Sài Gòn, 'non tơ' Phố ông Đồ

'Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông Đồ già/ Bày mực Tàu giấy đỏ/ Trên phố đông người qua…'. Nét đẹp truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc vừa được ngành văn hóa - du lịch TP Hồ Chí Minh tái hiện sinh động tại 'phố Ông Đồ', phục vụ người dân và du khách.

Đây là phố văn hóa được nhiều người gọi với thái độ trìu mến là “non tơ”. Đặc trưng ấy không chỉ bởi đó là sản phẩm du lịch mới ra đời của TP Hồ Chí Minh mà còn bởi các “ông Đồ” ở đây đa số là người trẻ, thậm chí có “ông Đồ” đang ở tuổi… thiếu niên.

Cùng với các sản phẩm du lịch – văn hóa đặc trưng như: Đường hoa Nguyễn Huệ, Đường sách Nguyễn Văn Bình, Phố hoa mai Phạm Ngọc Thạch…, Phố ông Đồ trở thành điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách. Thời điểm lý tưởng nhất để thưởng lãm là ban đêm, từ khoảng 19 giờ đến 24 giờ.

Phố ông Đồ nằm cạnh Công viên Tao Đàn, đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. Địa điểm này kết nối với Hội hoa Xuân Tao Đàn và các điểm đến văn hóa như Đường hoa Nguyễn Huệ, Đường sách Nguyễn Văn Bình… tạo thành chuỗi sản phẩm văn hóa – du lịch đặc sắc, hấp dẫn ở khu vực trung tâm thành phố dịp Tết Canh Tý 2020.

Phố ông Đồ quy tụ những nghệ nhân thư pháp tài hoa, tái hiện tập tục tặng chữ ngày Xuân, thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, xin chữ…

Để thuận lợi cho việc “Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay…”, nhiều ông Đồ phải có người giúp việc, chuẩn bị bút nghiên, giấy mực…

Rất nhiều du khách bày tỏ bất ngờ và thích thú khi người viết thư pháp, tặng chữ là những cô gái trẻ trung, xinh xắn…

Ông Đồ” trẻ nhất là bé Nguyễn Ngọc Gia Hân, học sinh lớp 7, Trường THCS Lý Thường Kiệt, quận Bình Tân. Gia Hân học viết thư pháp 3 năm nay. Nét chữ của bé được nhiều người yêu thích bởi sự hồn nhiên, trong trẻo, tinh khôi…

Bên cạnh “mực Tàu, giấy đỏ”, Phố ông Đồ còn có các nghệ nhân trẻ viết thư pháp bằng bút điện trên nền gỗ bạch tùng. Sản phẩm nghệ thuật độc đáo này được các chủ nhà hàng, khách sạn rất ưa chuộng.

Phố ông Đồ còn có sự góp mặt của các họa sĩ trẻ. Trong ảnh là họa sĩ Hoàng Lâm, cựu sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu, (Hà Nội), chuyên sáng tác tranh sơn dầu. Anh cho biết, trong 2 đêm vừa qua đã bán được 4 bức tranh sơn dầu vẽ thiếu nữ Việt mặc áo dài, mỗi bức giá 15 triệu đồng. “Du khách các nước phương Tây rất yêu thích tranh sơn dầu vẽ thiếu nữ Việt Nam trong tà áo dài tha thướt. Tranh tôi vẽ kết hợp cả hai trường phái tả thực và trừu tượng. Những bức tranh trưng bày ở đây được tôi sáng tác trong 10 năm qua” – họa sĩ Hoàng Lâm chia sẻ.

Đìu hiu hơn cả là những quầy vẽ truyền thần, ký họa. Vắng khách nên những người thợ vẽ chủ yếu ngồi uống nước, tán gẫu. Một thợ vẽ giải thích nguyên nhân vắng khách: “Người Sài Gòn có phong cách phóng khoáng, sôi động nên không thích ngồi im một chỗ cả tiếng đồng hồ làm mẫu vẽ”.

Khuôn viên Phố ông Đồ còn có khu vực sắp đặt linh vật chuột để các cháu nhỏ vui chơi, chụp ảnh…

PHAN TÙNG SƠN (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/sai-gon-non-to-pho-ong-do-608548