Sa thải công nghệ bước vào giai đoạn mới khốc liệt hơn

Amazon, Google, Microsoft và các công ty công nghệ khác đã sa thải hàng loạt ngay trong tháng 1/2024 nhưng có sự đổi mới so với năm ngoái.

Năm ngoái, CEO Meta Mark Zuckerberg tuyên bố năm 2023 là "năm của hiệu quả". Meta đã sớm sa thải 1/3 nhân viên. Amazon, Google và Microsoft cũng cắt giảm hàng chục nghìn nhân sự. Bước sang năm 2024, các công ty công nghệ đã bước vào giai đoạn cắt giảm chi phí mới.

Sau đợt sa thải trên diện rộng vào năm ngoái, các tên tuổi lớn của làng công nghệ trong những tuần gần đây đã thực hiện cắt giảm quy mô nhỏ hơn trong khi tập trung vào ít dự án hơn và điều chuyển nguồn lực sang các sản phẩm chủ chốt như trí tuệ nhân tạo (AI). Mệnh lệnh từ cấp cao nhất là như nhau: Làm nhiều hơn với ít người hơn.

Meta năm nay sẽ cắt giảm số lượng "quản lý chương trình kỹ thuật" tại Instagram và Facebook. (Ảnh: New York Times)

Nabeel Hyatt, một quản lý tại công ty đầu tư mạo hiểm Spark Capital, chia các đợt sa thải hiện tại thành ba “rổ”: Các công ty độc quyền công nghệ lớn, béo bở đang tìm kiếm sự tăng trưởng và lợi nhuận nhiều hơn; Các công ty quy mô vừa tuyển dụng quá mức trong thời kỳ bùng nổ; Các công ty khởi nghiệp nhỏ hơn chỉ đang cố gắng tồn tại.

Sa thải diễn ra nhiều năm sau khi nền kinh tế toàn cầu bùng nổ và lãi suất gần như bằng 0, giúp các doanh nghiệp công nghệ thu hút nhân tài hàng đầu trong đại dịch. Nhiều công ty đã thuê hàng chục nghìn nhân sự mới trong thời gian đó để theo kịp nhu cầu kỹ thuật số.

Song, các CEO đã phải suy nghĩ khác đi. Khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ và mọi người quay lại nhịp sống cũ, việc sử dụng các sản phẩm công nghệ cũng giảm hẳn từ đỉnh của dịch Covid-19. Theo dữ liệu của Layoffs.fyi, hơn 1.000 doanh nghiệp trong ngành đã loại bỏ tới 260.000 việc làm vào năm 2023.

Nếu như vài năm trước, Silicon Valley gần như miễn dịch với sa thải thì nay, điều đó không còn nữa. Nhiều CEO thừa nhận rằng họ đã tuyển dụng quá mức. Họ thực hiện cắt giảm chiến lược đối với các lĩnh vực mà họ có kế hoạch đầu tư ít hơn và một số loại công việc không còn cần thiết nữa. Các công ty nhỏ hơn trước đây có thể dễ dàng huy động vốn cũng phải sa thải để duy trì hoạt động.

Trong 30 ngày đầu năm 2024, 25.000 người tại khoảng 100 công ty công nghệ đã bị mất việc, theo Layoffs.fyi.

Làn sóng mất việc làm có xu hướng xảy ra đột ngột và cùng một lúc, Sheel Mohnot, một quản lý tại công ty đầu tư mạo hiểm Better Tomorrow Ventures cho biết. Rất dễ biện minh họ không phải người duy nhất trong ngành cắt giảm.

Meta, công ty sở hữu Facebook và Instagram, là ví dụ điển hình cho vòng cung sa thải.

Năm 2023, Zuckerberg loại bỏ cái mà ông gọi là "nhà quản lý quản lý nhà quản lý". Năm nay, công ty đặt mục tiêu đặc biệt vào thu hẹp số lượng vai trò "quản lý chương trình kỹ thuật" trên Instagram, theo hai nguồn tin của New York Times. Một người quản lý chương trình kỹ thuật (TPM) giám sát các dự án khác nhau trong một bộ phận và chịu trách nhiệm giữ cho các nhóm đúng tiến độ - chính xác là loại vai trò quản lý cấp trung mà Zuckerberg dự định cắt giảm.

Amazon cũng sa thải hàng trăm người trong tháng 1 tại các bộ phận Prime Video, MGM Studios và Twitch. Google thực hiện cắt giảm tại các bộ phận YouTube, điện thoại Pixel, đồng hồ Fitbit và bộ điều nhiệt Nest.

Trong một bản ghi nhớ nội bộ mà New York Times có được, CEO Sundar Pichai gợi ý sa thải sẽ chưa dừng lại và công ty sẽ loại bỏ nhiều "tầng lớp hơn để đơn giản hóa việc thực thi và thúc đẩy tốc độ trong một số lĩnh vực".

Điều này cũng đang diễn ra trong các startup quy mô trung bình với hàng trăm nhân viên. Một số có thể IPO nên cần xem xét kỹ lưỡng về tài chính của mình.

Một số lĩnh vực đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề trong tháng 1, đặc biệt là game. Unity Software, Riot Games, Eidos-Montreál, Activision Blizzard và Xbox của Microsoft đã thu hẹp quy mô trong những tuần gần đây. Theo nhà phân tích Joost van Dreunen, một phần nguyên nhân là do các xưởng game hợp nhất với nhau.

Sau vài game bom tấn ra mắt năm trước, các tựa game dự định phát hành năm nay không quá “hot” và cần ít nhân viên hơn. Người tiêu dùng và lập trình viên cũng đang chờ đợi các máy chơi game mới như Switch 2 của Nintendo, dẫn đến giảm chi tiêu và phát triển game.

Discord, mạng xã hội và ứng dụng trò chuyện nhóm dành cho game thủ, đã đuổi việc 17% nhân viên, tương đương 170 việc làm vào tháng trước, sau khi số lượng nhân viên tăng gấp 5 lần kể từ năm 2020.

Rất ít người kỳ vọng làn sóng sa thải sẽ sớm chậm lại. Nhiều startup, không thể thu hút thêm vốn đầu tư mạo hiểm khi lãi suất tăng, đang cắt giảm nhân sự và tập trung vào ít sản phẩm hơn. "Họ có thể đã thử rất nhiều thứ để tìm ra một mô hình kinh doanh hiệu quả", ông Mohnot nói. "Nhưng bây giờ, đã đến lúc phải tính toán".

(Theo New York Times)

Du Lam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/sa-thai-cong-nghe-buoc-vao-giai-doan-moi-khoc-liet-hon-2245991.html