Rừng bị phá, có phải xung đột từ bảo vệ và khai thác?
LTS: Nhiều cây rừng thuộc tầng cây gỗ cao vẫn đang bị lén lút đốn hạ, thảm thực vật rừng xơ xác, tan nát bởi hoạt động khai thác lâm sản phụ của rừng vốn đã được cấp phép cho cá nhân vào khai thác. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng mỏng và chưa kiểm soát tốt, quy định rõ ràng việc khai thác tận thu dẫn đến nhiều cánh rừng trên địa bàn tỉnh đang 'khóc', cần được 'cứu'.
Rừng bị phá
Bài 1: Lõi rừng không còn nguyên sơ
Nhìn từ ngoài bìa rừng, chúng tôi nghĩ rừng vẫn còn nguyên sơ, ngày đêm che chắn cho con người khỏi sự tàn phá của thiên tai, nhưng khi được nghe người dân sống giáp rừng chia sẻ và vào tận nơi chứng kiến thì mới bất ngờ. Đi sâu vào bên trong thì cây rừng càng biến mất, thảm thực vật rừng có nơi bị phá hủy, cày xới tan nát.
Từ thông tin phá rừng
Không ít lần về vùng cao - nơi có những vạt rừng xanh mát để được đắm mình trong cảnh quan thiên nhiên, được gần gũi người dân ở đây vốn hiền hòa chất phác. Chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện từ việc đi rừng săn bắn hái lượm, đến phá rừng và cả những phàn nàn của người dân khi chứng kiến đối tượng hiên ngang chở gỗ qua các trạm kiểm lâm nhưng không bị phát hiện...
Nhiều câu chuyện xảy ra ở những thời điểm khác nhau, nhưng nhiều nhất vẫn là liên quan đến việc phá rừng ảnh hưởng đời sống con người khi thời tiết ngày càng bất thường, hạn hán, mưa bão, lũ lụt ngày càng khốc liệt. “Rừng ngày xưa còn rậm rạp với nhiều loài cây gỗ to quý hiếm, nhưng bây giờ phá hết rồi. Ở ngoài nhìn thì vậy, nhưng vào trong rừng có nhiều cây to đã bị đốn hạ...”, ông T. V. B ở xã La Dạ, Hàm Thuận Bắc nói với chúng tôi như vậy. Ông K’Văn T ở xã Đông Tiến cũng nói, còn rủ chúng tôi đi rừng như để chứng minh những gì ông nói.
Ngoài nhận được những chia sẻ cũng như không ít cuộc gọi điện liên quan đến chặt cây, phá rừng thì việc lén lút vào rừng san ủi, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy thi thoảng cũng có. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác lâm sản phụ bởi các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép, ảnh hưởng đến việc phát triển thảm thực vật rừng, gây khó khăn cho việc quản lý rừng của những hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng...
Tất cả thôi thúc chúng tôi quyết tâm thiết lập một chuyến đi rừng - để thấu hiểu sự hiểm nguy chực chờ với lực lượng bảo vệ rừng ngày đêm ở các vùng rừng trọng yếu.
Đến nhiều giờ trong rừng
Để hiểu hơn những gì người dân phản ảnh, chúng tôi chọn ngẫu nhiên một cánh rừng. Cụ thể, rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét nằm trải dài trên địa giới hành chính xã Mỹ Thạnh, Hàm Thạnh, Hàm Cần... thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét. Đây là rừng có diện tích cả phòng hộ và sản xuất với hơn 20.000 ha, trong đó xã Mỹ Thạnh có diện tích đất rừng phòng hộ hơn 5.722 ha/100 hộ nhận khoán bảo vệ rừng và dịch vụ bảo vệ môi trường rừng.
Đúng như những gì đã nghe, càng đi sâu vào trong rừng chúng tôi thấy nhiều cây gỗ to có tuổi đời hàng chục năm gồm cả cây gỗ quý hiếm đã bị chặt hạ nằm phơi gốc. Ngoài những gốc ngả màu rêu cũ dấu hiệu bị chặt hạ đã lâu thì cũng có những gốc còn tươi mới như vừa bị chặt hạ. Trong đó, có gốc lực lượng kiểm lâm đánh dấu ngày tháng đã kiểm tra, xác nhận cây rừng bị mất như ĐKT ngày 25/9/2019. Đôi chỗ còn ngổn ngang thân ngọn - những phần không cần thiết đối tượng phá rừng bỏ lại, có những cây chúng hạ xuống xẻ ra thành phẩm gỗ ván vận chuyển ra khỏi rừng. Tình trạng ngày này qua tháng nọ mất cây rừng khiến lõi rừng ngày một thưa và số lượng cây lớn có độ che phủ tốt đang thưa dần.
Ngoài những cây tầng gỗ cao bị đốn hạ, những cây tầng thấp như le, tre rừng cũng bị tàn phá. Nhiều bụi le bị chặt hạ sạch để lại cành lá dễ gây cháy rừng. Hiện trạng bề mặt rừng nhiều chỗ bị băm nát bởi phương tiện chuyên dụng đưa vào rừng vận chuyển lâm sản phụ. Theo các hộ nhận khoán bảo vệ rừng cũng như người đi rừng, những chiếc xe tải 2 cầu của doanh nghiệp được cấp phép khai thác lâm sản phụ vào rừng khai thác, vận chuyển lâm sản đã phá nát nhiều con đường rừng, làm sạt lở suối...
Ra khỏi rừng sau nhiều giờ len lỏi dưới tán rừng, chúng tôi nghĩ về những gì người dân nói là có cơ sở. Còn bao nhiêu cánh rừng đã và đang bị tàn phá như vậy? Rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét chỉ là một trường hợp ngẫu nhiên chúng tôi chọn đi thực tế. Câu hỏi đặt ra là nhiều khu rừng khác trong tỉnh có xảy ra tình trạng tương tự như vậy, mới đây nhất như rừng Hòn Dồ ở xã Thuận Quý do Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú quản lý báo chí phát hiện, đưa tin... Vấn đề cơ bản hiện nay quản lý rừng như thế nào để giảm tệ nạn phá rừng, lực lượng kiểm lâm được biên chế, trang bị ra sao để kiềm chế các vụ phá rừng, vì rừng được ví như “mái nhà” lớn che chở cho chúng ta.
Theo Điều 43 của Luật Lâm nghiệp về trách nhiệm bảo vệ rừng của toàn dân: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chủ rừng về cháy rừng, sinh vật gây hại rừng và hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng.
Lê Ninh