-kien-huu-ich-tu-thuc-te-546588