Sách cổ - tiếng nói từ quá khứ!

Chỉ dày 72 trang giấy chất liệu vải lanh có nội dung hơn 300 ghi chú và các bản vẽ chi tiết về đề tài nghiên cứu nước cùng chuyển động của nước, mối quan hệ của mặt trăng - trái đất - mặt trời, cuốn sách 'Codex Leicester' của thiên tài Leonardo da Vinci (1452 - 1519) đã hé mở mối liên hệ mật thiết giữa nghệ thuật và khoa học trong sự đam mê sáng tạo của con người. Đến nay cuốn sách cổ này được coi là đắt nhất thế giới. Tỷ phú Bill Gates đã mua lại với giá 30,8 triệu USD!

Có nội dung chính trị, cuốn "Magna Carta Libertatum" (tiếng Latin có nghĩa là Đại Hiến chương về những quyền tự do) - một văn kiện quý hiếm thời Trung cổ, tác giả là Tổng giám mục Canterbury (có sự xác nhận của vua John nước Anh). Cuốn sách nói về sự hạn chế quyền hạn của nhà vua, cam kết bảo vệ quyền lợi của giáo hội, quý tộc. Trở thành biểu tượng của quyền tự do và quyền dân sự, cuốn sách được giới luật học thế kỷ XX gọi là "tài liệu mang tính hiến pháp vĩ đại nhất mọi thời đại". Năm 2007, cuốn sách được một doanh nhân giấu tên ở Washington bỏ ra 21,2 triệu USD để sở hữu sau cuộc đấu giá.

Có nội dung tôn giáo gần như nguyên thủy, bản thảo "St Cuthbert Gospel" tức "Phúc âm Gioan" viết xong vào khoảng cuối thế kỷ thứ VII rồi được đặt trong quan tài Thánh Cuthbert. Ngôi mộ được phát hiện vào năm 1104, khi mở quan tài người ta mới phát hiện ra bản thảo này được đóng bìa bằng da màu đỏ, vẫn còn khá nguyên vẹn từ trong ra ngoài. Đây là quyển sách cổ xưa nhất còn được lưu giữ ở châu Âu. Năm 2011, Thư viện Anh mua lại quyển sách này với giá 15,1 triệu USD.

Là sách viết tay, cuốn "The Canterbury Tales" ("Cổ tích xứ Canterbury") có nội dung chính là những câu chuyện của tác giả Geoffrey Chaucer kể về cuộc chiến tranh kéo dài gần 100 năm ở Anh, kết thúc vào cuối thế kỷ XIV. Cuốn sách đa dạng về thể loại, chủ yếu là thơ, một số ít ở dạng văn xuôi được viết bằng tiếng Anh cổ. Năm 1998, sách được đem ra bán đấu giá 7,5 triệu USD...

Một trang viết tay trong cuốn sách cổ “The Canterbury Tales”.

Một trang viết tay trong cuốn sách cổ “The Canterbury Tales”.

Trước nay người ta bàn nhiều về vai trò to lớn của sách, đại để là sách chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần không thể thay thế. Được ghi lại bằng nhiều dạng ngôn ngữ khác nhau (chữ viết, hình ảnh, âm thanh, ký hiệu,...) của các dân tộc khác nhau để lưu trữ, tích lũy, truyền bá tri thức nên nhờ sách mà con người mới tiến bộ, phát triển. Thông qua sách, con người có thể trở về với quá khứ lịch sử để tái hiện cuộc sống của nhân loại đã vùi kín trong lớp lớp thời gian. Biết quá khứ, lấy đó làm điểm tựa, làm bệ phóng, làm hành trang tinh thần con người mới có thể bay vào tương lai. Đại thi hào Nga M.Gorki đã nói: "Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới". Tức nhờ sách ông mới mở mang được tâm hồn, trí tuệ. Minh triết trong truyền thống Việt rất đề cao vai trò của sách, coi đó là thứ tài sản quý giá nhất mà cha mẹ để lại cho con: "Để vàng bạc chẳng bằng để sách cho con", vì "Một kho vàng không bằng một nang sách"...

Là cầu nối giữa các thế hệ nên thiếu sách tất yếu sẽ tạo ra sự "đứt gãy" với khoảng trống đáng sợ. Chỉ trên cơ sở những trang sách, thế hệ sau mới có thể hiểu được tường tận, kỹ càng những gì mà thế hệ trước đã làm, để rồi theo dòng chảy truyền thống sẽ tiếp thu, kế thừa, phát triển và nâng cao mà tạo ra các giá trị mới.

Là người thầy vĩ đại trong việc giáo dục nhân cách con người, mỗi cuốn sách đều chứa trong nó những giá trị nhân văn dạy con người biết sống, biết sáng tạo, biết yêu thương, chia sẻ... Là một cách "mã hóa" tâm hồn, tư tưởng của thế hệ đi trước rồi gửi gắm trong đó nên nếu không có sách, không đọc sách sẽ không hiểu quá khứ, không hiểu những ý nghĩa về đời sống. Và như vậy con người sẽ sa vào tình trạng vô cảm, dễ đi ngược lại đạo lý và chân lý.

Sách cho con người tri thức, tầm nhìn, cao hơn là cho những khao khát chinh phục, chinh phục chính mình rồi chinh phục tự nhiên, xã hội. Sách là sứ giả, là cầu nối gắn kết con người với con người từ nhiều chân trời khác nhau. Qua sự gặp gỡ, kết nối, thăm viếng, con người cùng gửi tiếng nói chung vào một văn bản, một quyển sách, để rồi qua đó người ta thấy được quá trình đã qua và cả tương lai của các cộng đồng, các quốc gia. Sách chính là tiếng nói đối thoại giữa các nền văn hóa. Không có sách, không tạo ra sách sẽ không bao có được đối thoại, mà ở thời đại ngày nay, đối thoại mới quyết định xu thế phát triển...

