Quảng Ninh: Nâng cao hiệu quả nghề công tác xã hội

Những người yếu thế cần được quan tâm, trợ giúp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn rất nhiều và nhu cầu được sử dụng các dịch vụ công tác xã hội là rất lớn. Họ rất cần được tư vấn và hỗ trợ khi mà các vấn đề xã hội, tệ nạn xã hội ngày một phức tạp. Thực tế này, đòi hỏi cần phát triển mạnh nghề Công tác xã hội chuyên nghiệp với vai trò giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa con người với con người.

Có thể thấy, những người yếu thế cần được quan tâm, trợ giúp trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều và nhu cầu được sử dụng các dịch vụ công tác xã hội là rất lớn. Họ rất cần được tư vấn và hỗ trợ khi mà các vấn đề xã hội, tệ nạn xã hội ngày một phức tạp. Thực tế này, đòi hỏi cần phát triển mạnh nghề Công tác xã hội chuyên nghiệp, xây dựng xã hội công bằng, hạnh phúc cho mọi người dân.

Ngày 25/3/2010, Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 nhằm phát triển công tác xã hội trở thành một nghề chuyên nghiệp tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, ngày 24/5/2011 UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch 1811/KH-UBND phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Để nắm vững được trình độ chuyên môn, kỹ năng phục vụ cho nhu cầu phát triển của xã hội, rất cần chú trọng đến việc đào tạo kỹ năng nghề công tác xã hội cho đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các thôn, khu trên địa bàn tỉnh.

Chính vì sự cần thiết đó, tháng 7 năm 2017, Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh đã ký hợp đồng với Trường Đại học Hạ Long tổ chức mở lớp đào tạo nghề công tác xã hội khóa VI/2017 cho 179 học viên là cán bộ, nhân viên, người lao động tại các đơn vị thuộc Sở; cộng tác viên công tác xã hội cấp thôn, khu thuộc địa bàn thành phố Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái, thị xã Đông Triều, huyện Tiên Yên, Ba Chẽ, Vân Đồn và Hoành Bồ năm 2017; chia làm 2 lớp (lớp thứ nhất: 89 học viên, gồm: Thành phố Uông Bí: 17 học viên, Cẩm Phả: 11 học viên; Thị xã Đông Triều: 39 học viên, huyện Tiên Yên: 4 học viên, Ba Chẽ: 1 học viên, Vân Đồn: 7 học viên, Hoành Bồ: 3 học viên, Trung tâm BTXH: 2 học viên, Văn phòng Sở Lao động TB&XH: 2 học viên, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh: 3 học viên).

Cán bộ Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Quảng Ninh thu thập thông tin đối tượng yếu thế tại xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu. Ảnh: Xuân Huy (Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh)

