Sản phẩm văn hóa mang bản sắc Thủ đô

Thời gian qua, Hà Nội tập trung phát triển sản phẩm văn hóa. Mục tiêu là xây dựng điểm hội tụ của văn hóa cả nước, trở thành một nguồn lực phát triển mới.

Du khách nước ngoài trải nghiệm tại Làng gốm Bát Tràng. Nguồn: TICO travel.

Xây dựng sản phẩm có sức cạnh tranh

Ngành văn hóa của Thủ đô xác định xây dựng các sản phẩm văn hóa có chất lượng và sức cạnh tranh, thu hút được sự quan tâm của công chúng và khách du lịch. Để đạt được mục tiêu đề ra, những năm gần đây, các đơn vị thuộc ngành văn hóa Hà Nội đã xây dựng nhiều chương trình, sản phẩm văn hóa, thu hút du khách hiệu quả như khu di sản Hoàng thành Thăng Long gắn với khu Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Văn Miếu - Quốc Tử Giám…Thực hiện kết nối chuỗi địa điểm trên với các di tích Thăng Long tứ trấn, khu vực hồ Tây, đặc biệt là khu vực phố cổ, phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; chú trọng khai thác loại hình du lịch nghệ thuật gắn với di sản.

Cùng với đó là việc triển khai nhiều sản phẩm du lịch văn hóa ứng dụng công nghệ trên cơ sở khai thác các giá trị truyền thống của Thủ đô. Các sản phẩm du lịch văn hóa mang tính trải nghiệm có sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương. Nhờ đó, không chỉ góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa mà còn đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời nâng cao hình ảnh du lịch của Thủ đô.

Năm 2024, bên cạnh thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Trung ương và thành phố về phát triển văn hóa, đặc biệt công nghiệp văn hóa, ngành văn hóa Hà Nội xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa trong các lĩnh vực. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế hợp tác công tư trong quản lý, khai thác di sản, bảo tồn, phát triển văn hóa; khuyến khích xây dựng, hình thành, phát triển các loại quỹ đầu tư, hỗ trợ, quỹ giải thưởng theo hình thức hợp tác công - tư để phát triển văn hóa Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho rằng, nếu có sự tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, nhận thức đúng về vai trò vị trí của văn hóa và có cách tiếp cận đúng sản phẩm văn hóa thì sẽ đạt hiệu quả. Nhiều sản phẩm văn hóa chất lượng cao góp phần thúc đẩy thương mại, dịch vụ, du lịch; trong đó, không ít sản phẩm được xây dựng trên cơ sở xã hội hóa. Điều quan trọng, phải xây dựng được ý tưởng sản phẩm tốt, huy động nguồn lực tham gia. Từ đó, đặt ra cách tiếp cận mới về việc tổ chức hoạt động văn hóa, vừa tạo sản phẩm tốt vừa thu hút nguồn lực, gắn kết các lĩnh vực.

Đầu tư để tạo thương hiệu

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch còn một số hạn chế, chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội. Theo các chuyên gia, cần khắc phục những tồn tại, phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có để phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, hướ́ng tới xây dựng tthương hiệu du lịch Thủ đô có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Để Hà Nội định vị được thương hiệu trong công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa thì những sản phẩm văn hóa cần chứa đựng tính nghệ thuật, độc đáo, hấp dẫn, thậm chí độc bản. Các cơ quan, đơn vị chức năng cần xây dựng Bộ tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa Thủ đô.

PGS.TS Trần Thị Ngọc Quyên (Trường Đại học Ngoại thương) cho rằng, Hà Nội đang thể hiện quyết tâm lớn trong việc phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô thông qua nhiều hoạt động thiết kế sáng tạo, hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu chuyên sâu. Tuy nhiên, thành phố cần đầu tư, huy động nhân lực tài năng để phát triển công nghiệp văn hóa, từ đội ngũ quản lý đến các nghệ nhân, nghệ sĩ có tài năng sáng tạo sản phẩm đặc biệt và nhân lực ở các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học.

Nhạc sĩ Quốc Trung - người sáng lập và tổng đạo diễn Monsoon Music Festival - thương hiệu nghệ thuật của Hà Nội đã chỉ ra rằng, ngoài nỗ lực của những người sáng tạo, cần có cơ chế, chính sách ưu tiên, tạo điều kiện từ các cấp, ngành, địa phương. Phát triển công nghiệp văn hóa là nhu cầu của mọi người, mọi cấp, ngành, địa phương và đem lại lợi ích cho toàn xã hội.

Ngoài ra, theo các nghiên cứu văn hóa, Hà Nội cần xác định 3 ngành gồm du lịch văn hóa, ẩm thực và nghệ thuật biểu diễn có nhiều dấu ấn, tiếng vang thời gian vừa qua để tập trung phát triển thành ngành công nghiệp văn hóa thế mạnh là rất chính xác. Vấn đề là cần lựa chọn được những sản phẩm, dịch vụ từ những ngành này để ưu tiên đầu tư.

TS Đỗ Thị Liên Vân - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa xã hội (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) cho rằng, cần xây dựng bộ tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ của Hà Nội có điều kiện, tiềm năng. Tiêu chí nhận diện sản phẩm, dịch vụ là sự tiêu biểu, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Hà Nội. Mang tính đa ngành, đa lĩnh vực, có khả năng tạo thành chuỗi sản phẩm giá trị, có khả năng quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước. Qua đó cũng góp phần giáo dục, định hướng nhu cầu, thị hiếu, thẩm mỹ cho cộng đồng và giới trẻ…

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/san-pham-van-hoa-mang-ban-sac-thu-do-10271820.html