Sacombank bán bất động sản trị giá 7.600 tỷ của Trầm Bê, Him Lam có đứng ra mua?

Sacombank do ông Dương Công Minh làm chủ tịch HĐQT đang rao bán khối tài sản trị giá hơn 7.600 tỷ đồng liên quan tới ông Trâm Bê. Đây là lần thứ hai ngân hàng này giao bán tài sản bất động sản liên quan tới ông Trầm Bê. Liệu Him Lam có tiếp tục tham gia lần đấu giá này của Sacombank hay không?

Theo thông báo, Sacombank do ông Dương Công Minh làm chủ tịch HĐQT rao bán một dự án khủng tại huyện Bình Chánh, TP.HCM có liên quan tới Trầm Bê, ông trùm ngân hàng một thời Trầm Bê, nguyên phó chủ tịch và là người léo lái SouthernBank trước khi sáp nhập và thống trị Sacombank trong khoảng 1-2 năm.

Dọn dẹp tài sản nghìn tỷ liên quan tới Trầm Bê

Dự án Khu công nghiệp Phong Phú được rao bán với giá khởi điểm hơn 7.600 tỷ đồng với diện tích 134 ha, trong đó có 67 ha đất khu công nghiệp và 67 ha đất dành cho khu dịch vụ công nghiệp. Đây là một dự án từng thuộc sở hữu của BCCI, doanh nghiệp bất động sản mà ông Trầm Bê từng là Phó Chủ tịch nhiều năm. Dự án sau đó được chuyển nhượng sang một công ty khác cũng có liên quan tới ông Trầm Bê: CTCP Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (Saigonnic).

Dự án Khu công nghiệp Phong Phú là bất động sản công nghiệp có thời hạn sử dụng 50 năm với diện tích 134 ha (trong đó 67ha đất khu công nghiệp, 67ha đất dành cho dịch vụ công nghiệp). Dự án đã thực hiện đền bù quỹ đất diện tích 120,2ha, phần còn lại 13,8ha chưa hoàn thành việc thanh toán đền bù.

Khu đất nằm trên mặt đường Nguyễn Văn Linh, Bình Chánh liền kề với khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nằm ngay góc đường Trịnh Quang Nghị và Nguyễn Văn Linh. Cách giao lộ Nguyễn Văn Linh và Quốc lộ 1A chỉ 3,7km.

Trong lần dọn dẹp này, Sacombank còn rao bán 10 bất động sản khác tại TP.HCM và Bà Rịa Vũng Tàu, trị giá hơn 2.400 tỷ đồng.

Trước đó, cuối năm 2017, Sacombank cũng đã từng rao bán với 3 lô đất ở khu Công nghiệp Đức Hòa III - Long An với giá trị gần 10.000 tỷ đồng để thu hồi khoản nợ liên quan đến nhóm Trầm Bê. Giá trị 3 lô đất này đã được điều chỉnh giảm gần 900 tỷ đồng. Tuy nhiên, một trong những lý do khiến các tài sản này khó chuyển nhượng là do Sacombank đưa ra điều kiện khối tài sản kể trên phải được thanh lý trong cùng một lần đấu giá.

(Ảnh Vietnamnet)

Vào đầu năm 2018, khối tài sản gần 10.000 tỷ đồng đã được Sacombank đấu giá thành công, với tổng giá trị chuyển nhượng 9.200 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Him Lam. Trong đó, Sacombank mới thu về 920 tỷ tiền mặt, đây là khoản tiền đặt cọc vào ngày ký hợp đồng. Còn 8.280 tỷ đồng sẽ được phía đối tác trả chậm trong vòng 7 năm từ ngày ký hợp đồng vào ngày 29.12.2017, với ân hạn 2 năm đầu và phí trả chậm 7,5% mỗi năm. Đồng thời ngân hàng này cũng hoàn thành kế hoạch xử lý nợ xấu vượt chỉ tiêu với hơn 19.000 tỷ đồng.

