'Quê mình giữa niềm thương...'
Dẫu mảnh đất Hà Tĩnh không được thiên nhiên ưu ái nhưng con người nơi đây vẫn luôn lạc quan, vững vàng, cùng nhau đoàn kết để vượt qua gian khó, xây dựng và phát triển quê hương.
Trên bản đồ hình chữ S, mảnh đất Hà Tĩnh mang dáng dấp của một cái eo nhỏ, nối hai đầu đất nước. Cũng chính bởi địa thế “đòn gánh” đặc biệt đó mà mảnh đất này có một nền khí hậu đặc trưng, khắc nghiệt với “mưa thối đất, nắng nẻ trời”.
Từ xưa đến nay, người dân nơi đây phải gánh chịu biết bao cơn cuồng nộ của thiên nhiên nhưng từ trong gian khó, nhọc nhằn, người Hà Tĩnh càng thêm vững vàng, tôi rèn ý chí kiên cường, vươn lên để tiếp tục bám trụ, xây dựng mảnh đất quê hương.
Khí hậu, thời tiết biến đổi thất thường đã đặt người dân Hà Tĩnh trong tâm thế luôn phải sáng tạo, ứng biến linh hoạt với điều kiện sống. Như một sự tuần hoàn của đất trời, năm nay, dù chỉ mới chớm mùa mưa bão nhưng nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã trải qua những đợt mưa lớn, ngập úng, lốc xoáy, sạt lở... Ý thức cao về nguy cơ từ thiên tai, người dân, đặc biệt là các vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai như Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Thạch Hà… đã chủ động phương án ứng phó, bảo vệ người, tài sản và mùa màng.
Sau rất nhiều mất mát bởi thiên tai, người dân xã Điền Mỹ (Hương Khê) - một trong những vùng rốn lũ ở Hà Tĩnh đã sáng tạo mô hình nhà phao rất độc đáo. Nhà phao của người dân Điền Mỹ được thiết kế với phần trên dựng bằng tôn thép, dưới đáy là những bình nhựa lớn kết vào với nhau làm nhiệm vụ như những chiếc phao nâng đỡ khung nhà, nước dâng đến đâu, nhà nổi lên đến đó. Khi gặp lụt, những căn nhà này sẽ là chỗ trú ngụ an toàn cho người và tài sản.
Ông Hoàng Xuân Tần - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Điền Mỹ cho biết: “Rút kinh nghiệm từ những trận lụt, năm nay, người dân địa phương xây dựng, tu sửa nhà phao sớm để chủ động cho những tình huống thiên tai bất ngờ. Trên địa bàn xã đã có gần 70 nhà phao chống lũ được người dân xây dựng. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động các hộ dân trong vùng nguy cơ ngập lụt cao xây dựng nhà phao để đảm bảo an toàn khi mưa lũ về”.
Ngoài những đe dọa về chốn an cư mùa mưa lũ, người dân quê tôi còn phải đối mặt với nhiều khó khăn do thiên tai gây ra. Nhìn lại lịch sử, có biết bao nhiêu mùa màng thất bát, bao nhiêu ruộng lúa nương khoai bị nhấn chìm trong bão lũ; bao nhiêu vườn cam, vườn bưởi trĩu cành, bao nhiêu hồ tôm, ao cá đến mùa thu hoạch đành phó mặc cho ông trời; bao nhiêu cơ sở sản xuất phải cầm chừng, máy móc bị nước lũ tàn phá…
Sống trong lũ, đứng lên sau lũ là chuyện mà người dân quê tôi xác định phải chấp nhận. Nhưng cũng chính từ trong gian nan ấy, người dân đã biết tìm cách ứng phó, tìm cách đối mặt sao cho ít tổn thất nhất.
Ông Đậu Quang Huyến (SN 1969) trú thôn Kim Lĩnh, xã Kim Hoa (Hương Sơn) cho biết: “Gia đình tôi sống bằng nghề nông, trước đây, trồng cam là nguồn thu chính. Tuy nhiên, tôi đã không ít lần nuốt nước mắt vì mất trắng. Chẳng ai biết khi nào ông trời “nổi giận” nên chúng tôi cứ trồng cây bằng niềm hy vọng. Thế nhưng khi đời sống KT-XH thay đổi, chúng tôi cũng được trang bị thêm nhiều kiến thức hơn. Để vừa hạn chế tổn thất do thiên tai, khai thác hiệu quả tiềm năng, chúng tôi vừa cải tiến kỹ thuật chăm sóc, vừa chuyển một phần vốn đầu tư nuôi bò, trồng thêm keo tràm. Chúng tôi đang tập trung nhân lực chăm sóc cây, con với niềm hy vọng vào một vụ thu hoạch thắng lợi”.
Làm chủ một cơ sở chế biến hải sản có tiếng ở huyện Lộc Hà hàng chục năm nay, với ông Phạm Hồng Sơn (SN 1975 - trú thôn Liên Tân - xã Thạch Kim), ứng phó với thiên tai luôn là một phần trong kế hoạch của gia đình ông.