Sách nói chung quý như vậy. Sách cổ còn quý hơn nhiều. Trước hết là chúng hiếm!

Thuật ngữ "sách cổ" (antiquarian book) thường được dùng trong lĩnh vực nghiên cứu, sưu tầm, mua bán cổ vật. Từ "antiquarian" có nguồn gốc từ "antiquarius", tiếng Latin có nghĩa là cổ vật. Mà đã là "cổ vật" thì phải hiếm và đắt. Theo "Từ điển tiếng Anh Oxford" thì "antiquarian" (tính từ) chỉ những gì liên quan hoặc thuộc về cổ vật hoặc sách quý hiếm. Có một định nghĩa chung nhất về sách cổ được thừa nhận: một cuốn sách cũ, đã qua sử dụng, không còn được tái bản nữa, có giá trị vì độ hiếm hoặc tình trạng của nó.

Ở các nước châu Âu, châu Mỹ sách cổ có giá trị thường được bán theo hình thức đấu giá. Đến nay thế giới chưa có sự thống nhất chung về thời điểm ra đời của sách cổ. Cục Lưu trữ Liên bang Nga quy định đó là những tài liệu có từ cuối thế kỷ XVII. Người Trung Quốc quan niệm đó là "các sách phản ánh nền văn hóa Trung Hoa được tạo ra với các dạng thức truyền thống và được xuất bản trước năm 1911". Ở ta, theo Luật Di sản, những đồ vật có tuổi 100 năm trở lên được coi là cổ vật. Như vậy sách cổ nước ta đều được viết ở thời phong kiến. Tập quán người Việt thời đó rất trọng sách, quý sách. Khi đọc sách viết bằng chữ "thánh hiền" phải đốt hương trầm tạo ra không khí linh thiêng để tiếp nhận. Sách phải để nơi trang trọng nhất, thường là nơi bàn thờ tổ tiên...

Tranh cổ minh họa công việc viết cuốn “Magna Carta Libertatum”!

Vì là những tài liệu được xuất bản vào thời xa xưa có nội dung phản ánh các khía cạnh của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của một quốc gia, một cộng đồng qua các thời kỳ trong lịch sử nên sách cổ rất quý. Chỉ qua sách đó con người mới hiểu được thời xưa. "Phi cổ bất thành kim", không có xưa thì không có nay. Thế nên sách cổ rất đắt, nhất là sách "độc bản". Như những con thuyền ngược dòng lịch sử, các cuốn sách cổ sẽ đưa con người về với truyền thống một cách ngắn nhất, tin cậy nhất. Kho tàng văn hóa mỗi quốc gia là kho vàng bạc châu báu thì sách cổ là những viên ngọc. Không ngẫu nhiên người xưa nói: "Thư trung hữu ngọc" (trong sách có ngọc). Nhà bác học Lê Quý Đôn có câu: "Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng/ Không bằng kinh sử một vài pho". "Kinh sử" chỉ loại sách mẫu mực, kinh điển, cổ xưa rất quý hiếm.

Bàn luận về vai trò, ý nghĩa, tác dụng của sách cổ thì vô cùng nên xin giới thiệu giá trị của một vài cuốn chưa được giải mã. Ngày nay tín ngưỡng Ai Cập vẫn quan niệm cuốn sách thiêng của Thần Thoth (The Book of Thoth) sẽ cung cấp trí tuệ và quyền năng vô hạn cho những ai hiểu được nội dung của sách nói về các bí ẩn của không gian, thời gian, con người và vũ trụ. Đến nay bản thảo "Voynich" duy nhất vẫn là cuốn sách bí ẩn nhất thế giới được lưu trữ tại Thư viện Sách quý hiếm của trường đại học Yale (Mỹ). Sách khoảng 600 tuổi dày 240 trang được viết bằng ngôn ngữ lạ cùng nhiều biểu đồ và hình thực vật kỳ quái. Những cuốn sách này đang thách thức trí tuệ nhân loại, mà theo các nhà khoa học, nếu giải mã được sẽ mở ra cho loài người một chân trời mới!

Vụ việc mất 25 cuốn sách cổ xảy ra tại Viện Hán Nôm (như báo chí đã nêu) là sự đau xót. Vì đó là tài sản văn hóa vô giá của dân tộc. Nếu nói chỉ mất sách chứ "không mất nội dung" thì hoặc là chưa hiểu giá trị sách cổ hoặc là sự ngụy biện vụng về. Bởi là "cổ vật" nên phải có "vật" để trực quan nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích, đối sánh tìm ra chất liệu, thời gian, công nghệ... Là mã văn hóa đặc biệt nên phải được khảo cứu một cách đặc biệt về ký hiệu, hình dáng, mẫu mã... Vì là những "viên ngọc" của quốc gia nên bất kỳ đất nước nào cũng giữ gìn sách cổ một cách tốt nhất có thể. Với quan niệm đó là những "tiếng nói trung thực nhất từ quá khứ", Thư viện Quốc gia Trung Quốc đã thực hiện một dự án lớn "Bảo tồn sách cổ Trung Quốc" rất chiến lược, bài bản để lưu giữ sách cổ một cách hệ thống, đầy đủ, nguyên vẹn. Đó là bài học rất đáng suy ngẫm!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/sach-co-tieng-noi-tu-qua-khu--i682397/