'Sắc thái' ở Nghị trường

Để thông tin tới cử tri, độc giả về nhiều vấn đề quan trọng của đất nước tại hai kỳ họp Quốc hội mỗi năm, các phóng viên báo chí đã phải nỗ lực rất nhiều. Tuy nhiên, câu chuyện 'hậu trường' và các 'sắc thái' tác nghiệp ở Nghị trường thì không phải ai cũng biết.

Phóng viên Báo Công Thương tác nghiệp tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV

Theo dõi và làm tin Nghị trường Quốc hội, cảm giác ban đầu là lo lắng, nhất là đối với "lính mới" như chúng tôi. Trong một rừng thông tin ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và xã hội, chúng tôi ý thức được rằng phải làm sao lựa chọn, phản ánh nhanh, đúng và phù hợp, vừa bám sát tôn chỉ mục đích của tòa soạn, vừa đáp ứng được yêu cầu của độc giả.
Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội, báo chí đa phương tiện lên ngôi…, công tác tổ chức, truyền thông của Quốc hội cũng có sự thay đổi, đa dạng, chuyên nghiệp hơn. Trung tâm Báo chí rộng, bàn ghế sạch sẽ, đèn điện sáng choang, điều hòa mát rượi. Muốn ăn uống, có căng tin phục vụ từ sáng tới trưa; giữa mỗi buổi nghỉ giải lao lại có ăn nhẹ dạng buffet.

Ngồi ở Trung tâm Báo chí cũng gần giống như ngồi ở hội trường vì có màn hình, âm thanh kết nối trực tiếp, phóng viên có thể theo dõi mọi diễn biến các phiên họp. Tài liệu cũng tương đối đa dạng, phong phú. Đối với các Dự thảo luật, báo cáo của từng vấn đề và các văn kiện khác đều có trên mạng, phóng viên chỉ cần tải xuống. Với những phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn, sau vài ba tiếng kết thúc buổi làm việc, Tổ thông tin của Văn phòng Quốc hội sẽ bóc băng và gửi qua mạng; tương tự, với ảnh hội trường cũng vậy.
Mỗi phiên họp kéo dài gần 4 giờ đồng hồ và có nghỉ giải lao 20 phút. Trong thời gian này, phóng viên có thẻ sự kiện sẽ được lên hành lang, trực tiếp phỏng vấn các đại biểu Quốc hội về các vấn đề quan tâm. Còn họp tại Tổ, tất cả các phóng viên được lựa chọn tổ phù hợp để vào nghe hoặc phỏng vấn bất cứ đại biểu nào nếu họ đồng ý.

Trước đây, số lượng báo chí tác nghiệp hội trường rất ít, khâu tổ chức còn thiếu kinh nghiệm nên đầu giờ mỗi buổi sáng/chiều, phóng viên muốn có thẻ sự kiện (số lượng cũng ít) cần phải đến rất sớm, cạnh tranh nhau để có thẻ. Nhưng vài ba năm trở lại đây, đầu mỗi kỳ họp, trung tâm có sổ đăng ký cho từng phiên, từng ngày, ai có nhu cầu thì ghi vào cuốn sổ đó. Đầu mỗi buổi họp sẽ có danh sách những cơ quan báo chí được cấp thẻ, số lượng thẻ cũng nhiều hơn. Năm 2017 là 20 thẻ, năm 2018 tăng lên 30 thẻ.

Thông thường, những cơ quan báo chí như đài truyền hình, truyền thanh, hãng thông tấn quốc gia cộng thêm các báo có thương hiệu, tầm ảnh hưởng xã hội lớn đương nhiên có xuất, còn các báo khác chia nhau theo sự sắp xếp của Trung tâm Báo chí. Khi lấy thẻ phải đăng ký tên, số điện thoại, ký nhận thẻ. Sau khi hết giờ giải lao, phóng viên tự động mang trả thẻ, nếu không sẽ được nhắc đích danh.

Nghe có vẻ dễ dàng, song không phải không có những khó khăn, đi kèm là các sắc thái vui - buồn lẫn lộn của các phóng viên, trong đó có chúng tôi.

Có một điều chắc chắn rằng, truyền thông báo chí ngày nay cạnh tranh khốc liệt về độc giả nên phóng viên cũng phải tìm cách thích ứng. Dù mỗi cơ quan báo chí khai thác một kiểu khác nhau, nhưng đều có điểm chung là đáp ứng sự tò mò của độc giả.

Khi tác nghiệp ở hành lang, không phải ngày nào cũng may mắn. Nghĩa là có những đại biểu đồng ý trả lời, nhưng cũng có đại biểu từ chối với đủ lý do như đang bận, không phải lĩnh vực chuyên môn, hay vấn đề quá nhạy cảm, hoặc không muốn mình nổi tiếng "bất đắc dĩ" khi cánh nhà báo hay thích giật tít câu view... đấy cũng là lý do độc giả hay thấy "những gương mặt cũ".

Quan sát thực tế, trong số các câu hỏi đặt ra bên hành lang Quốc hội, có một tỷ lệ khá lớn là về các vấn đề xã hội. Điều này cũng dễ hiểu vì các vấn đề xã hội hay được các đại biểu trả lời hơn, trong khi nói về kinh tế - thương mại, cần có số liệu cụ thể, hoặc ít ra, phải có chuyên môn. Nói như vậy để thấy rằng, phóng viên kinh tế của các tờ báo ngành như chúng tôi sẽ rất vất vả để tìm cho đúng đại biểu để hỏi. Hoặc tìm được, tìm đúng nhưng chưa chắc đã thỏa mãn mong muốn của mình.

Dường như có một điều mà các "lính mới" đều trải qua, đó là thời gian đầu lên hội trường đều phải quan sát, rồi cầm máy "nghe nhờ" đồng nghiệp khác nên phải tôn trọng họ. Khi họ kết thúc mới đặt câu hỏi mình muốn. May mắn thì còn thời gian, nếu hết giờ đành phải nài nỉ đại biểu, trường hợp đại biểu không đồng ý, coi như "xôi hỏng bỏng không". Khó khăn, áp lực là vậy nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy vui và hãnh diện vì được lãnh đạo Tòa soạn tin tưởng, phân công tác nghiệp. Vui vì có nhiều thông tin để làm tin, bài; được tiếp cận, giao lưu, mở rộng quan hệ với nhiều người, trong đó có các đồng nghiệp đến từ hàng trăm cơ quan báo chí khác nhau và cả đại biểu Quốc hội. Mọi nỗ lực được lãnh đạo Tòa soạn ghi nhận, nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất là tin bài đăng có số lượng view cao…

Có một điều chắc chắn rằng, mỗi phóng viên tác nghiệp ở Nghị trường đều học hỏi được nhiều điều sau mỗi kỳ họp và trưởng thành hơn trên con đường làm nghề với tâm niệm phải cố gắng hơn nữa để có những bài báo chất lượng, sâu sắc hơn; hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin của lãnh đạo cơ quan và với độc giả thân yêu.

Đình Dũng - Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/sac-thai-o-nghi-truong.html