Ông Sơn cho biết: “Từ tháng 7 - tháng 9 âm lịch hằng năm là thời gian thích hợp để đánh bắt loài cá cơm - nguồn nguyên liệu chính để làm ra loại nước mắm ngon. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm bước vào mùa mưa bão, thời tiết không thuận lợi khiến tàu thuyền khó ra khơi; việc phơi sấy, bảo quản nguyên liệu gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo tiến độ sản xuất và chất lượng sản phẩm, chúng tôi phải tính toán, “đon” thời tiết từng ngày, từng giờ; đôn đốc nhân công tranh thủ những ngày nắng ráo để hoàn thành một số công đoạn trong quy trình sản xuất”.
Nhờ nắm bắt quy luật của thiên nhiên, thời vụ và sáng tạo ứng dụng những kỹ thuật, quy trình mới vào sản xuất, cơ sở chế biến hải sản của vợ chồng ông Sơn luôn giữ được sự ổn định. Mỗi năm, cơ sở của gia đình ông xuất ra thị trường trong và ngoài tỉnh hàng nghìn lít nước mắm chất lượng và khoảng 3 tấn hải sản khô các loại, góp phần quảng bá và xây dựng thương hiệu sản vật của quê hương đến bạn bè muôn phương.
Cũng như các cơ sở chế biến, những hộ nuôi trồng thủy hải sản luôn bị “ám ảnh” với sự thất thường, “đỏng đảnh” của thời tiết. Đợt mưa lớn đầu mùa vừa qua đã khiến rất nhiều ao nuôi tôm của người dân Hà Tĩnh bị nhiễm khuẩn, tôm giống vừa thả đã bị chết hàng loạt.
Là nghề “đánh bạc với trời” nên các hộ dân cũng đành ngậm ngùi chấp nhận và tìm cách khắc phục hậu quả để tiếp tục những vụ nuôi mới. Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật cùng các biện pháp ổn định môi trường ao nuôi và tăng sức đề kháng, giảm thiểu dịch bệnh cho tôm; theo dõi sát sao diễn biến của thời tiết… là những cách mà người nuôi trồng thủy hải sản đang phải tích cực triển khai.
Dẫu thời tiết, khí hậu không thuận lợi nhưng bằng niềm lạc quan, ý chí kiên cường, người Hà Tĩnh vẫn tràn đầy niềm tin, sẵn sàng tâm thế để chạy đà cho chặng nước rút, nỗ lực hoàn thành những mục tiêu từ nay đến cuối năm.
Nằm trong vùng “chảo lửa, túi mưa”, mảnh đất Kỳ Anh từ xưa được biết đến là vùng đất của đói nghèo, lạc hậu. Bằng ý chí, khát vọng đổi thay, người dân vùng đất này mạnh dạn đổi mới tư duy, sẵn sàng di dời nhà cửa, hiến đất, hiến tài sản cho những công trình, dự án lớn; sẵn sàng thay đổi thói quen sản xuất nông nghiệp truyền thống cũng như nếp sống cũ để thích ứng với những biến đổi của thiên nhiên.
Từ nội lực của địa phương cùng những quyết sách đúng đắn của Trung ương, của tỉnh, thị xã Kỳ Anh ngày nay đã khoác lên mình dáng vẻ một đô thị văn minh, hiện đại với điểm nhấn là Khu kinh tế Vũng Áng - khu kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Những ngày cuối tháng 9, lãnh đạo, công nhân viên Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 (Khu kinh tế Vũng Áng) vui mừng đón chuyến tàu chở những tấn than đầu tiên cập cảng để sẵn sàng nguồn nguyên liệu cho việc vận hành chạy thử. Để đón thành công chuyến tàu có trọng tải 54.000 tấn này, chủ đầu tư, đơn vị tổng thầu và các nhà thầu phụ đã phải thực hiện các thử nghiệm không tải, hiệu chỉnh máy móc, trang thiết bị tại cầu cảng… Đây được xem là một nỗ lực đáng ghi nhận của các đơn vị trong việc đảm bảo kế hoạch vận hành thương mại dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 theo đúng tiến độ đã đề ra.
Ông Hoàng Trọng Bính - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng 2 cho biết: "Sự kiện đón chuyến tàu than cập bến cảng nhà máy là một dấu mốc quan trọng trong quá trình triển khai dự án. Với sự chuẩn bị kỹ càng, chúng tôi đã sẵn sàng cho công tác vận hành thử nghiệm tổ máy số 1 sắp tới để tiến tới hoàn thành và đi vào vận hành thương mại vào quý III/2025”.
Mỗi mùa mưa bão về, tôi lại nhớ những câu hát da diết mà thân thương trong nhạc phẩm “Nơi ấy quê mình” của nhạc sĩ Mạnh Chiến: “Một miền quê, còn nắng gió. Vẫn ngược đi lên từ trong bão tố. Sóng yên, biển lặng. Trái ngọt cây lành. Nụ cười ấm êm. Nhịp đời cất cao…”. Có lẽ, những lời ca đó đã khắc họa đầy đủ, rõ nét và chân thực nhất về những gian khó, nhọc nhằn của mảnh đất Hà Tĩnh, về bản lĩnh kiên cường của con người Hà Tĩnh.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/que-minh-giua-niem-thuong-post274969.html