Quảng Trị: Mô hình 'một cửa, một lần dừng' - dòng chảy chưa thông

Sau gần hai năm triển khai mô hình kiểm tra “Một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu Lao Bảo – Đensavanh đã mang lại những thuận lợi và hiệu quả bước đầu song vẫn còn thấp hơn nhiều so với yêu cầu bởi cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Hiệu quả tốt nhưng chưa cao

Sau gần hai năm triển khai mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu Lao Bảo – Đensavanh đã mang lại những thuận lợi và hiệu quả bước đầu, cụ thể, đó là, luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành.

Hai Bên đều thành lập ban chỉ đạo thực hiện mô hình tại Trung ương và địa phương, nhằm vừa chỉ đạo thực hiện, vừa kịp thời trao đổi chấn chỉnh những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, việc triển khai Mô hình kiểm tra "một cửa, một lần dừng" luôn nhận được sự giúp đỡ, tài trợ từ phía Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Kiểm tra hàng hóa tại CCA Lào.

Về vị trí địa lý, địa điểm làm thủ tục và khu vực kiểm tra chung (CCA) của hai nước nằm liền kề nên thuận tiện cho việc triển khai mô hình kiểm tra "một cửa, một lần dừng". Ngoài ra, tình hình chính trị hai nước Việt Nam và Lào ổn định, biên giới Việt Nam - Lào là biên giới hòa bình, hữu nghị là một trong những điều kiện thuận lợi để triển khai thành công mô hình.

Triển khai mô hình đã tạo điều kiện rất nhanh chóng và thuận tiện đối với hoạt động xuất nhập cảnh (XNC). Hành khách và phương tiện vận chuyển hành khách chỉ dừng một lần làm thủ tục XNC, hạn chế tối đa việc hành khách lên xuống phương tiện, đi lại nhiều. Mặc dù trong điều kiện kinh tế khó khăn chung nhưng 9 tháng đầu năm 2016, phương tiện XNC tăng 16,7%, hành khách XNC tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2015 và tính hết năm 2016 phương tiện XNC ước đạt trên 100.000 lượt, hàng hóa XNC ước đạt gần 743.000 lượt.

Những kết quả mang lại từ việc thực hiện mô hình nói trên thể hiện sự hợp tác tốt và nỗ lực của hai bên, song nó vẫn còn thấp hơn nhiều so với yêu cầu đặt ra từ Hiệp định. Những nguyên nhân và tồn tại dẫn đến tình trạng này, có thể khẳng định chủ quan có, khách quan có. Qua tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận những hạn chế dẫn đến hiệu quả chưa cao tại mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng”.

Sự khác biệt trong chính sách điều hành của hai nước. Đây là một trong những trở ngại lớn đến việc triển khai mô hình. Việc áp dụng pháp luật của mỗi nước và áp dụng thực hiện nội dung các thỏa thuận triển khai mô hình giữa hai nước có sự ưu tiên khác nhau. Trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ tại cửa khâu, cơ quan chức của mỗi bên phải ưu tiến áp dụng pháp luật trong nước trước, do đó có khả năng dẫn đến không thực hiện đúng nội dung thỏa thuận...

Về địa điểm làm thủ tục và địa điểm kiểm tra chung (CCA) của Hải quan hai nước được chia thành hai khu vực nằm ở trong lãnh thổ của mỗi bên không thuận tiện cho việc triển khai mô hình. Chưa có quy trình kiểm tra, kiểm soát thống nhất giữa hai bên.

Người dân làm thủ tục tại Văn phòng Hải quan Việt Nam tại Lào.

Về cơ sở hạ tầng, do thực hiện SWI/SSI nên toàn bộ người, phương tiện dừng đỗ tại địa điểm kiểm tra chung trên lãnh thổ nước nhập, dẫn đến tình trạng quá tải, ùn tắc cục bộ trong những thời điểm, nhất là vào những lúc người và phương tiện tập trung nhiều tại cửa khẩu.

Các cơ quan chức năng tại cửa khẩu mỗi bên chưa có sự phối hợp đồng bộ với nhau trong thực hiện nhiệm vụ, chưa nhận thức tầm quan trọng và ý nghĩa của việc thực hiện mô hình. Bên cạnh đó, việc chưa có quy định chung về quy trình thực hiện nhiệm vụ tại cửa khẩu và công tác phối hợp với cơ quan chức năng của hai bên cũng dẫn đến hiệu quả triển khai mô hình thấp hơn mong muốn.