Ai sẽ mua tài sản liên quan tới Trầm Bê?

Ông Dương Công Minh bắt đầu giữ vị trí Chủ tịch Sacombank từ 6.2017, thay cho ông Kiều Hữu Dũng. Gần đây ông Minh đẩy mạnh thu gom cổ phiếu ngân hàng này nhằm nâng tỷ lệ sở hữu.

Thời điểm ông Kiều Hữu Dũng làm chủ tịch HĐQT Sacombank cũng là giai đoạn chuyển giao quyền giữa các nhóm cổ đông gia đình ông Đặng Văn Thành và gia đình ông Trầm Bê.

Đây cũng là giai đoạn Sacombank đã sáp nhập với SouthernBank do nhóm cổ đông lớn nhất khi đó là gia đình ông Trầm Bê sở hữu. Kể từ sau thương vụ sáp nhập này, Sacombank bắt đầu khó khăn và vướng vào những khoản nợ xấu hàng chục nghìn tỷ đồng.

Hàng chục ngàn tỷ đồng nợ xấu đã trở thành gánh nặng chung, và câu chuyện tái cơ cấu Sacombank trở nên phức tạp hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh các cơ chế xử lý nợ xấu chưa được khởi thông, tài sản đảm bảo khó có thể xử lý để thu hồi tiền cho vay về cho ngân hàng.

Đại diện nhóm thâu tóm, ông Trầm Bê, tưởng chừng là người thắng cuộc sau khi sáp nhập thành công SouthernBank vào Sacombank, cũng đã lặng lẽ rút khỏi cuộc chơi và từ bỏ hết cổ phần tại ngân hàng sau sáp nhập vì khối nợ SouthernBank để lại quá lớn.

Ông Trầm Bê gần đây bị xét xử trong vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 và bị tuyên án 4 năm tù tính từ ngày 1.8.2017.

Gần đây, Sacombank đã phần nào vượt qua được khó khăn sau khi dồn dập bán các tài sản khủng là các lô đất thế chấp với trị giá cả chục ngàn tỷ đồng và lợi nhuận từ tín dụng cũng tăng mạnh.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Sacombank, tỷ lệ nợ xấu tính đến 30/6 là 3,3%, đã thu hồi được hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong 6 tháng đầu năm 2018. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.000 tỷ đồng, tương đương 54,2% kế hoạch năm. Tổng tài sản đạt gần 401.000 tỷ đồng, tăng 8,7% so với đầu năm, trong đó tỷ trọng tài sản có sinh lời tăng 3,5%.

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia tài chính, hiện nay ông Dương Công Minh đã có “chân” trong ngân hàng, việc dọn dẹp bất động sản không chỉ liên quan đến nợ xấu mà có thể còn là 1 cách củng cố vị thế và lợi ích của mình trong ngân hàng. Tuy nhiên, điều đó cũng là tích cực bởi hiện nay ngành ngân hàng đang quyết liệt tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, với 1 ngân hàng vẫn còn nhiều vấn đề như Sacombank thì rõ ràng không thể tránh được.

Với việc giao bán tài sản liên quan tới Trầm Bê trị giá hơn 7.600 tỷ đồng lần này của Sacombank, ai sẽ là nhà đầu tư có đủ tiềm lực để mua?

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, trên thị trường có rất nhiều đại gia có thể đứng ra mua khối tài sản này của Sacombank. “Bởi những bất động sản có liên quan đến Trầm Bê hay nợ xấu của ngân hàng thường sẽ được bán với giá “mềm” hơn so với giá thị trường hiện nay. Đó sẽ là khoản đầu tư có lời cho nhà đầu tư. Và cũng không loại trừ khả năng Công ty cổ phần Him Lam tiếp tục đứng ra mua khoản nợ này từ Sacombank”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Lê Thúy

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/sacombank-ban-bat-dong-san-tri-gia-7600-ty-cua-tram-be-him-lam-co-dung-ra-mua-911072.html