Theo đánh giá, kết thúc khóa học, học viên trong lớp đều nắm bắt, hiểu biết cụ thể hơn các kỹ năng về nghề công tác xã hội mà các thầy cô giáo đã giảng dạy, truyền đạt. Có cái nhìn toàn diện, nhận thức sâu sắc hơn về nhiệm vụ, vai trò, đạo đức, chuyên môn, phương pháp tiếp cận đối tượng, phương pháp làm việc của 1 nhân viên công tác xã hội. Thời gian học tập tuy không dài nhưng cũng là cơ hội để các học viên hiểu tìm hiểu, trao đổi, chia sẻ những khó khăn và vướng mắc gặp phải trong quá trình làm việc, đồng thời đúc rút kinh nghiệm, bài học qua việc vận dụng lý thuyết vào thực tế công việc của mỗi cá nhân. Với những kiến thức đã tiếp thu được, các học viên sẽ áp dụng hiệu quả vào công việc thực tế của mỗi địa phương và thực hiện tốt hơn yêu cầu ngày càng cao về công tác bảo trợ xã hội và nghề công tác xã hội. Đây cũng là cơ sở, là tiền đề để trong thời gian tới Trường Đại học Hạ Long tiếp tục phối hợp với Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh mở các khóa đào tạo nghề công tác xã hội tiếp theo cho các nhóm đối tượng học viên ở các ngành, các cấp và đơn vị khác nhằm triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh và để nghề công tác xã hội thực sự trở thành 1 nghề chuyên nghiệp hơn.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh cho biết, phát triển nghề CTXH trong cộng đồng là cách thiết thực nhất để thực hiện các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp, trợ giúp các đối tượng yếu thế. Nghề CTXH có thể coi là nghề chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...). Phát triển tốt nghề CTXH sẽ là giải pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề xã hội, trợ giúp các nhóm đối tượng yếu thế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để cụ thể hóa Đề án phát triển nghề CTXH của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 32) với mục tiêu chăm lo cho các đối tượng yếu thế và nâng cao hiệu quả trợ giúp xã hội cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh. Quảng Ninh đã thành lập Trung tâm CTXH tỉnh ngay từ năm 2011 - đây là một trong những trung tâm CTXH được thành lập sớm nhất trong cả nước với nhiệm vụ cung cấp một cách đầy đủ nhất các dịch vụ CTXH đến với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cộng đồng. Những năm qua, Trung tâm CTXH tỉnh đã tập trung nghiên cứu, đưa ra cách thức hoạt động các dịch vụ CTXH, tổ chức mạng lưới trợ giúp một cách linh hoạt qua các mô hình thiết thực như: can thiệp hỗ trợ khẩn cấp, quản lý trường; mô hình cá nhân và gia đình nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trị liệu cho trẻ rối nhiễu tâm trí...

Có thể nói, Quảng Ninh là một trong những tỉnh phát triển nghề CTXH sớm trong cả nước, hiện mạng lưới CTXH đã bao phủ rộng khắp. Trong những năm gần đây, phát triển nghề CTXH trong cộng đồng ngày càng được chú trọng, phát triển song song với các hoạt động tư vấn qua tổng đài tư vấn miễn phí 18001769, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng yếu thế tại các trung tâm bảo trợ xã hội trực thuộc Sở LĐ-TB&XH. Qua đó nhằm kịp thời cung cấp dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp, trợ giúp các đối tượng yếu thế, giảm nguy cơ dẫn đến xâm hại, bạo lực, bất bình đẳng giới... Riêng trong năm 2017, Trung tâm CTXH tỉnh đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện thu thập thông tin về đối tượng yếu thế và các yếu tố liên quan để tư vấn ban đầu, tiến hành hội chẩn và xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch để giải quyết vấn đề khó khăn đang gặp phải cho 720 đối tượng và gia đình trên địa bàn. Bên cạnh đó, thực hiện nhiều đợt tư vấn trực tiếp tại cộng đồng và kết nối, trợ giúp cho 10 trẻ em cần sự tư vấn, can thiệp hỗ trợ khẩn cấp, chủ yếu là các trường hợp liên quan đến trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị bạo lực gia đình và bị buôn bán qua biên giới...

Bên cạnh hoạt động của Trung tâm CTXH, các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về nghề CTXH cũng được tăng cường bằng nhiều hình thức. Qua công tác truyền thông, nhận thức của cộng đồng về nghề CTXH đã được nâng cao, đồng thời tạo cơ hội cho các đối tượng yếu thế trong cộng đồng biết, hiểu và dần tiếp cận với các dịch vụ CTXH. Có thể thấy, bằng sự quan tâm của tỉnh, sự vào cuộc và nỗ lực của các ngành chức năng, hoạt động phát triển nghề CTXH đã đạt được những kết quả đáng mừng, tạo nên những chuyển biến mới. Điều này thật sự cần thiết và ý nghĩa, nhất là đối với Quảng Ninh, nơi được đánh giá có nhu cầu cao về hoạt động CTXH.

PV

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/quang-ninh-nang-cao-hieu-qua-nghe-cong-tac-xa-hoi-d75365.html