Trăn trở của người trong cuộc

Thời gian tiếp theo, mô mình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” có đạt hiệu quả hay không còn phụ thuộc nhiều vào các giải pháp khắc phục những tồn tại như đã nêu trên. Là người trong cuộc, ông Bùi Thanh San, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị không khỏi trăn trở và có những đề đạt từ một đơn vị thực thi mô hình, đó là: Cần sớm tổ chức Hội nghị giữa Ban chỉ đạo (BCĐ) mô hình và các cơ quan chức năng tại hai cửa khẩu Việt – Lào nhằm đánh giá những mặt được, mặt chưa được cũng như những hạn chế, tồn tại trong thời gian triển khai mô hình để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục; BCĐ cũng cần làm việc với cơ quan có thẩm quyền phía Lào chỉ đạo các ngành chức năng trong quá trình làm thủ tục cho hàng hóa XNK, phương tiện vận tải XNC phải tuân thủ đúng nội dung Thỏa thuận (hàng hóa, phương tiện vận tải (PTVT) chỉ phải dừng đỗ 1 lần để được làm thủ tục tại CCA mỗi nước; lực lượng nào thì làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình...). Cần có bảng chỉ dẫn phân luồng PTVT XNC khi vào khu vực cửa khẩu như đề nghị của ADB, cụ thể theo hướng: Luồng xanh đối với PTVT chở hàng miển kiểm tra của hai Bên; Luồng vàng đối với PTVT chở hàng chỉ kiểm tra hồ sơ, không kiểm tra hàng hóa; Luồng đỏ phân thành 03 khu vực riêng: dành cho PTVT chở khách, PTVT chở hàng phải kiểm tra thực tế hàng hóa của một Bên và PTVT chở hàng phải kiểm tra thực tế hàng hóa của hai Bên; Trung tâm quản lý cửa khẩu phối hợp với các ngành sắp xếp, bố trí lại vị trí các cabin làm việc cho phù hợp (mỗi lực lượng chỉ bố trí một vị trí đặt cabin, có thể thiết kế cabin rộng hơn gồm nhiều ngăn hoặc chuyển nhiều cabin của mỗi lực lượng về một vị trí); đồng thời công khai tại cửa khẩu bảng chỉ dẫn và quy trình cụ thể đảm bảo thuận lợi cho hành khách khi làm thủ tục; Đề nghị phía Lào cho bố trí đặt barie phía ngoài CCA ngay trên Quốc lộ 9.

Hai Bên phối hợp giải quyết các trường hợp xe ra/vào cổng như ở phía Việt Nam và duy trì BCĐ thực hiện mô hình (hoặc cơ quan có thẩm quyền) để thuận tiện trong việc trao đổi, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện tại hai cửa khẩu; Giảm mức thu phí cửa khẩu để cạnh tranh với các cửa khẩu khác. Phân biệt mức thu theo loại hình hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK); Ưu tiên có mức phí thấp hơn đối với hàng hóa sản xuất, kinh doanh nội địa, nộp thuế XNK. Trung tâm Quản lý cửa khẩu phải có văn phòng và đại diện thường trực tại cửa khẩu để cùng tham gia giải quyết ngay các vụ việc phát sinh, tránh để kéo dài, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và ảnh hưởng quan hệ giữa các cơ quan chức năng hai nước; Tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo của BCĐ để chấn chỉnh ngay các trường hợp làm trái Thỏa thuận cũng như các hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu khác.

Về mở rộng mô hình: Đề nghị các cơ quan, ban ngành có liên quan tiến hành họp, đánh giá và rà soát lại việc thực hiện thí điểm mô hình, tiến tới triển khai tại các cặp cửa khẩu khác trên tuyến biên giới Việt – Lào để tạo tính thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ tại các cửa khẩu đường bộ...

Mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu Lao bảo-Đensavanh là một chủ trưởng lớn mang tầm khu vực, sẽ mang lại những hiệu ích lớn cho cả đôi bên. Song hai nước khi thực thi chung một mô hình thì về chính sách, pháp luật bất tính đồng bộ là điều không tránh khỏi, chính vì vậy thời gian đầu thực thi mô hình đã nảy sinh ra những bất cập là điều tất yếu. Bằng sự tích cực của hai bên trong việc đưa ra những giải pháp thiết thực để khắc phục những bất cập phát sinh, tin chắc rằng dòng chảy về mô hình sẽ thông thoáng hơn trong nay mai.

Hữu Tiến

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/quang-tri-mo-hinh-mot-cua-mot-lan-dung-dong-chay-chua-thong.html