Quy định của Luật Biên phòng Việt Nam về trang phục, màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu và dấu hiệu nhận biết phương tiện của BĐBP

BĐBP là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của QĐND Việt Nam, có vị trí là 'lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới'; chức năng 'tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước chính sách, pháp luật về biên phòng; thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật'; với 12 nhóm nhiệm vụ, 8 nhóm quyền hạn; được hoạt động trong khu vực biên giới, cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý, hoạt động ở địa bàn nội địa và ngoài biên giới trong các trường hợp luật định.

Ca nô tuần tra của Đồn Biên phòng Lạch Kèn, BĐBP Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ trên biển. Ảnh: Viết Lam

Để bảo đảm tính thống nhất, chính quy, đồng bộ; khẳng định vị trí, vai trò; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan; đồng thời, phản ánh truyền thống, đặc trưng công tác, yêu cầu phát triển của lực lượng và khả năng đảm bảo của Nhà nước; BĐBP được quy định có trang phục, màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu và dấu hiệu nhận biết phương tiện riêng. Điều 24, Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) năm 2020 quy định về vấn đề này như sau:

“Điều 24. Trang phục, màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu và dấu hiệu nhận biết phương tiện của BĐBP.

1. Quân hiệu, cấp hiệu, cờ hiệu, phù hiệu, quân phục, lễ phục của cán bộ, chiến sĩ BĐBP do Chính phủ quy định.

2. Tàu thuyền, tàu bay, ô tô và phương tiện khác của BĐBP có màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu và dấu hiệu nhận biết riêng theo quy định của Bộ Quốc phòng. Khi làm nhiệm vụ, tàu thuyền phải treo quốc kỳ Việt Nam và cờ hiệu BĐBP”.

Với thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định tại khoản 5, Điều 4 và khoản 1, Điều 19, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); đồng thời, trên cơ sở được Quốc hội giao quyền tại khoản 1, Điều 24, Luật BPVN; Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết Luật BPVN. Trong đó, văn bản quy định chi tiết có nội dung quy định cụ thể về “Quân hiệu, cấp hiệu, cờ hiệu, phù hiệu, quân phục, lễ phục của cán bộ, chiến sĩ BĐBP”. Đây là một trong 5 nhóm vấn đề mà Quốc hội giao cho Chính phủ quy định chi tiết thông qua việc ban hành các Nghị định; nhằm bảo đảm khi Luật BPVN có hiệu lực thì các quy định của Luật thi hành được ngay.

Việc quy định cụ thể về quân hiệu, cấp hiệu, cờ hiệu, phù hiệu, quân phục, lễ phục của cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải bảo đảm sự chính quy, thống nhất với quy định chung của QĐND Việt Nam về vấn đề này; đồng thời, phản ánh đặc trưng của lực lượng BĐBP, đó là: Quân hiệu của QĐND Việt Nam là biểu tượng của QĐND Việt Nam. Cấp hiệu của QĐND Việt Nam là biểu trưng thể hiện cấp bậc trong ngạch quân sự của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên, hạ sĩ quan - binh sĩ trong QĐND Việt Nam.

Phù hiệu của QĐND Việt Nam bao gồm: Nền phù hiệu, hình phù hiệu, cành tùng; biểu tượng quân chủng, binh chủng; biển tên; lô gô.

Trang phục của QĐND Việt Nam bao gồm trang phục dự lễ, trang phục thường dùng, trang phục dã chiến, trang phục nghiệp vụ, trang phục công tác và áo ấm.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP - bao gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc biên chế của BĐBP, trong quá trình công tác phải tuân thủ đầy đủ quy định về cấp phát, quản lý, sử dụng quân hiệu, cấp hiệu, cờ hiệu, phù hiệu, quân phục, lễ phục.

Bên cạnh đó, nhằm cụ thể hóa yêu cầu hiến định “Nhà nước xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại...” (Điều 66 Hiến pháp năm 2013); đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới, lực lượng BĐBP được trang bị phương tiện quân sự, dân sự, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Đây cũng là nội dung thể chế hóa quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Luật BPVN đã quy định: “Tàu thuyền, tàu bay, ô tô và phương tiện khác của BĐBP có màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu và dấu hiệu nhận biết riêng theo quy định của Bộ Quốc phòng”.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng BĐBP tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam, tôn trọng và tuân thủ các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên.

Trong đó, khi làm nhiệm vụ, tàu thuyền phải treo quốc kỳ Việt Nam và cờ hiệu BĐBP. Việc treo quốc kỳ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (Quốc kỳ hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh) trên tàu thuyền (phương tiện hoạt động trên mặt nước hoặc dưới mặt nước bao gồm tàu, thuyền và các phương tiện khác có động cơ hoặc không có động cơ) phản ánh dấu hiệu quốc tịch của tàu thuyền và treo cờ hiệu của BĐBP trên tàu thuyền là một trong những dấu hiệu nhận biết phương tiện công tác của BĐBP trong mối quan hệ với dấu hiệu nhận biết phương tiện công tác của các cơ quan, lực lượng khác.

Tiến sĩ Phạm Thị Thanh Huế, Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quy-dinh-cua-luat-bien-phong-viet-nam-ve-trang-phuc-mau-sac-co-hieu-phu-hieu-va-dau-hieu-nhan-biet-phuong-tien-cua-bdbp-post438417.html