Ra mắt dự án tăng cường hỗ trợ pháp lý về bạo lực, xâm hại trẻ em

Lễ ra mắt Dự án nâng cao nhận thức và tăng cường hỗ trợ pháp lý về bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em cho cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An mới diễn ra với sự tham gia của đại diện Đại học Luật Hà Nội, Sở Tư pháp Nghệ An và các sở ngành liên quan.

Ông Phạm Thành Chung , Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An trình bày một số thực trạng về bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn.

Ông Phạm Thành Chung , Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An trình bày một số thực trạng về bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn.

Hơn 2 năm phát hiện 71 vụ xâm hại trẻ em

Theo đó, được sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu, Bộ Tư pháp Việt Nam và các bộ ngành thuộc Chính phủ, Quỹ thúc đẩy sáng kiến tư pháp (EU JULE JIFF), tổ chức Oxfam tại Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An, Sở Tư pháp Nghệ An và sở ban ngành, Trường Đại học Luật Hà Nội triển khai Dự án này.

Tại buổi lễ, ông Phạm Thành Chung, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An chia sẻ, theo báo cáo của Công an tỉnh Nghệ An, trong giai đoạn 2016-2018 và 6 tháng đầu năm 2019, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn phức tạp. Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng.

Đã phát hiện 71 vụ, liên quan tới 71 nạn nhân bị xâm hại tình dục. Trong đó, 16 vụ dâm ô trẻ em, 23 vụ giao cấu với trẻ em, 32 vụ hiếp dâm trẻ em. Về bạo lực đối với trẻ em, có 14 vụ với 65 em là nạn nhân.

Việc Dự án được triển khai trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ đánh giá nhận thức của người dân và thực trạng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em cũng như nhu cầu nâng cao nhận thức, hỗ trợ pháp lý về vấn đề này; Tư vấn pháp luật, hỗ trợ nâng cao nhận thức cho cha mẹ trẻ em, lao động trẻ em, người sử dụng lao động trẻ em, lãnh đạo cộng đồng, trẻ em trong các trường THCS về bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em.

Cũng là cơ hội để cán bộ, nhân dân tỉnh Nghệ An được tiếp cận với sự hỗ trợ pháp lý chuyên sâu về bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em từ đó nâng cao nhận thức để phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em và bảo vệ tốt nhất cho trẻ em - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Tiến sĩ Trần Quang Huy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại buổi lễ ra mắt Dự án

Tiến sĩ Trần Quang Huy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại buổi lễ ra mắt Dự án

Trong các hoạt động, Dự án sẽ tập huấn cho 1500 cặp vợ chồng cải thiện nhận thức về bình đẳng giới, phổ biến kiến thức về bình đẳng giới cho học sinh THPT 6000 học sinh liệt kê được kiến thức cơ bản về bình đẳng giới; Đào tạo chuyên sâu cho khoảng 90 lãnh đạo cộng đồng về kỹ năng tập huấn kiến thức bình đẳng giới;

Tư vấn 50 trường hợp về ly hôn, bạo lực gia đình, thừa kế, đăng ký hộ khẩu, đăng ký khai sinh cho nhóm yếu thế; Trợ giúp tối thiểu cho 6 vụ việc về pháp lý cho nhóm yếu thế trong các vụ việc dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình…

Trang bị kiến thức về bạo lực, xâm hại trẻ em cho toàn xã hội

Sau khi dự án kết thúc khoảng 500 cặp vợ chồng nhắc lại được các giá trị nền tảng cơ bản của bình đẳng giới (quyền con người, sự tự do, bình đẳng và phẩm giá) và phân biệt được 3 nguyên tắc cơ bản của bình đẳng giới; Khoảng 2000 học sinh THPT kể tên được ít nhất 05 văn bản quốc tế và Việt Nam quy định về quyền con người và bình đẳng giới; Trợ giúp từ xa thành công cho tối thiểu 20 vụ việc liên quan đến các vấn đề pháp lý cho nhóm yếu thế (an sinh xã hội, lao động việc làm, dân sự, hình sự, khiếu nại, tố cáo, đất đai…).

Tiến sĩ Trần Quang Huy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ, bạo lực, xâm hại trẻ em là vấn nạn toàn cầu, có xu hướng gia tăng,đặc biệt là trong bối cảnh Internet, mạng xã hội ngày càng được nhiều người sử dụng. Ở Việt Nam trung bình mỗi năm có hàng ngàn trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp. Tính chất của các vụ việc có chiều hướng phức tạp, nghiêm trọng hơn.

Trẻ em bị bạo lực, xâm hại ở nhiều độ tuổi, xảy ra ngay trong môi trường gia đình, hoặc trường học, do nhiều đối tượng gây ra, trong đó có cả chính người thân trong gia đình, giáo viên và bạn bè trong trường học. Hậu quả các em phải gánh chịu có những tổn thất về sức khỏe, thể chất và tinh thần, làm giảm khả năng học tập, hòa nhập xã hội và thậm chí có thể hủy hoại các em, ảnh hưởng đến việc trở thành con người tốt, người cha mẹ tốt trong tương lai.

Nhiều giải pháp để tăng cường bảo vệ trẻ em trên địa bàn cũng như giúp trẻ em, phụ huynh hiểu biết về khả năng phòng tránh bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em

Nhiều giải pháp để tăng cường bảo vệ trẻ em trên địa bàn cũng như giúp trẻ em, phụ huynh hiểu biết về khả năng phòng tránh bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng diễn biến gia tăng, trong đó như môi trường tiềm ẩn nhiều yếu tố gây bạo lực, xâm hại tình tục trẻ em như cha mẹ nghiện chất kích thích ma túy – rượu bia, địa bàn thưa vắng dân cư, đi lại khó khăn…

Trong gia đình, nhà trường việc sử dụng bạo lực vẫn được coi như là một phương pháp giáo dục “yêu cho roi cho vọt”. Công tác giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình và nhà trường chưa được quan tâm đúng mức, các thành viên trong gia đình, nhà trường chưa biết rõ các kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng phống bạo lực gia đình, học đường, trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em chưa thực hiện đầy đủ.

Vì thế, Dự án sẽ giúp trẻ em trên địa bàn trang bị được cho mình kỹ năng tự bảo vệ bản thân để tránh nguy cơ bị bạo lực, xâm hại; nắm bắt được các trường hợp trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục; nắm được các biện pháp cảnh báo nguy cơ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em và đặc biệt nắm được các xử lý khi bạo lực xâm hại;

Cha mẹ trẻ em trên địa bàn sẽ nhận thức được về vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, từ đó có thể tự bảo vệ con em mình khỏi nguy cơ bị bạo lực, xâm hại tình dục hoặc biết cách xử trí khi con mình là nạn nhân; Công tác bảo vệ trẻ em sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa từ chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội ở cấp địa phương, cơ sở…

Ngô Toàn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/ra-mat-du-an-tang-cuong-ho-tro-phap-ly-ve-bao-luc-xam-hai-tre-em-468212.html