Quảng Ninh: Tìm giải pháp phát triển kinh tế toàn diện trong bối cảnh dịch Covid-19

Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động kinh tế ổn định, không điều chỉnh về mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Theo đó, song song với công tác phòng, chống dịch, vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thương mại, du lịch diễn ra bình thường, cố gắng ổn định, phát triển trong thời gian sớm nhất để đảm bảo các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã liên tiếp tổ chức các cuộc họp, chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương vào cuộc khẩn trương trong công tác phòng chống dịch. Đồng thời, yêu cầu tất cả các ngành, địa phương phải xây dựng kịch bản cụ thể, khả thi để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 đúng theo kế hoạch đặt ra. Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: “Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, các ngành, đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp cần tập trung biến thách thức thành cơ hội để phát triển bền vững. Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng ách tắc hàng hóa thì người đứng đầu chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh”.

Tỉnh Quảng Ninh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp duy trì và phát triển kinh tế, hạn chế tác động từ dịch Covid-19

Tăng cường khai thác và kinh doanh than

Mặc dù tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, song để đáp ứng đủ, ổn định dài hạn than cho các nhà máy nhiệt điện than phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa quyết định điều chỉnh sản lượng khai thác than năm 2020 từ 40,5 triệu tấn tăng lên tối thiểu 41 triệu tấn, trong đó sản lượng lớn khai thác tại tỉnh Quảng Ninh.

TKV tăng sản lượng khai thác than, trong đó một phần lớn từ tỉnh Quảng Ninh

Hiện TKV tập trung hoàn thiện mô hình vừa sản xuất vừa kinh doanh than; triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu (giai đoạn 2017-2020); kiểm soát chặt chẽ chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của Tập đoàn trong các lĩnh vực. Đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh, áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa đồng bộ trong tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời sắp xếp mô hình tổ chức hợp lý tinh gọn, khoa học lực lượng lao động giữa các phòng, ban, phân xưởng, nhằm sử dụng thời gian lao động hiệu quả.

Theo phương châm “3 trước và 4 tại chỗ” (chủ động phòng chống trước; phát hiện xử lý trước; phương tiện, vật tư xử lý trước và lực lượng tại chỗ; phương tiện vật tư thiết bị tại chỗ; hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ) TKV đã và đang nỗ lực đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho CBCN-LĐ yên tâm làm việc. Qua đó, tạo động lực để doanh nghiệp tiếp tục ổn định sản xuất, sớm hoàn thành các mục tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2020.

Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu

Triển khai thực hiện Công điện số 224/CĐ-TTg ngày 12/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới, đồng thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống dịch Covid-19, đến nay tỉnh Quảng Ninh đã hoàn tất công tác chuẩn bị các điều kiện để tiếp tục triển khai hoạt động xuất nhập khẩu vận chuyển hàng hóa.

Ngày 7/2 cầu Bắc Luân 2, cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) đã được thông quan trở lại. Kể từ khi thông quan trở lại đến ngày 27/2 , Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái đã làm thủ tục xuất nhập khẩu đối với 1.042 tờ khai. Đã có 577 lượt phương tiện xuất nhập cảnh, trong đó có 129 lượt phương tiện xuất cảnh, 448 lượt phương tiện nhập cảnh. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 7,7 tỷ đồng. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: sợi filament tổng hợp, hàng tạp hóa, thiết bị mỏ, nhôm lá; mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là khẩu trang y tế, quần áo bảo hộ y tế, khẩu trang vải, găng tay cao su.

Đến ngày 25/2, cầu phao tạm Km3+4 trên sông biên giới Ka Long (Móng Cái, Quảng Ninh) cũng đã được thông quan trở. Ngay trong ngày đầu tiên thông quan, đã có 2 tờ khai được mở với 5 tấn tôm hùm được xuất khẩu sang Trung Quốc. Các mặt hàng ưu tiên hiện nay gồm: Hoa quả, nông sản, thủy sản tươi sống, hạt điều, tinh bột sắn. Thời gian tiếp nhận hồ sơ hải quan phía TP Đông Hưng (Trung Quốc) kéo dài đến 16h30' (giờ Việt Nam), kéo dài thêm 1h30' so với trước đây.

Tiếp đó đến ngày 26/02, Quảng Ninh đã tiến hành thông quan hàng hóa trở lại cho cặp chợ cư dân biên giới Hoành Mô (Bình Liêu, Quảng Ninh, Việt Nam) - Động Trung (Phòng Thành, Quảng Tây, Trung Quốc) sau thời gian tạm ngừng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Chủng loại hàng hóa được thông quan bước đầu là các mặt hàng hải sản, nông lâm sản… và sẽ được áp dụng linh hoạt để đáp ứng nhu cầu thị trường, hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo đúng quy định, tránh để hàng hóa tồn đọng.

