Sản xuất- tiêu thụ vải thiều ở Bắc Giang: Chủ động trong các tình huống

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các địa phương có diện tích vải lớn là Tân Yên và Lục Ngạn có giải pháp thiết thực, cụ thể giúp nông dân tiêu thụ thuận lợi. Hiện, các khâu chuẩn bị, từ hạ tầng giao thông, xúc tiến thương mại đến các dịch vụ hỗ trợ tiêu thụ đều cơ bản hoàn tất và đi vào vận hành.

Vùng vải không Covid-19

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, thời tiết thuận lợi nên vải thiều Bắc Giang được mùa, cho năng suất, chất lượng cao nhất từ trước đến nay. Sản lượng vải thiều toàn tỉnh ước khoảng 180 nghìn tấn. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên vụ vải thiều được thu hoạch đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát diện rộng, các địa phương cách ly xã hội nên đã lập nhiều chốt khiến việc tiêu thụ nông sản nói chung, vải thiều nói riêng gặp nhiều khó khăn.

Sản xuất thùng xốp tại Công ty TNHH một thành viên Cương Hoàn (Lục Ngạn). Ảnh: Thế Đại

Nắm bắt tình hình thực tế, các địa phương có diện tích vải thiều lớn đã chủ động thực hiện biện pháp xây dựng vùng vải không Covid-19. Các nguy cơ về dịch Covid-19 đều được loại bỏ khỏi vùng vải. Bên cạnh lập chốt kiểm soát phương tiện, các địa phương đầu tư thiết bị xét nghiệm nhanh cho lái xe, người thu hoạch và thu mua vải thiều. Người dân vùng vải cũng tuân thủ quy định, hạn chế thấp nhất ra ngoài địa bàn. Để bảo đảm cho các thương nhân, doanh nghiệp (DN) đến tìm hiểu, khảo sát, thu mua, tiêu thụ vải, huyện Tân Yên và Lục Ngạn tập trung tối đa cho công tác phòng, chống dịch.

Hiện nay, các địa phương tiếp tục khoanh vùng, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 với toàn bộ công nhân trên địa bàn huyện đi làm tại các khu công nghiệp; tầm soát bảo đảm không có trường hợp F1 trên địa bàn huyện; kiểm soát chặt chẽ việc cách ly tại nhà đối với F2 theo quy định. Bảo đảm an toàn vùng sản xuất vải thiều trong suốt thời gian thu hoạch và tiêu thụ vải; ưu tiên tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19 cho người dân.

Bảo đảm dịch vụ phụ trợ

Cùng với nỗ lực xây dựng vùng vải an toàn dịch bệnh, dịch vụ phụ trợ được các địa phương quan tâm. Ông Vũ Mạnh Lân, chủ cơ sở sản xuất nước đá cây Lân Huệ, thị trấn Chũ (Lục Ngạn) cho biết: “Từ ngày 2/5 xưởng sản xuất nước đá của tôi bắt đầu vận hành. Dự kiến năm nay cơ sở sản xuất khoảng 10 vạn cây đá, trong đó lượng lớn dùng đóng gói vải xuất khẩu tại Lục Ngạn”.

Dự báo năm nay vải được mùa nên ông Nguyễn Đức Thái, thôn Kép 2A, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) đầu tư gần 600 triệu đồng nâng cấp bể làm lạnh nước đá nhằm nâng công suất. Hiện ông đã cho chạy thử, bảo đảm sản xuất đồng loạt vào cuối tháng 5 này với sản lượng cả vụ khoảng 10 nghìn cây đá.

Theo đại diện Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương), đến thời điểm này việc thông quan nông sản đang diễn ra thuận lợi. Tại các cửa khẩu, lực lượng hải quan Trung Quốc tăng giờ làm việc, ưu tiên cho vải thiều thông quan đầu tiên nhằm giúp Bắc Giang tiêu thụ thuận lợi. Vì vậy, Bắc Giang đang nỗ lực các giải pháp để kích hoạt kịch bản 1.

Khác với sản xuất nước đá, nhiều DN sản xuất thùng xốp đóng vải thiều trên địa bàn Lục Ngạn đã nhập nguyên liệu và làm thùng xốp ngay từ khi vải thiều báo hoa. Ông Hà Văn Cương, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cương Hoàn cho biết: “Ngay khi nhận định vải được mùa, Công ty đã nhập đủ nguyên liệu và dự kiến sản xuất 2 triệu thùng xốp với 9 loại mẫu, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái”.

