Rửa tiền - tội phạm kinh tế đáng gờm (Phần 2)

Phòng chống rửa tiền là vấn đề làm đau đầu các nhà chức trách trên thế giới. Ở Mỹ, trong vô số các luật liên quan, có thể kể tới luật bảo mật ngân hàng (1970) nhằm loại bỏ giao dịch ngân hàng ẩn danh.

Phòng chống rửa tiền trên thế giới

Phòng chống rửa tiền là vấn đề làm đau đầu các nhà chức trách trên thế giới. Ở Mỹ, trong vô số các luật liên quan, có thể kể tới luật bảo mật ngân hàng (1970) nhằm loại bỏ giao dịch ngân hàng ẩn danh. Theo đó, Bộ Tài chính có quyền buộc các ngân hàng lưu giữ hồ sơ để dễ truy tìm dấu vết hoạt động "rửa tiền", các ngân hàng phải báo cáo tất cả giao dịch 1 lần trên 10.000 USD hoặc nhiều lần có tổng giá trị trên 10.000 USD nhận vào hoặc chuyển đi từ 1 tài khoản trong cùng 1 ngày.

Tiếp đó, luật ngăn chặn "rửa tiền" năm 1994 yêu cầu các ngân hàng phải thành lập lực lượng đặc nhiệm để loại trừ các hoạt động đáng ngờ trong các tổ chức của họ. Luật ái quốc năm 2001 thiết lập kiểm tra danh tính bắt buộc đối với khách hàng của các ngân hàng Mỹ, cung cấp các nguồn theo dõi những giao dịch trong hệ thống ngân hàng ngầm thường được bọn khủng bố sử dụng.

Quy định của các nước về phòng, chống rửa tiền ở các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh, Pháp…, giao dịch lớn chủ yếu được thực hiện qua hệ thống ngân hàng, các tổ chức và cá nhân không sử dụng tiền mặt để thực hiện các giao dịch. Các chính phủ dựa theo tập quán này để thực hiện các biện pháp giám sát, kiểm soát hữu hiệu về thuế bằng cách quy định bắt buộc mọi giao dịch lớn đều phải thực hiện qua hệ thống ngân hàng. Đồng thời, các nước đều có các quy định chặt chẽ về phòng chống rửa tiền.

Tiêu biểu như luật bí mật ngân hàng (BSA) năm 1970 của Mỹ. Mục đích của BSA là tạo ra một văn bản pháp lý cho việc điều tra tội phạm rửa tiền, trốn thuế… bằng cách yêu cầu các tổ chức tài chính phải lưu giữ những chứng từ liên quan đến các giao dịch trên 10.000 USD. Sau đó luật được sửa đổi cho phép Chính phủ và các cơ quan chức năng có thể hạ thấp mức chuẩn 10.000 USD trong các cuộc điều tra.

Đồng thời, Mỹ còn có một số luật quan trọng khác trong việc phòng, chống rửa tiền gồm luật quản lý toàn diện tội phạm năm 1984, Luật quản lý rửa tiền năm 1986, Luật chống sử dụng ma túy năm 1988. Những luật và quy định về phòng, chống rửa tiền tại Mỹ luôn được bổ sung, sửa chữa cho phù hợp với những thay đổi của tội phạm rửa tiền.

Ảnh minh họa

Tại Anh, các định chế tài chính cũng hoạt động theo những quy định về phòng, chống rửa tiền tương tự như tại Mỹ. Anh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các ngân hàng trong việc phát hiện và chấm dứt các hoạt động rửa tiền, trong đó tập trung chủ yếu vào các nhiệm vụ của ngân hàng trong việc cảnh báo cho các cơ quan thực thi pháp luật những hoạt động và giao dịch đáng ngờ. Theo đó, ngân hàng phải đích thân nhận dạng tất cả các khách hàng bằng mọi cách có thể, kể cả bằng cách gặp mặt trực tiếp. Hướng dẫn cũng chỉ rõ các cách thức xác nhận thông tin cá nhân, trong đó hộ chiếu là hình thức được ưu tiên, ngoài ra các hình thức khác cũng được chấp nhận như thẻ nhân viên, bằng lái xe… Đồng thời, phải lưu trữ tất cả các chứng từ giao dịch trong 6 năm để phục vụ điều tra.

Những quy định, luật lệ khác liên quan đến phòng, chống rửa tiền tại Anh bao gồm Luật chống buôn bán ma túy năm 1986, Luật phòng, chống khủng bố năm 1987, Luật hình sự (Hợp tác quốc tế) năm 1990 và Luật hình sự năm 1993. Luật hình sự năm 1993 mở rộng quyền lực của tòa án trong việc kết tội rửa tiền như một tội phạm hình sự. Tại Nhật, các ngân hàng được yêu cầu phải báo cáo tất cả các giao dịch tiền tệ trong nước vượt quá 30 triệu Yên và các giao dịch tiền tệ quốc tế vượt quá 5 triệu yên Nhật. Hơn nữa, trong trường hợp phát hiện các giao dịch đó có liên quan đến tội phạm ma túy, tòa án có thể kết án ngân hàng và các tổ chức tín dụng về tội rửa tiền. Do hệ thống thanh tra, giám sát, hệ thống kế toán và tìm hiểu khách hàng của các ngân hàng còn kém phát triển; mức độ sử dụng tiền mặt và các luồng chuyển tiền không chính thức khá lớn khiến cho việc kiểm soát các giao dịch, thanh toán trở nên khó khăn.

Tuy nhiên, ngăn chặn rửa tiền là điều rất khó khăn. Do đó, nâng cao nhận thức và hợp tác toàn cầu là điều cần thiết. Các tổ chức quốc tế nổi bật nhất trong lĩnh vực này bao gồm lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF), Liên Hiệp Quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Cảnh sát quốc tế (Interpol)…Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hội nhập, được đánh giá là có “tính chất mở” hàng đầu thế giới. Điều này cũng khiến các nguồn tiền ra vào thuận lợi hơn vì những khe hở về luật pháp là điều kiện để tội phạm rửa tiền vào nước ta.

Nghị định số 74/2005/NĐ-CP về phòng, chống rửa tiền của Việt Nam là văn bản pháp luật đầu tiên quy định riêng về loại tội phạm rửa tiền nhằm tạo hành lang pháp lý cho quá trình chống lại các hoạt động rửa tiền. Tuy nhiên, trong tình hình tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ngày càng hoạt động tinh vi, xảo quyệt đã đặt ra yêu cầu về việc xây dựng luật phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam với mục tiêu là việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý rửa tiền phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật trên cơ sở bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia; bảo đảm hoạt động bình thường về kinh tế, đầu tư; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; chống lạm quyền; lợi dụng việc hòng, chống rửa tiền để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.

Hòa Thu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/rua-tien-toi-pham-kinh-te-dang-gom-phan-2-231991.html