Về công tác phòng, chống dịch bệnh, cả Việt Nam và Trung Quốc đều thống nhất cùng xây dựng điểm kiểm tra thân nhiệt tại cửa khẩu để đo thân nhiệt cho người điều khiển phương tiện, chủ hàng. Những người có thân nhiệt bình thường sẽ được nhập cảnh làm các thủ tục tiếp theo; các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ nhiễm dịch bệnh sẽ được thông báo và bàn giao lại cho cơ quan chức năng bên kia. Chủ hàng, người điều khiển phương tiện bắt buộc phải đeo khẩu trang, găng tay, trang bị phòng hộ. Trong thời gian bốc xếp hàng hóa, chủ hàng, người điều khiển phương tiện phải tuân thủ quy định y tế của hai bên và được sắp xếp chờ đợi trong khu vực cách ly; công nhân bốc xếp phải đeo, mặc trang bị phòng hộ khi làm việc.

Hải quan Quảng Ninh đã sẵn sàng các phương án, bố trí đầy đủ lực lượng, chủ động triển khai nhiệm vụ thông quan hàng hóa kịp thời, tránh ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu khi lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tăng cao.

Hạn chế tác động của dịch Covid-19 đến ngành du lịch

Trước tình hình dịch Covid-19, ngành du lịch Quảng Ninh đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng kéo dài. Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, so với cùng kỳ, lượng khách tới từ Trung Quốc, Đông Bắc Á giảm tới 80%, khu vực Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc giảm gần 30%, khách nội địa giảm tới 70%. Doanh thu sụt giảm khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch lao đao. Tuy vậy, xác định đặt nhiệm vụ phòng chống dịch lên hàng đầu, ngành du lịch đã phối hợp đề nghị các doanh nghiệp cùng chung tay vượt qua khó khăn.

Để vừa đảm bảo an toàn chống dịch và duy trì phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm việc không đón khách từ các tàu biển quốc tế đến cũng như đi qua vùng dịch. Đối với tàu đến từ các vùng khác, an toàn, cần xây dựng quy trình cụ thể, chi tiết trong tổ chức đón tiếp, chuẩn bị chu đáo các điều kiện kiểm soát tối đa, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị: “Doanh nghiệp cùng với chính quyền phải chuyển tải thông điệp mạnh mẽ tới du khách trong và ngoài nước về những nỗ lực của Quảng Ninh trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Tới nay, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có trường hợp nào nhiễm Covid-19. Quảng Ninh vẫn là điểm đến an toàn đối với khách du lịch và tỉnh đang thực hiện tốt đồng thời hai nhiệm vụ là vừa bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân, du khách, vừa đảm bảo mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững”.

Trong điều kiện sụt giảm về số lượng khách, chất lượng dịch vụ vẫn phải đảm bảo; phát huy tối đa sức mạnh của các tiện ích từ hệ thống thành phố thông minh để phục vụ du khách. Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ có cơ chế hỗ trợ mở các lớp đào tạo và đào tạo lại nhân viên du lịch, trong đó Trường Đại học Hạ Long là đơn vị chủ trì thực hiện.

Ngoài ra, ngành du lịch Quảng Ninh cũng đang xây dựng những chiến lược, giải pháp hành động cụ thể để hạn chế tối đa ảnh hưởng, ổn định thị trường, tâm lý du khách. Xúc tiến, tiếp cận thị trường mới, ra mắt các sản phẩm du lịch phù hợp theo mùa, nâng cao năng lực của đội ngũ nhân lực. Quảng Ninh cũng coi đây là thời điểm để tái cơ cấu, nâng cấp thương hiệu ngành du lịch một cách toàn diện hơn.

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững

Quảng Ninh là tỉnh có cơ cấu nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng gần 6% trong GDP của tỉnh. Tuy nhiên, tổng diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh chiếm 75,6% đất tự nhiên. Dân số sống ở khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ gần 38,6% và cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp chiếm 41,8%. Nông nghiệp Quảng Ninh đóng vai trò rất quan trọng, phục vụ không chỉ cho 1,2 triệu dân cư trên địa bàn mà còn đáp ứng nhu cầu của hơn 100 nghìn công nhân các ngành công nghiệp cũng như xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hiện sản xuất trên địa bàn mới mới chỉ đáp ứng 80% tổng số nhu cầu này, chưa kể tiềm năng từ thị trường nội địa Việt Nam là 100 triệu dân còn rất lớn.

Chính vì vậy, đây là dịp tốt để tỉnh Quảng Ninh khơi dậy tiềm năng, đẩy mạnh việc phát triển sản xuất nông nghiệp. Hiện tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và xác định đây là xu thế tất yếu nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Đồng thời tập trung tái cơ cấu vùng sản xuất, gia tăng chế biến, liên kết chặt chẽ, phát triển chuỗi giá trị dài và mở ra nhiều thị trường mới, cơ hội tạo một áp lực bức bách để đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở chuỗi liên kết.

Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đã chủ động hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học trong việc hỗ trợ chuyển giao công nghệ phát triển sản phẩm thuộc Chương trình OCOP. Quảng Ninh đang tiếp tục thực hiện mục tiêu đưa Chương trình OCOP trở thành một chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh, tạo sức bật cho ngành nông nghiệp, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

Tiến Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-ninh-tim-giai-phap-phat-trien-kinh-te-toan-dien-trong-boi-canh-dich-covid-19-133290.html