Quảng Ninh: sạt lở tại tuyến đường dân sinh cần được khắc phục
Tuyến đường dân sinh từ khu vực Khe Giang đi xã Thượng Yên Công tại TP Uông Bí, Quảng Ninh đang có một đoạn bị sạt trượt rất nguy hiểm cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.
Đoạn tuyến bị sạt trượt thuộc khu vực tuyến đường vận chuyển rác vào nhà máy xử lý chất thải rắn Khe Giang, xã Thượng Yên Công.
Hiện đang có một khối lượng đất đá lớn đổ xuống chắn gần hết đường đi, gây nhiều nguy hiểm cho người tham gia giao thông và cản trở phương tiện qua lại.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Năng Năm, Chủ tịch UBND xã Thượng Yên Công, cho biết; chính quyền địa phương rất vất vả mỗi khi đoạn tuyến nói trên bị sạt trượt, về phía xã cũng cho máy xúc, máy san gạt lượng đất đá sang hai bên để tạo điều kiện cho người dân đi lại.
Gần đây nhất xã đã có văn bản gửi UBND TP Uông Bí báo cáo thực trạng đoạn đường. Bên cạnh đó là lắp dựng một số biển cảnh báo nguy hiểm để người dân và phương tiện khi tham gia cần lưu ý đề phòng. Khó khăn lớn nhất hiện nay chính là liên quan đến quy trình thủ tục. "Vì vậy, giải pháp trước mắt của xã chỉ là tức thời"- ông Năm cho biết thêm.
Theo ghi nhận từ thực tế, đoạn đường dân sinh sau khi bị sạt trượt, đất đá lấn gần hết lối đi chưa kể nước từ trên đồi đổ xuống khiến việc đi lại càng trở nên khó khăn hơn, nhất là các phương tiện ô tô khi tham gia giao thông qua đây sẽ rất nguy hiểm vì đường hẹp.
Được biết, trước đó ngành điện lực Uông Bí đã có văn bản gửi cơ quan chức năng có liên quan về việc nguy cơ sạt lở đồi gây đổ cột điện do thời gian vừa qua địa bàn liên tục có nhiều trận mưa lũ gây sạt lở trên tuyến đường, thậm chí vào tận chân cột điện. Gần đây nhất, một cột điện đã được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Uông Bí di dời trồng xuống mép đường. Hiện tại ngành điện lực cũng đang rất lo ngại để tránh nguy cơ tiếp tục để cột mất điện kéo dài nhiều ngày. Đặc biệt nguy hiểm hơn nếu nguy cơ sạt trượt vẫn tiếp tục sẽ ảnh hưởng đến chân cột điện 220kV và 500kV của truyền tải điện quốc gia gây mất điện toàn miền Bắc trong nhiều ngày.
Ông Vũ Tiến Dũng, Phó Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cho biết, Ban đang tiến hành từng bước để đúng quy trình thủ tục bởi vì đất là nguồn tài nguyên quốc gia nên việc đổ đất tại khu bị sạt lở đi đâu, chỗ nào cũng cần phải trình cơ quan chức năng cấp phép.
Tính đến thời điểm hiện tại, việc đi lại của những người dân khi qua khu vực này đều rất vất vả. Hiện đang là mùa mưa bão nên đất đá có thể sạt lở bất cứ lúc nào, chưa kể đến việc những nguy cơ sạt trượt liên quan đến đường điện lưới quốc gia.