Được biết, huyện Lục Ngạn hiện có 4 công ty sản xuất thùng xốp, 35 kho xốp và 42 cơ sở sản xuất đá cây. Cùng đó, 300 cơ sở đóng gói vải thiều của Bắc Giang (Tân Yên 19 cơ sở, Yên Thế 15, Lục Nam 26, Lục Ngạn 237 và TP Bắc Giang 3 cơ sở) đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường cũng đã chuẩn bị xong cơ sở vật chất cho vụ vải.

Tại huyện Tân Yên chủ yếu là vải sớm, sản lượng không quá lớn nên các cơ sở dịch vụ không nhiều như ở Lục Ngạn. Địa phương đã bố trí điểm thuận lợi cho lái xe, thương nhân khai báo y tế; bố trí bãi đỗ xe, điểm cân; cử lực lượng tham gia bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự cho mùa vải thiều.

Linh hoạt các kịch bản tiêu thụ vải

Các dịch vụ phụ trợ phục vụ mùa vải đã sẵn sàng. Vải sớm chớm được thu hoạch và bước đầu cho tín hiệu vui. Anh Tô Ngọc Phúc, thôn Cầu Đất, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) cho biết: “Hai ngày qua, tôi vừa bán được 5 tấn vải sớm Lục Ngạn qua cửa khẩu Lào Cai với giá 20 nghìn đồng/kg. Tôi đang hoàn thiện các thủ tục để thu mua vải cho bà con trong thời gian tới”. Tại Tân Yên có 6 DN ký bao tiêu sản phẩm cho bà con, nhiều thương nhân đã chuyển tiền đặt cọc. Tuy nhiên, dự báo việc tiêu thụ vải cả vụ sẽ rất khó khăn ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Lường trước những khó khăn này, tỉnh đã xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều.

Vải sớm tại xã Phúc Hòa (Tân Yên). Ảnh: Trịnh Lan

Kịch bản 1: Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ thuận lợi: Sản lượng vải được tiêu thụ 50% trong nước (khoảng 90 nghìn tấn), 50% xuất khẩu (khoảng 90 nghìn tấn). Với tình huống này, tiêu thụ tại thị trường trong nước tập trung tại các chợ đầu mối; tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị; DN chế biến xuất khẩu; chợ truyền thống; sàn thương mại điện tử. Thị trường xuất khẩu gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Thái Lan, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)…

Kịch bản 2: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát: Sản lượng vải được tiêu thụ 70% trong nước, khoảng 130 nghìn tấn; 30% xuất khẩu, khoảng 50 nghìn tấn. Kịch bản này tiêu thụ trong nước tại các chợ đầu mối như: Thủ Đức, Bình Điền (TP Hồ Chí Minh); Long Biên (Hà Nội); Hòa Cường (Đà Nẵng)… sản lượng khoảng 55 nghìn tấn; các tập đoàn phân phối lớn 20 nghìn tấn; sàn thương mại điện tử 2 nghìn tấn; chợ truyền thống 13 nghìn tấn và một phần vải được sấy.

Kịch bản 3: Dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu đóng băng, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa. Tỉnh hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ vải thiều cho bà con nông dân tại thị trường trong nước ở các chợ đầu mối lớn lên đến 80 nghìn tấn; các tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại khoảng 30 nghìn tấn; các DN chế biến xuất khẩu gồm: Công ty cổ phần Thực phẩm Đồng Giao, Công ty TNHH một thành viên Dũng Sỹ, Công ty Thực phẩm Á Châu… 30 nghìn tấn. Còn lại tiêu thụ vải tại chợ truyền thống, sàn giao dịch thương mại và sấy khô và chế biến khác.

Theo đại diện Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương), thời điểm này việc thông quan nông sản đang diễn ra thuận lợi. Tại các cửa khẩu, lực lượng hải quan Trung Quốc tăng giờ làm việc, ưu tiên cho vải thiều thông quan đầu tiên, nhằm giúp Bắc Giang tiêu thụ thuận lợi. Vì vậy, Bắc Giang sẽ sử dụng linh hoạt các kịch bản để vải thiều được tiêu thụ thuận lợi. Song song với phòng, chống dịch, tỉnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tiêu thụ nông sản của tỉnh; đồng thời đề nghị các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư hỗ trợ, cho phép lưu thông đối với các phương tiện vận chuyển nông sản, hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Nhóm PVKT

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/359502/san-xuat-tieu-thu-vai-thieu-o-bac-giang-chu-dong-trong-cac-tinh-huong.html